Bạn đang ở đây

Công nghiệp Yên Bái - Một năm vượt khó

31/08/2011 16:56:11
Có thể nói, những ý kiến ấy hoàn toàn có cơ sở khi mà cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính ngày càng trở nên nghiêm trọng, giá cả vật tư tăng mạnh, trong đó có giá vật tư đầu vào thiếu yếu như xăng dầu, điện, than... Con số thống kê giá trị sản xuất công nghiệp quý I/2009 chỉ đạt chưa đầy 20% kế hoạch; nhiều nhà máy, xí nghiệp đã ngừng sản xuất, cho công nhân nghỉ giãn việc, không lương; chè là cây công nghiệp chủ lực không ra búp; các ngân hàng thương mại đóng cửa để áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, chống lạm phát... Nhưng Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thảo luận rất kỹ, đánh giá tình hình trong nước và quốc tế, xét tiềm năng, thế mạnh của ta rồi đi đến kết luận: “Vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng cũng như chỉ tiêu công nghiệp, thương mại trong năm 2009”.
Và đúng như dự báo, giữa lúc khó khăn ấy, Chính phủ đã áp dụng hàng loạt chính sách kích cầu sản xuất và tiêu dùng. Giải pháp hỗ trợ 50% lãi suất ngân hàng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ về thuế, về xuất khẩu... được áp dụng. Cùng với các chính sách chung, tỉnh đã có Quyết định 328 về các giải pháp hỗ trợ tài chính, tín dụng, theo đó hỗ trợ 100% lãi suất đối với hai ngành hàng là chè và sắn, hỗ trợ 50% lãi suất đối với các đơn vị kinh doanh chế biến nông lâm sản còn lại. Con đường của chúng ta đã đúng khi lấy đối tượng sản xuất, kinh doanh, chế biến nông lâm sản để hỗ trợ, bởi qua họ (những doanh nghiệp) người nông dân vốn chịu nhiều thiệt thòi, vốn mẫn cảm nhất với cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ được hưởng lợi, an sinh xã hội sẽ góp phần được giải quyết.
Phải áp dụng thật nhanh các chính sách của Chính phủ và của tỉnh vào các doanh nghiệp! Đó là nhận thức và cả tỉnh đã có hàng loạt hành động cụ thể để các chính sách được triển khai. Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành công thương ở cơ sở nhiều hơn ở nhiệm sở. Các ngân hàng thương mại và cơ quan thuế sau hàng loạt hội nghị triển khai chính sách kích cầu đã cử cán bộ giúp doanh nghiệp làm thủ tục để được hưởng chính sách ưu đãi. Mọi cấp, mọi ngành đều đồng lòng, quan tâm, giúp đỡ doanh nghiệp, tháo gỡ sản xuất. Có lẽ chưa bao giờ một chủ trương, một quyết định về kinh tế dù lớn hay nhỏ nhanh đi vào thực tiễn cuộc sống như Quyết định 131 và Quyết định 328.
Như giữa mùa hạn hán gặp trận mưa rào, cả nền kinh tế bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Hết quý II, kinh tế tỉnh nhà đã có dấu hiệu tăng trưởng và hết quý III khôi phục mạnh mẽ. Nhiều ngành hàng sản xuất và tiêu thụ tăng hàng chục phần trăm so với cùng kỳ năm trước như: xi măng, tinh bột sắn, điện thương phẩm, gạch xây dựng, bột đá siêu mịn, chế biến gỗ rừng trồng...
Nhiều dự án lớn của tỉnh và của các nhà đầu tư được đẩy nhanh tiến độ góp phần tiêu thụ gạch, xi măng và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Lĩnh vực xuất khẩu cũng khởi sắc, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng kịp nhu cầu cho các bạn hàng quốc tế như Công ty Mông Sơn, Minh Thiện... Sự tăng trưởng của Yên Bái thực sự là “hiện tượng” bởi nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có những địa phương tiềm lực phát triển hơn chúng ta rất nhiều sản xuất vẫn ì ạch, nhiều nhà xưởng đóng cửa, công nhân thì thất nghiệp.
Khi năm 2009 còn chưa kết thúc thì những mục tiêu của ngành công thương Yên Bái đã hoàn thành với các con số ấn tượng: giá trị sản xuất đạt 2.352 tỷ đồng, tăng 33,24% so với năm 2008, trong đó công nghiệp Trung ương gần 800 tỷ đồng (tăng 35%), công nghiệp địa phương hơn 1.300 tỷ đồng (tăng 32%), công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 30 tỷ đồng. Mục tiêu xuất khẩu đã hoàn thành ở phút chót với 17,2 triệu USD, bằng 102% kế hoạch. Toàn tỉnh đã sản xuất và tiêu thụ hơn 1 triệu tấn xi măng + Clinker, gần 20 nghìn tấn bột sắn, gần 200 triệu viên gạch và 35 ngàn mét khối gỗ xẻ... Đó cũng là những ngành hàng, những doanh nghiệp tiêu biểu nhất của công nghiệp Yên Bái trong một năm vượt khó.
Những người gắn bó với công thương Yên Bái, với sản xuất kinh doanh đều hiểu, để có những con số ấn tượng của năm là nhờ những chính sách kịp thời, đúng lúc của Chính phủ, những giải pháp hữu hiệu, thiết thực của tỉnh cùng với sự quyết tâm của các doanh nghiệp, doanh nhân trong đó đặc biệt là các chính sách kích cầu. Vậy làm gì để doanh nghiệp Yên Bái làm ăn tấn tới trong năm 2010, để ngành công thương lại có những con số ấn tượng khi mà các chính sách hỗ trợ lãi suất, giãn, hoãn thuế kết thúc? Đó thực sự là một câu hỏi lớn. Bài toán “hậu kích cầu” cần có những “lời giải” hay ngay từ đầu năm để giờ này sang năm chúng ta lại được hoà chung niềm vui với các doanh nghiệp.
Theo YBĐT

Tin liên quan