Bạn đang ở đây

Sản xuất công nghiệp: Cần giải pháp mạnh cho mục tiêu 3.000 tỷ đồng

31/08/2011 18:04:29
Đặc biệt, tình trạng nắng nóng gay gắt và khô hạn kéo dài đã dẫn đến khó khăn cho sản xuất điện và thiếu điện cho sản xuất, mực nước hồ Thác Bà xuống thấp, tầu thuyền không thể chở đá nguyên liệu cho hai nhà máy xi măng và các nhà máy sản xuất các bon nát can xi…
 
Theo số liệu thống kê, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 1.129 tỷ đồng, (bằng 38% kế hoạch năm và tăng 13% so với cùng năm trước). Khối công nghiệp địa phương mới đạt trên 50% kế hoạch năm, còn công nghiệp trung ương, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và công nghiệp do các huyện thị, thành phố quản lý đều đạt giá trị rất thấp so với kế hoạch đề ra. Biến động một số ngành hàng chủ lực, đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp như sau: xi măng, clinke 591,74 tấn, (bằng 49,3% kế hoạch), giấy đế 8,42 nghìn tấn, bằng 40% kế hoạch, chè chế biến 7,4 nghìn tấn, (bằng 33% kế hoạch), sứ điện 1,43 nghìn tấn, (bằng 40,8%), điện thương phẩm ước đạt 8,85 triệu kwh, (bằng 15,4%), gạch xây sản xuất được gần 80 triệu viên (đạt 39% so với kế hoạch)... Như vậy, 6 tháng đầu năm 2010, sản xuất công nghiệp tuy vẫn duy trì được đà tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng giảm dần so với cùng kỳ năm trước và đạt thấp so với kế hoạch năm.
 
Trong bối cảnh hạn hán còn tiếp diễn, sản xuất điện chưa thể phát huy công suất, tầu thuyền chưa thể lưu thông bình thường chở nguyên liệu cho các nhà máy lớn, thiếu điện và chất lượng điện không bảo đảm nên việc tăng công suất các nhà máy, xí nghiệp khó thực hiện, hàng loạt doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã hết thời hạn giấy phép khai thác mỏ nhưng không được gia hạn thêm vì không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, các nhà máy sản xuất giấy đế sẽ phải dừng hoạt động vì không đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường… thì mục tiêu 3.000 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp năm nay liệu có đạt?
 
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, bàn giải pháp 6 tháng cuối năm 2010 ngành công thương, nhiều đại biểu đến từ các doanh nghiệp, các huyện, thị đã nêu ra những khó khăn và kiến nghị cần được tháo gỡ, trong đó có nhiều vấn đề nằm ngoài phạm vi xử lý của các cấp, các ngành, địa phương như: lãi suất, nguồn vốn trung và dài hạn và cả những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của con người như hạn hán dẫn đến thiếu nước, thiếu điện…
 
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, mỗi tháng các doanh nghiệp sản xuất phải đạt giá trị 300 tỷ đồng (6 tháng hơn 1.800 tỷ) - một con số khổng lồ, không dễ gì đạt được trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Theo nhận định của các nhà chuyên môn trong nhiều lĩnh vực 6 tháng cuối năm, nền kinh tế trong nước và thế giới sẽ tiếp tục đà phục hồi, nhu cầu về vật tư, hàng hóa sẽ tăng lên, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Tuy vậy, khó khăn do thiên nhiên tác động chưa thể khắc phục được vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp lớn, ngay cả khi có nước thì sản lượng điện thương phẩm chắc chắn không đạt kế hoạch đề ra vì các nhà máy như thủy điện Thác Bà, Nậm Tục, hoạt động tối đa công suất ngay từ cuối tháng 7, đầu tháng 8 khi lũ đã về, nước đã nhiều thì công suất thiết kế cũng không có gì thay đổi.
 
Để hoàn thành mục tiêu 3.000 tỷ đồng, ngành công thương đã đưa nhiều giải pháp: đối với quản lý nhà nước, sẽ tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đang thuận lợi về thị trường như: xi măng, chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng thông thường… phát huy hết công suất gia tăng sản lượng, bù đắp sự thiếu hụt trước đó; tăng cường cung cấp thông tin và tổ chức xúc tiến thương mại toàn diện nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa các dự án vào sản xuất, kinh doanh tạo thêm năng lực sản xuất ngay từ năm 2010.
 
Đối với các doanh nghiệp, ngành công thương đề nghị, cần nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy tối đa năng lực sản xuất hiện có, tổ chức tốt công tác thu mua nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu chè, giấy, có cơ chế thu mua hợp lý để phát huy tối đa năng lực chế biến; đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, thiết bị, thực hiện lộ trình áp dụng phương pháp quản lý tiên tiến, tiết kiệm tối đa chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững…
 
Ngành công thương cũng kiến nghị với tỉnh cần làm việc với các bộ, ngành trung ương, thống nhất cốt nước hồ Thác Bà tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải thủy hoạt động bình thường trong mùa khô, cho phép các nhà máy giấy đế thêm thời gian để đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường, tổ chức hội nghị chuyên đề bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thủ tục cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, sớm xây dựng chính sách hỗ trợ tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp…
 
 
Lê Phiên

Tin liên quan