Bạn đang ở đây

Quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử: Chưa bắt kịp thực tế

23/04/2018 09:49:59
 
Sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với thương mại điện tử

Nộp ngân sách không đáng kể

Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), năm 2017, TMĐT của Việt Nam tăng trưởng trên 25% và dự báo tiếp tục duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020. Lĩnh vực bán lẻ trực tuyến có mức tăng doanh thu tăng trưởng 35%; lĩnh vực thanh toán tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa khoảng 50%, trong khi giá trị tăng tới 75%; tiếp thị trực tuyến với nhiều công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng đạt 100 - 200% và 30% là mức tăng trưởng tỷ lệ đặt phòng qua đại lý du lịch trực tuyến.

Rõ ràng, kinh doanh TMĐT đang có xu hướng phát triển nhanh, không lệ thuộc vào địa lý. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam - nhiều DN, tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng nộp ngân sách không đáng kể.

Nguyên nhân được chỉ ra là hầu hết các dịch vụ này đều không đăng ký kinh doanh theo đúng ngành nghề quy định tại Việt Nam hoặc cố tình không cung cấp hoặc cung cấp thông tin không chính xác nhằm “lách” thuế. Trong khi đó, khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách quản lý chưa hoàn chỉnh dẫn đến tình trạng trên.

Tìm mấu chốt để quản lý hiệu quả

Những năm gần đây, ngành thuế, nhất là tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có những động thái khá kiên quyết trong thanh tra, kiểm tra các DN, loại hình kinh doanh TMĐT và thu được một số thuế nhất định, nhưng kết quả không như mong muốn. Hiện, hình thức thu thuế chủ yếu là tổ chức, cá nhân tự khai, tự tính và tự nộp nhưng không tương xứng với doanh thu, lợi nhuận thực tế, gây bất bình đẳng trong chính sách thuế.

Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của các định chế tài chính quốc tế (OECD, WB, IMF…) cho thấy, dù là kinh tế số hay TMĐT, ngoài các sản phẩm và dịch vụ được “sản xuất” hoàn toàn trên cơ sở điện tử, một khối lượng lớn hàng hóa và dịch vụ vẫn gắn với kinh tế thực. Điển hình, taxi, “xe ôm” công nghệ vẫn phải gắn với những chiếc ôtô, xe máy và lái xe... Như vậy, về bản chất, việc phát triển các ứng dụng kỹ thuật số chỉ là phương tiện để thực hiện giao dịch kinh tế thực nhanh hơn, chi phí thấp hơn mà thôi.

Để quản lý và thu thuế đối với các loại hình kinh doanh TMĐT, theo bà Cúc, trong khi chúng ta chưa hoàn thiện khung khổ pháp lý thông qua việc sửa đổi, bổ sung các luật, như: Luật Thuế thu nhập DN, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế…, cần tạo cơ chế tốt để họ công khai hình thức hoạt động, công khai mã số thuế, địa chỉ DN trên trang mạng và nếu từ chối đồng nghĩa với kinh doanh trốn thuế. Đây là yêu cầu hoàn toàn hợp lý, không vi phạm quyền tự do kinh doanh, không tạo thêm gánh nặng hành chính cho người bán hàng online, nhà cung cấp dịch vụ mạng và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý; sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan hữu quan từ trung ương đến địa phương, nhất là ở cấp địa phương từ khâu thống kê, giám sát đến tuyên truyền… để DN, cá nhân hoạt động TMĐT tự giác kê khai nộp thuế.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan