Bạn đang ở đây

Sản xuất công nghiệp: Tăng tốc về đích

10/09/2011 15:09:37
Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản vốn có nhiều lợi thế cũng gặp không ít khó khăn do công tác cấp phép, gia hạn khai thác chậm, dự án sắt, giấy không triển khai được, một số nhà máy phải ngừng hoạt động để xử lý môi trường... Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, công nghiệp Yên Bái vẫn đạt được mức tăng trưởng cao, giá trị sản xuất 9 tháng đạt 1.804 tỷ đồng, bằng 61,9% kế hoạch, tăng 12,8% so cùng kỳ.
 
Nhìn lại bức tranh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 9 tháng qua, dẫu khó khăn chồng chất nhưng vẫn có những chuyển biến tích cực đặc biệt là từ tháng 7 trở lại đây, các doanh nghiệp, công ty, nhà máy đã tích cực, chủ động và giữ vững nhịp độ trong sản xuất, kinh doanh. Công nghiệp của tỉnh đã có những sản phẩm mới với chất lượng cao, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng thành công hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến, bảo đảm sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng về chủng loại, tốt về chất lượng và đủ sức canh tranh trên thị trường. Nhờ vậy, đến hết tháng 9/2010 giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt trên 1.804 tỷ đồng, bằng 61,9% kế hoạch, tăng 12,8% so cùng kỳ năm trước.
 
Trong đó công nghiệp Trung ương quản lý đạt trên 605,5 tỷ đồng, bằng 53% kế hoạch và tăng 6,8%; công nghiệp địa phương đạt 1.167 tỷ đồng, bằng 66,9% kế hoạch, tăng 15,5% so cùng kỳ; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 31 tỷ đồng. Đặc biệt, sự "trỗi dậy" của công nghiệp địa phương càng khẳng định tính định hướng và tốc độ phát triển sản xuất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất cũng như diện mạo của công nghiệp Yên Bái. Các sản phẩm công nghiệp của Yên Bái đã tạo được vị thế trên thương trường trong và ngoài nước như: đá vôi bột, Felspat, tinh bột sắn, giấy đế, giấy vàng mã, sứ điện, chè...
 
Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Trương Ngọc Biên - Giám đốc Sở Công thương Yên Bái cũng thẳng thắn thừa nhận: "Sản xuất công nghiệp 9 tháng qua vẫn giữ được nhịp độ sản xuất và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước nhưng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, ngân hàng thắt chặt tín dụng, tình trạng cắt điện luân phiên trong tháng 6 tháng 7 đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất. Nói là vậy nhưng ngành đang nỗ lực cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất, phấn đấu đạt giá trị sản xuất trên 2.800 tỷ đồng”.
 
Khó khăn của những tháng đầu năm là có thực và nhìn một cách toàn diện thì sản xuất công nghiệp Yên Bái vẫn có những hạn chế nhất định. Khá nhiều doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng chưa cao, sức cạnh tranh yếu, khâu xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường chậm.
 
Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư lớn, nhưng khi đi vào hoạt động lại kém hiệu quả, chưa bắt kịp với tiến trình hội nhập WTO, trong sản xuất, chế biến chè vẫn chỉ là chế biến thô, chưa có sản phẩm hoàn chỉnh đáp ứng thị trường. Doanh nghiệp chế biến gỗ, đặc biệt chế biến giấy thiếu nguyên liệu trầm trọng, đó là hệ quả của doanh nghiệp, nhà máy chỉ biết khai thác chứ không hề đầu tư vào vùng nguyên liệu. Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản gặp khó khăn trong khâu cấp phép khai thác, công tác khai thác chưa thực hiện đúng quy trình, lãng phí tài nguyên...
 
Để hoàn thành kế hoạch, trong ba tháng cuối năm giá trị sản xuất công nghiệp phải đạt tối thiểu 1 nghìn tỷ đồng, so với mục tiêu Đại hội là 1.200 tỷ đồng, một con số không phải là quá lớn, nhưng cũng đầy gian nan thách thức, nếu không có những giải pháp cụ thể thì rất khó hoàn thành. Muốn đạt được mục tiêu đó, trước tiên phải đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các huyện thị, thành phố, tập trung vào các mặt hàng địa phương có lợi thế, có thị trường tiêu thụ và chiếm tỷ trọng lớn.
 
Các doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm cần tổ chức tốt công tác thu mua nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất, đặc biệt các nhà máy chế biến tinh bột sắn, doanh nghiệp chế biến chè. Các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, tích cực phát huy năng lực khai thác và chế biến... 19 đơn vị đã và đang gặp khó khăn trong cấp phép khai thác và gia hạn mỏ cần phải giải quyết nhanh theo đúng luật pháp. Các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý chi phí sản xuất, tăng cường sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất ở mỗi công xưởng, nhà máy. Đơn vị gặp khó khăn về vốn cần tranh thủ nguồn vốn vay ngân hàng và huy động phát hành cổ phiếu, thu hút vốn trong công nhân, lao động và đẩy mạnh liên doanh, liên kết...
 
Theo YBĐT

Tin liên quan