Bạn đang ở đây

Hàng Việt và "cuộc chiến trên sân nhà"

09/09/2011 15:21:59
Từ thành thị...
 
Bộ Công thương cho biết, thực hiện cuộc vận động trên, sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước đã được cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng, trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, từng bước đáp ứng nhu cầu và góp phần thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Sau 1 năm triển khai, theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Công thương, 3 tỉnh, thành phố có những thành quả đáng ghi nhận là TP. HCM, Đà Nẵng và Hà Nội.
 
Khẳng định ngành công thương Thành phố đã làm tốt khâu thông tin, tuyên truyền đúng với sự chỉ đạo, hướng dẫn, ông Vòng A Lộc, đại diện Sở Công thương TP. HCM cho rằng: "Nếu quảng bá mạnh nhưng không đưa được hàng đến tận tay người tiêu dùng thì quá trình tuyên truyền, vận động sẽ không thu được kết quả, thậm chí thất bại".
 
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lữ Bằng, Phó giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cũng nhận xét: "Thông qua Cuộc vận động, nhiều chương trình hấp dẫn, phong phú đã làm cầu nối giữa DN và người tiêu dùng. Kết quả không chỉ khiến cho tỷ trọng hàng hóa trong nước trong tiêu dùng của người dân tăng đáng kể mà giá cả hàng hóa cũng ngày càng hợp lý hơn vì có sự cạnh tranh bình đẳng".
 
...đến nông thôn
 
Từ đầu năm 2010 đến nay, theo thống kê sơ bộ, các sở công thương cấp tỉnh, thành phố đã tổ chức 68 đợt bán hàng về nông thôn, với 857 lượt DN tham gia, thu hút gần 4,8 triệu lượt khách tham quan, mua sắm và đem lại doanh thu 1.467 tỷ đồng. Hoạt động này đã tạo ra sức lan tỏa của một phong trào kích cầu tiêu dùng lồng ghép với việc gia tăng tiêu thụ sản phẩm cho DN.
 
Các chuyên gia khẳng định, những chuyến hàng Việt về nông thôn đã làm chuyển biến mối quan tâm của người tiêu dùng nông thôn, mang lại sự gần gũi, sức sống mới cho quan hệ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Qua đó, DN biết được điểm mạnh, yếu của mạng lưới phân phối tại địa phương, nhu cầu tiêu dùng và khả năng chi trả của người dân để đáp ứng tốt hơn. Các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn cũng xây đắp mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các đơn vị sản xuất - kinh doanh nội.
 
Một chuyên gia thương mại nhận xét, trước đây, sự liên kết giữa các DN phía Bắc còn lỏng lẻo. Nhưng sau các chuyến đưa hàng, họ tự nguyện liên kết, hỗ trợ nhau vận chuyển hàng hóa, mua hàng của nhau… Thực tế cho thấy, muốn chiếm lĩnh thị trường trong nước, mỗi đơn vị phải thâm nhập và giữ vững thị trường nông thôn, bởi đây chính là thị trường lớn và đầy tiềm năng của mọi DN trong nước.
 
Còn đó những mối lo
 
Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động của Bộ Công thương khẳng định: "Cuộc vận động không phải là giải pháp tình thế mà đây sẽ là chương trình thường xuyên, liên tục để không chỉ đem thương hiệu Việt đến với người Việt mà còn xây dựng nền tảng vững chắc cho thị trường nội địa".
 
Tuy nhiên, bà Thoa cũng chỉ ra rằng, nhiều DN chưa thật sự chú trọng đến công tác nghiên cứu thị trường và hỗ trợ xây dựng sản phẩm thương mại phát triển trên thị trường nội địa. Nhiều DN còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc khách hàng, kinh nghiệm xúc tiến thương mại.
 
Một vấn đề nữa, theo đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng phản ánh, DN muốn tiêu thụ được sản phẩm trước hết cần bỏ tâm lý "có gì bán nấy", lại càng không nên có ý trách người tiêu dùng "sính ngoại". Ngược lại, cần xác định là người tiêu dùng có quyền lựa chọn và chỉ mua hàng khi có sự so sánh giữa các mặt hàng cùng chủng loại với nhau về giá cả và chất lượng. Còn người tiêu dùng khẳng định, họ mua hàng không chỉ dựa trên tinh thần yêu nước và ủng hộ hàng nội vô điều kiện.
 
Và cuối cùng, với người dân nông thôn, những đợt bán hàng rầm rộ "đến rồi đi" quả có gây hiệu ứng về mặt quảng bá thương hiệu, nhưng tiêu dùng hàng ngày thông qua các chợ của họ thì "kênh tư vấn tiểu thương" mới là một kênh bán hàng và quảng bá hữu hiệu. Song cho đến nay, hầu như chưa một đợt phát động, quảng bá hàng Việt Nam nào của Nhà nước hay DN được tổ chức ở các chợ nông thôn.
 
Khảo sát cho thấy, hiện chỉ có chừng 10 - 15 công ty sản xuất hàng tiêu dùng là có hàng hóa phân bố rộng khắp đến vùng sâu, vùng xa. Trong đó, chủ yếu là các công ty tuy có nhà máy sản xuất tại Việt Nam nhưng chủ sở hữu vốn là ở nước ngoài, hoặc các tập đoàn đa quốc gia như: Unilever, P&G, ICP, Pepsi, Nestle... Với cả trăm nhãn hiệu và chủng loại hàng hóa phong phú, những công ty này đang áp đảo các DN trong nước tại thị trường nông thôn.
 
Điều dễ nhận thấy là những DN có thị phần lớn nhất tại nông thôn thường là các DN biết tận dụng tốt nhất "kênh tư vấn tiểu thương" thông qua các hoạt động chăm sóc, bổ trợ kiến thức, cập nhật các thông tin mới về sản phẩm, quảng bá và dùng thử sản phẩm trực tiếp ở chợ... Đây là điều mà chưa nhiều DN sản xuất hàng trong nước làm được.
 
BSC.com.vn
 

Tin liên quan