Bạn đang ở đây

Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử- Tạo vị thế doanh nghiệp

02/01/2018 09:54:10

 

Triển khai các giải pháp phát triển thương mại điện tử

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Việc ứng dụng internet và công nghệ của doanh nghiệp (DN) cũng tăng trưởng nhanh gấp 2,1 lần so với đơn vị không sử dụng. Các DN nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì tăng doanh thu gấp 9 lần so với DN chỉ chi dưới 10%.

Theo kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng TMĐT trong lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt khoảng 20%/năm và đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020. 

Theo bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng phụ trách Cục TMĐT và kinh tế số, mặc dù TMĐT có tiềm năng lớn nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến chưa thể phát triển bền vững. Bởi lẽ, ứng dụng công nghệ thông tin của DN hiện mới dừng lại ở khối văn phòng, chưa triển khai áp dụng vào quy trình tự động hóa sản xuất, kinh doanh. 

Ngoài ra, một thách thức lớn của DN tham gia vào sân chơi TMĐT chính là nguồn vốn. Hiện số DN nhỏ và vừa chiếm 98%, 77% cơ cấu lực lượng lao động, 80% cơ cấu thị trường bán lẻ, 40% GDP nhưng chỉ có 3% tiếp cận được vốn vay ngân hàng. 

Sở dĩ có tình trạng này, theo bà Nguyễn Quỳnh Nga - Phó giám đốc khối DN nhỏ và vừa (Ngân hàng OCB) là do DN thiếu tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, báo cáo tài chính chưa rõ ràng, phương án kinh doanh chưa phù hợp khiến sự kết nối với ngân hàng khó khăn hơn… Đây là những thách thức đòi hỏi các DN TMĐT cần vượt qua khi muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. 

Theo ông Lê Hải Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam - với quy mô thị trường lớn, đầu tư thích đáng, sự sẵn sàng của DN và hạ tầng tại Việt Nam đã ở mức độ cao để ứng dụng TMĐT. Tuy nhiên để gia nhập sân chơi TMĐT, các nhà bán lẻ cần tính đến bài toán tổng thể cho một hệ thống kinh doanh đồng bộ từ khâu sản xuất, marketing, quản lý đơn hàng, nguồn hàng và công tác vận chuyển, giao nhận thay vì dựng lên một website đơn giản.

Cùng quan điểm này, bà Lại Việt Anh cũng cho rằng, vấn đề hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT, đào tạo kỹ năng cho DN lập website không khó, nhưng cái khó là qua website đó, DN kết nối được với những đối tác tiềm năng trên thị trường; kết nối được với DN cung ứng các dịch hỗ trợ trong cả chuỗi cung ứng TMĐT như logistics, thanh toán... "Đã đến lúc DN cần nghiêm túc hơn trong ứng dụng TMĐT ở bề nổi như lập website, tham gia sàn TMĐT, tham gia mạng xã hội..." - bà Lại Việt Anh lưu ý.

Về giải pháp hỗ trợ phát triển TMĐT toàn diện cũng đã được nêu rõ trong Quyết định 1563/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/8/2016 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 -2020. Các chính sách quản lý đã được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, nhằm tạo thuận lợi cho DN, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi ứng dụng TMĐT.

Theo Bộ Công Thương, đến năm 2020 sẽ có khoảng 30% dân số Việt Nam tham gia hoạt động mua sắm online, đạt 350 USD/người và đạt 10 tỷ USD/năm, chiếm 5% tổng mức bán lẻ nói chung của cả nền kinh tế.

Nguồn: báo Công thương

 

 

Tin liên quan