Bạn đang ở đây

Phát triển thương mại điện tử tại Hà Nội: Vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

08/03/2017 07:51:50

Theo số liệu từ Sở Công Thương Hà Nội, “Ngày mua sắm mùa thu” năm 2016, đã có hơn 5 triệu lượt khách hàng truy cập và xem sản phẩm trên web OnlineFriday.vn. 16.000 đơn hàng thành công, ước doanh thu đạt 203 tỷ đồng. OnlineFriday 2016 cũng ghi nhận có hơn 3.000 doanh nghiệp (DN) trên toàn quốc tham gia, với hơn 360.000 sản phẩm được khuyến mại. Thống kê sơ bộ từ 30 DN lớn tham gia chương trình, có hơn 540.000 đơn hàng với tổng giá trị trên 644 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với Online Friday 2015...

Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - chia sẻ: Năm 2016, Sở đã tiến hành điều tra, khảo sát hoạt động TMĐT của gần 1.000 DN trên địa bàn thành phố, kết quả cho thấy sự phát triển của TMĐT gắn chặt với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và công nghệ thông tin và truyền thông; TMĐT trên địa bàn TP. Hà Nội ngày càng được DN quan tâm ứng dụng nhằm phục vụ tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xu hướng TMĐT trên nền tảng di động cũng ngày càng phát triển bởi lợi thế tiện dụng cho người tiêu dùng, khảo sát cho thấy có tới 37% DN đã có website phiên bản di động, 27% DN ứng dụng hỗ trợ bán hàng trên nền tảng di động...

Hà Nội hiện có 5.259 website TMĐT được tổ chức, cá nhân thông báo, đăng ký hoạt động, chiếm 5,6% tổng số website đang hoạt động trên địa bàn. Điều đó đồng nghĩa những website TMĐT chưa làm thủ tục thông báo với Bộ Công Thương đều đang vi phạm Điều 27 của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website TMĐT. Hơn nữa, các website vi phạm vẫn hoạt động dưới hình thức TMĐT, nên các giao dịch trực tuyến cũng như hàng hóa được rao bán trên các trang này khó được bảo đảm.

Đánh giá những hạn chế trong công tác quản lý hoạt động TMĐT, ông Lê Hồng Thăng cho biết, các cơ quan chức năng mới chỉ quản lý hoạt động kinh doanh trực tuyến đối với các website hoạt động dưới dạng TMĐT, trong khi các trang fanpage, facebook… được tận dụng để giao dịch mua bán hàng hóa hiện có số lượng rất lớn.

Mặt khác, các chủ thể hoạt động TMĐT bằng hành vi tương tác, giao dịch điện tử sẽ dễ dàng “xóa dấu vết”, do đó cản trở việc thu thập chứng cứ điện tử trong những trường hợp vi phạm. Mục tiêu của Hà Nội đến năm 2020, doanh thu bán lẻ trực tuyến sẽ chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố; số lượng website TMĐT hoạt động đúng quy định chiếm 20% tổng số đang hoạt động của địa phương; phấn đấu 70% số người sử dụng internet của Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến… Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TMĐT, ông Lê Hồng Thăng cho biết, Sở sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn cho đại diện các cơ quan quản lý, hiệp hội DN và DN hoạt động trong lĩnh vực TMĐT nắm rõ quy định luật pháp về TMĐT; tiếp tục thực hiện giám sát trực tuyến, đồng thời chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực này...

Lũy kế đến cuối tháng 12/2016, đã có 5.259 website TMĐTcủa tổ chức, cá nhân được tiếp nhận và chấp thuận thông báo/đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố. Ước tính doanh thu TMĐT năm 2016 đạt 30.106 tỷ đồng.

Nguon: Báo Công Thương

Tin liên quan