Bạn đang ở đây

Năm 2010: khó khăn lớn hơn thuận lợi

09/09/2011 12:57:06
Năm 2010 kinh tế Việt Nam sẽ có những thuận lợi không nhỏ như: Kinh tế thế giới dần phục hồi sẽ hỗ trợ cho thương mại, đầu tư tài chính; xuất khẩu sẽ phục hồi nhanh do cơ cấu ngành hàng và lợi thế về tỷ giá; nền kinh tế thừa hưởng hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh từ năm 2009 do chính sách kích cầu. Ngoài những lợi thế kể trên, trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô & tổng quan TTCK Việt Nam 2010 do nhóm phân tích thuộc CTCP Chứng khoán Artex thực hiện cũng đã đề cập đến những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm nay.
 
3 thuận lợi...
 
Thuận lợi đầu tiên, theo Artex là việc kinh tế thế giới đang dần phục hồi bởi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thương mại quốc tế, đầu tư nước ngoài, kiều hối và vay nợ quốc tế. Tất cả các yếu tố này đều bị suy giảm trong năm 2009 do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Hệ quả là tăng trưởng GDP năm 2009 chỉ đạt 5,32% so với mức 6,23% và 8,5% qua các năm 2008 và 207.
 
Trên thực tế, sự phục hồi từ cuối năm 2009 của nền kinh tế thế giới đã và đang tiếp sức cho xuất khẩu và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, các chỉ tiêu quan trọng này đều đang trên đà tăng trở lại.
 
Yếu tố thứ hai là thị trường xuất khẩu được cải thiện bởi hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều thuộc loại hàng hóa thiết yếu như dệt may, dày dép và thủy sản. Hơn nữa, việc NHNN hạ giá đồng nội tệ sẽ tạo sức cạnh tranh lớn cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là những loại hàng hóa có tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu không nhiều.
 
Tuy nhiên, Artex cho rằng, xuất khẩu các mặt hàng dệt may, da giày thực ra chỉ là con số ảo vì hầu như các doanh nghiệp thuộc ngành này chỉ làm gia công.
 
“Việt Nam thu được chỉ là gia công, trong khi xuất khẩu lại tính cả giá trị sản phẩm, tiền gia công chỉ chiếm khoảng 1-3% giá trị của sản phẩm, khi xuất khẩu tính toàn bộ giá trị sản phẩm dẫn đến GDP tăng mà thật ra lại không tăng.”
 
Như vậy, lợi thế về cơ cấu ngành hàng, chính sách tỷ giá sẽ ủng hộ xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2010, nhưng Việt Nam vẫn luôn duy trì trạng thái nhập siêu nên những bất ổn vĩ mô vẫn chưa thể giải quyết được trong ngắn hạn.
 
Thuận lợi thứ 3 của Việt Nam trong năm 2010 là nền kinh tế đã có được một nền tảng cơ sở hạ tầng từ chính sách kích cầu năm 2009. Trong gói kích cầu trị giá 160.000 tỷ đồng đã được triển khai, có tới 87.000 tỷ đồng dành cho đầu tư công, trong đó đầu tư cho cơ sở hạ tầng chiếm phần lớn.
 
“Hoạt động xây dựng mới, hoàn thiện cơ sở hạ tầng ngoài việc tạo công ăn việc làm, tăng nguồn cầu, duy trì tăng trưởng kinh tế. Kết quả của chính sách này sẽ tạo nền tảng tốt cho đầu tư, phát triển kinh tế năm 2010 và những năm tiếp theo.”
 
...và 3 thách thức!
 
Đi cùng với những thuận lợi là những thách thức lớn mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2010. Artex cho rằng những vấn đề bất ổn ở thời điểm cuối năm 2009 như lạm phát, nhập siêu, và áp lực ngoại tệ sẽ tiếp tục là thách thức của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, cạnh tranh hàng hóa nước ngoài trên thị trường nội địa sẽ diễn ra mạnh hơn cũng là một vấn đề lớn mà nền kinh tế phải đối mặt trong năm tới.
 
 
Đối với vấn đề nhập siêu và áp lực ngoại tệ, cho dù xuất khẩu có khả năng tăng trở lại trong năm 2010, xong mức độ tăng này chưa đủ để bù đắp cho hoạt động nhập khẩu và Việt Nam vẫn sẽ phải duy trì trạng thái nhập siêu trong thời gian tới. Điều này khiến nhu cầu ngoại tệ sẽ tiếp tục tăng mạnh, mặc dù cung ngoại tệ cũng được dự báo tăng trong năm tới do các nguồn cung như xuất khẩu, kiều hối và đầu tư nước ngoài đều được cải thiện, nhưng khả năng vẫn khó bù đắp được cho sự thiếu hụt.
 
“Nhìn lại mức độ mất giá của VND trong năm 2009 và tình trạng cung-cầu ngoại tệ sẽ không khỏi lo ngại về tương lai đồng nội tệ. Sự mất giá hối đoái của VND sẽ kéo theo một loạt các hệ lụy trong năm 2010 như lạm phát, suy giảm đầu tư nước ngoài, gánh nặng nợ nước ngoài của cả khu vực công và tư.” – các chuyên gia của Artex tỏ ra lo ngại.
 
Bên cạnh đó, mối lo về lạm phát vẫn luôn thường trực đối với nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam thường có xu hướng “ưu tiên cho tăng trưởng”. Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay trong khi room tăng trưởng tín dụng chỉ là khoảng 25%. “Việc chạy theo mục tiêu tăng trưởng như vậy tất yếu sẽ dẫn đến vòng xoáy lạm phát. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa thế giới 2010 được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng do giá nguyên liệu cơ bản tăng theo đà phục hồi của kinh tế thế giới.”
 
Một yếu tố quan trọng nữa là nguy cơ nhập siêu tiếp diễn do giá cả hàng hóa thế giới tăng trong khi xuất khẩu có cải thiện nhưng không đủ để bù đắp sự chênh lệch. Một khi xuất khẩu và dự trữ ngoại hối không đủ mạnh thì sẽ khó có thể thoát khỏi vòng xoáy nhập siêu – mất giá hối đoái – lạm phát – áp lực tỷ giá – lạm phát… Theo nhận định của Artex, với Việt Nam, năm 2010 sẽ chưa thể giải quyết dứt điểm bài toán này. Điều đó có nghĩa lạm phát sẽ là nguy cơ khó tránh khỏi trong năm 2010.
 
Mặt khác, dù LSCB lên đến 8% nhưng hiện nay lãi suất cho vay thỏa thuận của các NHTM lên đến 18%/năm, một mức lãi suất rất cao và không hiệu quả với các doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp được bù lãi suất 4% trong năm 2009 (lãi suất vay là 6,5%) thì năm nay mức lãi suất cao gấp 3 lần.
 
Ngoài nguyên nhân về lãi suất và những phân tích về giá cả thế giới thì việc tăng giá xăng dầu, điện, than từ đầu tháng 3/2010 đều là những nguyên nhân trực tiếp và lan tỏa đến việc tăng giá sản xuất và giá tiêu dùng.
 
Thách thức thứ 3, theo Artex, là sự cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài trên thị trường nội địa ngày càng khốc liệt hơn.
 
Khi thị trường chính bị thu hẹp thì hàng hóa các nước sẽ tìm mọi cách xâm nhập vào các thị trường mới. Thị trường Việt Nam đang là một trong những đích đến của hàng hóa các nước trong khu vực Asean. Nếu như trước kia, hàng hóa Trung Quốc là đối thủ đáng sợ nhất của hàng Việt Nam thì hiện nay chúng ta còn có các đối thủ lớn từ Thái Lan, Indonesia.
 
“Năm 2010 doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với thực tế là chi phí tài chính sẽ dần tăng lên do lãi suất cơ bản rất có thể sẽ tăng, các ưu đãi về thuế và phí sẽ dần được dỡ bỏ để bù đắp cho thâm hụt ngân sách. Hàng rào thuế quan sẽ buộc phải tuân thủ các cam kết ACFTA giữa Asean – Trung Quốc.”
 
Theo như lộ trình cam kết này, các nước Asean và Trung Quốc sẽ phá bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu của khoảng 90% ngành hàng lưu thông giữa các nước, 10% còn lại sẽ được cắt giảm xuống một mức nhất định. Lộ trình cắt giảm này có ưu tiên cho Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar được kéo dài tới năm 2015, các nước khác còn lại sẽ phải hoàn thành việc cắt giảm trong năm 2010. Tuy thời gian cam kết lộ trình còn khá dài xong có thể thấy áp lực giảm thuế nhập khẩu luôn thường trực với Việt Nam và hàng rào thuế quan sẽ dần không còn là “áo giáp” cho các doanh nghiệp Việt Nam.
 
Artex kết luận, năm 2010 sẽ chứng kiến việc các doanh nghiệp Việt Nam phải chống đỡ vất vả trước sức cạnh tranh tới từ hàng ngoại nhập. Như vậy, thị trường nội địa cũng sẽ cam go không kém gì xuất khẩu.
 
 
InfoTV 
Nguyễn Tuân

Tin liên quan