Bạn đang ở đây

Thời cơ của doanh nghiệp

01/08/2012 15:20:35

Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại trên địa bàn liên tiếp có những động thái giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện, lãi suất cho vay dao động từ 12 đến dưới 15%/năm, mức lãi này chưa phải là hết gánh nặng nhưng như vậy được xem là chấp nhận được, các doanh nghiệp cần coi đây là cơ hội để vực dậy sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình.

Sáng 14/7/2012, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Yên Bái (BIDV Yên Bái) đã quyết định đưa thêm 75 khách hàng doanh nghiệp vào danh sách hạ lãi suất xuống dưới 15%/năm (tổng dư nợ của 75 khách hàng này là 250,719 tỷ đồng), nâng tổng số khách hàng doanh nghiệp được giảm lãi suất lên trên 80 đơn vị và tổng số dư nợ được giảm lãi lên đến  608,405 tỷ đồng. Được biết, số dư nợ nói trên không bao gồm các khoản đầu tư hợp vốn (cho vay đồng tài trợ với các ngân hàng khác).

Trong số các khách hàng được giảm lãi suất dịp giữa tháng 7/2012 này, nhiều doanh nghiệp có số dư nợ lên đến cả chục tỷ đồng (cả khoản vay ngắn hạn và trung hạn) và làm nhiều ngành nghề khác nhau, từ khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến nông lâm sản...

Lãnh đạo BIDV Yên Bái cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện rà soát lại toàn bộ dư nợ các khoản vay đang có mức lãi suất cao hơn 15% một năm và điều chỉnh mức lãi suất về mức tối đa 15% một năm kể từ ngày 15/7/2012 đối với các khách hàng là doanh nghiệp và hộ dân.

Đối với các khách hàng vay mới, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất cho vay tối đa không quá 15% một năm. Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư gồm: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khắc phục hậu quả bão lụt và các khoản vay ngắn hạn của khách hàng có định dạng tín nhiệm cao, lãi suất cho vay chỉ ở mức 12%/năm. Đặc biệt đối với những lĩnh vực xuất khẩu, BIDV Yên Bái sẵn sàng áp dụng mức lãi suất cạnh tranh 11% khi doanh nghiệp thực hiện dịch vụ trọn gói tại ngân hàng như: chuyển tiền, thanh toán, mua bán ngoại tệ và vay vốn”.

Không chỉ là ngân hàng tiên phong trong việc hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, đến ngày 16/7/2012 toàn bộ số khách hàng vay vốn của Ngân hàng Công thương đã được điều chỉnh lãi suất xuống tối đa là 15%, kể cả khách hàng đang nợ xấu. Trong số hơn 600 tỷ đồng dư nợ được điều chỉnh hạ lãi suất có cả trăm tỷ đồng của các khách hàng thuộc các doanh nghiệp vừa và nhỏ như Hải Phượng, Quang Thịnh, Hữu Hảo, Phi Long… được áp dụng lãi suất 13% một năm.

Ông Đinh Xuân Thắng - Giám đốc Ngân hàng Công thương chi nhánh Yên Bái cho biết: “Chúng tôi đã tiến thêm một bước hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh bằng việc giảm và miễn toàn lãi suất cho một số khách hàng nợ xấu nếu khách hàng cam kết trả được toàn bộ gốc”.

Là ngân hàng lớn nhất trên địa bàn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái cũng có những động thái sau khi có sự chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, khách hàng thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên gồm: Nông nghiệp nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa, khắc phục hậu quả bão lụt khi vay vốn sẽ được áp dụng mức lãi suất 13%; đối với các khách hàng còn lại sẽ áp dụng mức lãi suất không quá 15%. Riêng việc điều chỉnh mức lãi suất đối với các món vay cũ ngân hàng này vẫn chưa điều chỉnh hạ lãi suất.

Giải thích về vấn đề này, cán bộ Kế hoạch nguồn vốn của Agribank Yên Bái cho biết: “Thứ nhất, căn cứ vào kết luận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì việc điều chỉnh đối với món vay cũ là không bắt buộc. Thứ hai, Agribank Yên Bái chưa nhận được sự chỉ đạo về vấn đề này của Agribank Trung ương”. 

Nhìn lại quá trình hoạt động của các ngân hàng trong thời gian qua cho thấy việc liên tiếp và đồng loạt hạ lãi suất cho vay cùng với việc giúp đỡ doanh nghiệp (cho dù mức độ ở mỗi ngân hàng có khác nhau) nhưng đó là sự nỗ lực rất lớn từ phía ngân hàng. Nói như vậy là bởi suốt một thời gian dài lãi suất huy động luôn duy trì ở mức 17%/năm, thậm chí đã xuất hiện cả hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trong việc huy động bằng việc “vượt rào” tìm mọi cách để tăng lãi suất huy động lên trên 17% nhằm lôi kéo ngày càng nhiều hơn khách hàng đến gửi tiền tại đơn vị mình.

Giờ lãi suất cho vay còn 15% (giảm ít nhất 2% so với giá mua vào) buộc các ngân hàng phải cân đối lại quá trình hoạt động của mình, bằng không phải chấp nhận mất lãi! Một phép tính đơn giản, nếu giảm lãi khoản dư nợ 2.000 tỷ đồng, số vốn ấy huy động ở mức lãi suất 17% thì khoản lỗ của các ngân hàng ít nhất là 40 tỷ đồng, đó còn chưa kể đến khoản nợ xấu luôn có nguy cơ phồng lên, (hiện tại con số nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức công bố là 10%). Giá vốn chiếm một tỷ lệ khá lớn trong giá thành sản phẩm, nhất là đối với doanh nghiệp có chu kỳ quay vòng vốn chậm.

Trong bối cảnh khó khăn chung thì tình trạng nợ đọng, chiếm dụng vốn lẫn nhau là quá phổ biến nên nhiều doanh nghiệp hạch toán khi bước vào sản xuất, kinh doanh thì thấy lãi, đến khi làm thì thấy lỗ và càng làm thì càng lỗ nặng.

Giám đốc một doanh nghiệp chế biến chè ở Trấn Yên đã từng phát biểu “Làm cố gắng chỉ đủ “nuôi” ngân hàng!”. Nay lãi suất huy động liên tục giảm còn từ 1 đến 1,2%/tháng, mức lãi này được cho là chấp nhận được. Đối với rất nhiều doanh nghiệp có khoản vay lớn, dự án mới đi vào sản xuất và đang trong tình trạng “gắng sức” để mà làm ăn như sản xuất xi măng, khai thác chế biến khoáng sản... khoản dư ra nhờ lãi suất hạ thực sự là “liều thuốc bổ” để các doanh nghiệp có sức chịu đựng thêm trong những ngày sóng gió.

Còn với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là những doanh nghiệp chế biến nông - lâm sản thì đây là dịp để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. 

Điều chỉnh lãi suất đúng vào dịp Chính phủ, các Bộ, ngành và tỉnh Yên Bái đã và đang có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế, giữa lúc thời tiết, khí hậu tương đối thuận lợi cho việc khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khi mà chè đang rộ búp... là cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp ra sức phấn đấu vươn lên, hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2012.

Ngay lúc này doanh nghiệp cần xem xét điều chỉnh lại quy trình sản xuất, kinh doanh của mình, đảm bảo quá trình quay vòng vốn hợp lý, chủ động tìm kiếm bạn hàng, giảm thiểu tình trạng nợ đọng và chiếm dụng vốn lẫn nhau, đặc biệt, cần mạnh dạn tham gia thị trường xuất khẩu cũng như thực hiện “dịch vụ trọn gói” tại một ngân hàng nhất định, làm như vậy sẽ được hưởng mức lãi suất 11% một năm, thậm chí là thấp hơn nữa, đó là lãi suất “trong mơ” với bất kỳ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nào!

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Bùi Trung Thu cho rằng: “Các ngân hàng cơ cấu lại nợ, cho vay mới (nếu đủ các điều kiện) đối với cả những khách hàng tồn đọng nợ cũ, kéo dài thời gian trả nợ đối với một số dự án lớn, miễn giảm lãi vay phải trả đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do khách quan và nhất là đồng loạt điều chỉnh hạ lãi suất… là nỗ lực rất lớn thể hiện trách nhiệm xã hội của mình.

Vấn đề là doanh nghiệp có hấp thụ được nguồn vốn đó hay không, có dự án tốt và đảm bảo các điều kiện hay không đều là phụ thuộc vào các khách hàng và ngành công thương. Giá vốn không phải là yếu tố duy nhất và quan trọng nhất trong quá trình làm ăn của doanh nghiệp”.

Theo YBĐT

Tin liên quan