Bạn đang ở đây

Công tác quản lý tài nguyên và môi trường còn nhiều việc phải làm

09/01/2018 09:01:25

 

Toàn cảnh hội nghị

Đã có chuyển biến tích cực

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, năm 2017, tình hình đất nước có nhiều yếu tố thuận lợi, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, kinh tế cơ bản ổn định... song cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra nhanh hơn dự báo. Thiên tai, bão, lũ lụt, sạt lở xảy ra ở nhiều nơi, tác động lớn đến kinh tế, đời sống người dân. Sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung vẫn để lại một số hậu quả… Trong bối cảnh đó, toàn ngành TN&MT lấy phương châm “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững” làm trọng tâm hành động. Tiếp tục tăng cường hoàn thiện thể chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhất là về đất đai, thị trường bất động sản, “cởi trói” được một phần cho nông nghiệp. Công tác cải cách hành chính đã có những bước cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp với việc thực hiện tiếp nhận, giải quyết theo hình thức trực tuyến đối với 71 thủ tục; liên thông 11 thủ tục trong lĩnh vực môi trường, nước và biển, đảo; đề xuất cắt giảm 45% điều kiện kinh doanh; rút ngắn 1/3-1/2 thời gian thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những kết quả tích cực mà ngành TN&MT đạt được, như: có những bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính; công tác quy hoạch, điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng, trữ lượng tài nguyên được đẩy mạnh; đặc biệt Bộ TN&MT đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP, đề ra tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp có tính chiến lược, lâu dài đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long để có thể phát triển bền vững trong bối cảnh thích ứng với BĐKH...

Còn nhiều việc phải làm

Bên cạnh biểu dương những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng cũng phân tích những mặt tồn tại mà ngành TN&MT cần tập trung khắc phục như: Công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập; tình trạng khai thác khoáng sản, cát sỏi trái phép xảy ra ở một số nơi; ô nhiễm môi trường ở một số khu, cụm công nghiệp, ở đô thị và cả nông thôn có nơi còn rất nghiêm trọng; nguồn lực đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường còn hạn hẹp…

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng giao ngành TN&MT trong năm 2018 cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý nhà nước về TN&MT để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Đây là nhiệm vụ số một, bởi từ hoàn thiện thể chế sẽ giúp tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Bên cạnh đó, rà soát, cập nhật, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực. Đồng thời, tạo đột phá trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất. Ngoài ra, cần có các giải pháp trước mắt và lâu dài đảm bảo an ninh nguồn nước. Tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy hoạch và kế hoạch, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường; phải đưa ra được các công nghệ xử lý chất thải, nước thải, khí thải phù hợp với trình độ, thu nhập, điều kiện tự nhiên, xã hội của Việt Nam. Đặc biệt, tăng cường hơn nữa chất lượng công tác dự báo khí tượng, thủy văn, thiên tai. Hơn thế, cần huy động nguồn lực quốc tế, nguồn lực xã hội triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh 2016 - 2020, đặc biệt xây dựng lộ trình hành động cụ thể đối với Kế hoạch triển khai thỏa thuận Paris về khí hậu tại Việt Nam, làm cơ sở để triển khai thực hiện các hoạt động.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý ngành TN&MT có kế hoạch triển khai hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH và nghiên cứu các giải pháp thích ứng với BĐKH ở khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các vùng chịu ảnh hưởng mạnh của BĐKH.
 

 

Tin liên quan