Bạn đang ở đây

Thị trường thanh toán di động sẽ phát triển mạnh mẽ trong 3 năm tới

23/01/2018 09:08:08
 
Người tiêu dùng Việt Nam đang dần quen với giải pháp thanh toán di động

Trao đối với Báo Công Thương, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT MoMo - một trong những công ty Fintech tiêu biểu của Việt Nam - cho biết, với trên 20 đơn vị tham gia vào cung cấp dịch vụ TTDĐ hiện nay cho thấy, thị trường đang phát triển tốt, tiến đến một xã hội thanh toán không tiền mặt.

Theo ông Diệp, ở khía cạnh cạnh tranh, mỗi công ty đều có sản phẩm phục vụ cho một đối tượng khách hàng riêng. Vì thế MoMo đang đi theo hướng phối hợp với các chuỗi bán lẻ như FPT Shop, Thế giới di động... để tăng nhanh số cửa hàng phục vụ khách hàng, đồng thời mang đến dịch vụ chuyên nghiệp cho khách hàng. MoMo dự tính sẽ tăng gấp đôi cửa hàng MoMo trên toàn quốc trong năm 2018 để những người nông dân, người ở vùng sâu vùng xa có thể trải nghiệm dịch vụ ngay bên hông nhà.

“Chúng tôi đang tiến đến mô hình cung cấp dịch vụ để người dùng có thể sử dụng MoMo cho mọi nhu cầu của mình 24/7. Thú vị hơn, MoMo bước ra đời sống bằng hàng nghìn điểm chấp nhận thanh toán để người dùng có thể sử dụng để trả tiền khi đi uống cà phê, ăn tối, đi chợ hàng ngày. Chúng tôi rất vui mừng khi trong năm 2017 đã kết nối được với Uber, Vinasun, Lottemart, CGV, Co.opmart, Gongcha, The Coffee House... Sẽ rất sớm thôi, người dùng MoMo có thể đặt xe Uber ngay tại ứng dụng MoMo và đi chợ ở Co.opmart trên toàn quốc mà không cần mang theo ví tiền hay thẻ ngân hàng”, ông Diệp chia sẻ.

Thực tế, năm 2017 đánh dấu bước tiến lớn của MoMo khi đơn vị này cán mốc 8 triệu người dùng, trong đó có gần 3 triệu người sử dụng dịch vụ tại các cửa hàng MoMo và hơn 5 triệu người cài đặt ứng dụng MoMo. MoMo cũng đã liên kết trực tiếp với 12 ngân hàng lớn: Vietcombank, Vietinbank, ACB, TPBank, Shinhanbank…

Một khách hàng dùng điện thoại để trả tiền mua sắm trong siêu thị Co.opmart 

Trong khi đó, Samsung Pay - một giải pháp TTDĐ mới được Samsung triển khai tại thị trường Việt Nam hơn 3 tháng cũng ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Theo đại diện Samsung, chỉ sau 3 tháng được triển khai trên toàn quốc, đã có hơn 160.000 lượt người dùng ứng dụng Samsung Pay và lượt giao dịch bằng Samsung Pay đạt hơn 148.000 lượt. Ngoài ra, trong thời gian ngắn, Samsung cũng đã thành công trong việc nghiên cứu và triển khai để cập nhật thêm 2 tính năng mới cho người dùng Việt. Cụ thể, người dùng sẽ tiếp tục được trải nghiệm thêm những lợi ích từ các dịch vụ vừa được bổ sung độc đáo của Samsung Pay, đó là chương trình Samsung Rewards và tích hợp Loyalty Cards.

Với những thành công trong năm 2017, các doanh nghiệp cho rằng, trong vòng 3 năm tới, Fintech, mà trong đó TTDĐ là công cụ - thành tố quan trọng sẽ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. “Năm 2017 đánh dấu năm thị trường Fintech bắt đầu phát triển, các ngân hàng cởi mở hơn, bước đầu ủng hộ Fintech. Vì thế thời gian tới, công ty cung cấp platform thanh toán di động như MoMo vẫn sẽ tiếp tục “bung” ra hết cỡ trong điều kiện được cấp phép của mình”, ông Nguyễn Bá Diệp dự báo.

Và ở góc độ vĩ mô, theo nghiên cứu của mckinsey Global Institute, Việt Nam là 1 trong 25 quốc gia mà Ngân hàng Thế giới ưu tiên trong nỗ lực giúp nhiều người tiếp cận đến hệ thống tài chính chính thức, bao gồm các dịch vụ tiết kiệm, thanh toán, tín dụng và bảo hiểm. Một điểm tích cực là người Việt thể hiện thái độ cởi mở với các phương thức thanh toán mới, theo báo cáo của tổ chức Visa mới đây, điện thoại thông minh sẽ là công cụ hỗ trợ tích cực người dùng Việt Nam tiếp cận các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.

Những con số nêu trên cho thấy tín hiệu vô cùng tích cực cho thị trường TTDĐ năm 2018 và 3 năm tới, cũng như mục tiêu thực hiện thanh toán không tiền mặt của Chính phủ Việt Nam vào năm 2020. 

 

Tin liên quan