Bạn đang ở đây

Nguy cơ cạn kiệt vùng nguyên liệu quế

13/08/2012 10:59:44

Để đáp ứng đủ nguyên liệu cho chế biến tinh dầu, ngoài thu mua quế vỏ, các nhà máy còn thu mua lá quế. Nếu trước đây giá thu mua lá chỉ 500 đồng/kg thì nay đã tăng lên 2.500 đồng/kg.

Theo ông Đặng Nho Hưng, Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng, do nhận thức của người dân chưa cao, mặt khác đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, có lúc cần gấp tiền nên đã khai thác lá một cách triệt để. Dẫn chúng tôi đến thăm rừng quế rộng hơn 20ha của ông Đặng Quyên, thôn Thác Cá, người đã gắn bó với cây quế gần 30 năm nay, ông Quyên cho biết: "Nếu tỉa cành lá quá đau sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng vỏ, hạn chế sinh trưởng của cây quế".

Vụ quế thường chỉ có vụ tháng 3 và vụ tháng 8 là tinh dầu quế cho nhiều và chất lượng tốt nhất, trước đây thường người dân chỉ khai thác ở những vụ này. Tuy nhiên vài năm trở lại đây khi mà các cơ sở chế biến tinh dần mọc lên như nấm thì bất kể ngày nào, tháng nào cũng có người đến tận đồi để thu mua nguyên liệu.

Văn Yên hiện có 4 nhà máy chế biến tinh dầu quế gồm: Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Đạt Thành có 2 nhà máy đặt tại xã Đông Cuông và xã Hoàng Thắng tổng công suất 200 tấn/năm; Hợp tác xã Bách Lẫm, xã Xuân Tầm công suất 100 tấn/năm; Công ty TNHH Trường An xã Phong Dụ Hạ (hai nhà máy) 170 tấn/năm.

Chưa tính đến Công ty TNHH Tân Thịnh đang xây dựng nhà máy tại xã Xuân ái công suất 40 tấn/năm thì tổng công suất của các nhà máy chế biến tinh dầu của Văn Yên đã 470 tấn/năm. Theo tính toán 1.000 tấn lá qua chế biến thu được từ 7-8 tấn tinh dầu, như vậy với công suất 470 tấn/năm thì Văn Yên cần phải có trên 70.000 tấn nguyên liệu mỗi năm để cung cấp. Tuy nhiên, thực tế Văn Yên chỉ đáp ứng được 50%.

Ngoài các nhà máy, Văn Yên còn có hàng trăm cơ sở chế biến tinh dầu quy mô hộ gia đình đang tiêu thụ một lượng khá lớn nguyên liệu. Nếu như trước đây giá thu mua lá quế chỉ 500-1.000 đồng/kg thì hiện nay với giá tinh dầu từ 650.000 đồng đến 700.000 đồng/lít, giá thu mua lá quế cũng đã lên 1.500-2.500 đồng/kg. Sự cạnh tranh nguyên liệu giữa các nhà máy đã ảnh hưởng rất lớn đến vùng nguyên liệu.

Ông Lưu Văn Đoàn-Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Với 16.000 ha quế, mỗi năm sản lượng khai thác lá tối đa khoảng 35.000 tấn lá nhưng với sự phát triển quá nhanh các cơ sở chế biến như hiện nay về lâu dài sẽ ảnh hướng lớn đến vùng nguyên liệu".

Để có nguyên liệu các nhà máy bắt buộc phải đẩy giá nguyên liệu lên cao, người dân cũng khai thác triệt để hơn. Hiện nay, huyện Văn Yên đang thử nghiệm hai mô hình phát triển cây quế: thứ nhất là mô hình trồng dầy với 10.000 cây/ha, sau năm đầu bắt đầu tỉa thưa lấy nguyên liệu và năm 4 tiếp tục tỉa thưa. Mô hình thứ hai là mô hình truyền thống, trồng thưa và năm đầu trồng xen cây ngô, sắn.

Với mô hình đầu tiên có thể phần nào cung cấp thêm nguyên liệu cho các nhà máy, tuy nhiên có hạn chế đó là trong năm đầu và năm thứ hai toàn bộ diện tích đó không thể canh tác thêm cây lương thực, người dân vẫn phải tìm cách đảm bảo cuộc sống, cũng không thể tránh khỏi việc sẽ khai thác lá ở những đồi quế trưởng thành để trang trải sinh hoạt hàng ngày. Bởi vậy nhiệm vụ cấp bách của Văn Yên hiện nay là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.

Bên cạnh đó, việc huyện quy hoạch vùng quế 16.000 ha cũng đã tính toán đáp ứng cho các nhà máy chế biến ở mức công suất 350 tấn tinh dầu mỗi năm. Song, với công suất như hiện nay, thậm chí còn có thể tiếp tục tăng sẽ là nguy cơ rất lớn đe dọa đến sự phát triển bền vững của vùng nguyên liệu quế Văn Yên.

Theo YBĐT

Tin liên quan