Bạn đang ở đây

Dịch vụ thương mại trong thời gian thiếu điện: Những điểm sáng trong không gian tối

31/08/2011 17:48:11
Mất điện đúng vào dịp nóng nực nhất của thời tiết Bắc Bộ, mọi cơ sở sản xuất kinh doanh đều gặp khó khăn, ngoại trừ mấy doanh nghiệp kinh doanh ắc quy, kích điện hay máy nổ. Tuy nhiên trong bối cảnh lờ mờ đèn nến ấy lại có những cửa hàng, siêu thị bừng sáng (theo đúng nghĩa đen) thu hút khách hàng đến với mình. Không nói là không vất vả nhưng những quán hàng, những cơ sở kinh doanh nhanh nhạy, mạnh dạn đầu tư vẫn tồn tại và phát triển trong bối cảnh khốn khó.
 
“Trong hai cái mất, tôi chọn cái mất ít hơn!”, lời khẳng định của Nguyễn Văn Kiên - chủ siêu thị Anh Mỹ trên đại lộ Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) đúng như lời của V.L Lênin đã dạy trong kinh tế chính trị học. Là một siêu thị lớn nhất trên địa bàn Yên Bái, Anh Mỹ cũng gặp khó khăn trong kinh doanh khi điện cứ mất liên miên, đặc biệt khách hàng thường có thói quen đi siêu thị vào buổi tối. Trong bối cảnh ấy, chủ siêu thị đã quyết định đầu tư gần 150 triệu đồng mua một máy phát điện 40 KVA.
 
Theo đúng lịch cấp, cắt điện của Chi nhánh Điện thành phố, cứ ngày mất là máy nổ Automatic phát điện, cả siêu thị lại sáng bừng, đèn quảng cáo lại nhấp nháy, những chiếc quạt công suất lớn quay tít. Có điện, siêu thị lại hoạt động bình thường. Nguyễn Văn Kiên cho biết: “Không còn đường lui nữa, đầu tư cả mấy chục tỷ, lo đời sống cho mấy chục con người và bao nhiêu khoản chi phí khác, mất điện mà siêu thị ngưng hoạt động thì tan ngay. Đầu tư mua cái máy phát điện cũng khá tốn tiền, mỗi tháng chi phí thêm mấy triệu tiền dầu, tiền đầu tư, khấu hao… nhưng bù lại là duy trì việc kinh doanh ổn định”.
 
Không đưa ra doanh số cụ thể nhưng chỉ thoáng qua là có thể khẳng định doanh thu của Anh Mỹ không hề giảm, nếu không muốn nói là tăng so với thời gian có điện ổn định. Việc siêu thị đầu tư máy phát điện, duy trì kinh doanh trong những ngày mất điện vừa qua đã tạo ra cho người dân Yên Bái từ thói quen đi siêu thị buổi trưa sang niềm vui đi buổi tối. Khoảng 20 giờ hàng ngày là bãi để xe của siêu thị đã chật cứng, nào ô tô, xe máy, xe đạp, trong các gian hàng người xem, người thử, người chọn đồ cứ tấp nập. Chị Hoa cùng mấy chị cùng ở phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) đi siêu thị mua khá nhiều thứ, nào quần, áo, sữa tươi, giấy ăn… đầy một xe đẩy.
 
Chị cho biết: “Ban ngày còn phải đi làm ở cơ quan, mấy chị đây thì bận kinh doanh, tối đến tranh thủ đi siêu thị mua sắm cho mát mẻ”. Cô Hồng nhà mãi tận tổ 3, thị trấn Yên Bình (Yên Bình) tối cũng phóng xe máy đi siêu thị, cho biết: “Tối đi hóng gió bằng xe máy từ nhà ra đây, chọn mua ít đồ rồi về nhà là vừa có điện”. Rất nhiều người như chị Hoa, cô Hồng có thú vui đi siêu thị buổi tối để có đủ thời gian, để tránh cái nắng gay gắt và nhất là để không phải cái cảnh ánh sáng leo lét, cái quạt lờ đờ do dùng điện ắc quy. Vì thế nhiều người đi cả 5, 7 cây số, có khi cả chục cây từ Yên Bình, Cổ Phúc (Trấn Yên) để đến các siêu thị mua hàng, có khi chỉ là đưa bọn trẻ đi chơi như ngồi thú nhún, ăn kem, cha mẹ thì chỉ mua mấy thứ đồ lặt vặt, cốt là tránh cái nóng ở nhà.
 
Chị Thu Nga - nhân viên siêu thị Anh Mỹ cho biết: “Rất nhiều người đến chỉ để xem nhưng nhân viên vẫn phục vụ nhiệt tình, chu đáo bởi đơn giản, họ đến với mình đã là vui rồi, doanh thu không tăng thì danh tiếng siêu thị sẽ được nâng lên. Đó là chưa kể họ đến đây họ thấy có nhiều hàng hóa, giá cả lại hợp lý thì khi có nhu cầu họ sẽ trở lại”.
 
Khu vực vườn hoa Hồng Hà (phường Hồng Hà) từ lâu đã trở thành “phố karaoke” với hàng chục quán tiện nghi và sang trọng. Những ngày mất điện, khu phố vẫn sáng bừng, đèn hiệu quảng cáo xanh, đỏ, tím, vàng hoa cả mắt, điều mà trước đây chỉ thấy trong những ngày lễ, tết. Chị Nhung - chủ một quán karaoke nói vui: “Nhà nước không cấp điện thì nhân dân tự sản xuất lấy. Ngoài khoản vốn đầu tư mua máy khá lớn là chuyện giá thành điện năng cũng gấp 2, 3 lần giá điện quốc gia, nhưng không  sao, đời sống không thể không ca hát, quán vẫn phải duy trì hoạt động để phục vụ các “thượng đế”. Tụ tập một đám bạn, hoặc gia đình, thi thoảng tổ chức đi hát đã là vui rồi, nay mất điện, nóng nực cả hội, cả nhà, nhất là khi nhậu xong mà tụ tập trong phòng máy lạnh, văn nghệ vui vẻ thì còn gì bằng! Nhà hàng vì thế vẫn tăng thu nhập đều đều.
 
Thời gian mất điện và nóng nực cũng là lúc các quán bia, quán giải khát ven hồ, quanh công viên mới là nơi thu hút khách đông nhất. Công viên Yên Hòa, khu vực đại lộ Nguyễn Thái Học, từ hai tháng qua ven trục đường đã không còn một chỗ trống. Hành lang, vỉa hè, lối đi, bãi cỏ đều được các quán hàng tận dụng kê ghế phục vụ khách, nào nước mía, chè thập cẩm, sữa tươi, sữa chua… giá cả hợp lý lại được bầy ra giữa khung cảnh thoáng, rộng, hồ nước trong xanh, gió Nam mát mẻ đã thu hút người già, trẻ nhỏ, nhất là nam, nữ thanh niên.
 
Hàng nước quanh công viên thì khỏi cần đầu tư máy phát hay ắc quy điện, lợi dụng đèn chiếu sáng công viên và đèn đường, ánh sáng mờ ảo là đã đủ. Khu vực quanh hồ Hào Gia từ lâu đã là “trung tâm bia” của thành phố, thời gian này khách ra vào càng tấp nập hơn, hàng chục quán bia ven hồ đã phục vụ hết công suất, món ăn có phần ít phong phú nhưng dân nhậu cũng rất dễ tính. “Thôi làm vài cốc bia lạnh, nhắm củ lạc, cái bánh đa hay con mực là xong. Nóng thế này nhu cầu ăn cũng giảm mà giải khát chứ đâu giải đói!”.
 
Con người ta có cái hay là trong hoàn cảnh nào cũng tìm được phương cách mà tồn tại, phát triển. Mất điện không thể không nói là ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nhưng nhiều người vẫn biết cách để kiếm sống trong môi trường khó khăn ấy hoặc bán những mặt hàng có nhu cầu cao trong thời buổi điện mất trời nóng, hoặc đầu tư mua máy phát để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh theo phương châm “Trong hai cái mất thì lựa chọn cái mất ít hơn” mà những câu chuyện kể trên là thí dụ.
 
Theo YBĐT

Tin liên quan