Bạn đang ở đây

Chống buôn lậu trên quốc lộ 70

31/08/2011 16:31:52
12 giờ, bữa cơm trưa của anh em Đội cơ động Chi cục Quản lý thị trường còn chưa xong thì có điện báo "Xe khách màu xanh biển kiểm soát 24N - 2302 chạy tuyến Lào Cai - Nam Định có hàng lậu. Xe sẽ qua địa phận Yên Bái sau 13 giờ 30’". Anh em trong đội buông bát cơm, lao vội lên ô tô phóng đi đón lõng xe hàng. Đề xuất của Quản lý thị trường với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã được chấp thuận. 
Tại địa điểm xã Bảo Ái (huyện Yên Bình), cảnh sát giao thông đã tạm dừng kiểm tra xe ô tô có đặc điểm như tin báo. Qua kiểm tra sơ bộ, nhiều bao tải để trên nóc, gầm ghế hoặc cốp xe chứa những hộp gạch men do Trung Quốc sản xuất không hề có tem nhãn. Lệnh yêu cầu cho xe về Chi cục để xử lý đã được đưa ra. Lái xe miễn cưỡng chấp hành, một số chủ hàng giả danh là hành khách đi xe phản đối khá gay gắt nhưng cuối cùng vụ việc vẫn được xử lý đúng quy định. 
Ông Phan Bá Hùng - Phó giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết: "Chống buôn lậu cực kỳ gian nan nhưng anh em vẫn quyết tâm đánh trúng, đánh đúng vì quyền lợi người tiêu dùng, vì trách nhiệm phải bảo vệ sản xuất trong nước và góp phần vào nhiệm vụ thu ngân sách địa phương”.
Hiện nay bọn buôn lậu đã và đang áp dụng mọi thủ đoạn có thể để vận chuyển, buôn bán hàng lậu, nhất là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc và thủ đoạn phổ biến nhất là chúng bố trí người theo dõi cán bộ quản lý thị trường, công an xem đang ở đâu, làm gì, rồi dùng điện thoại báo cho đồng bọn di chuyển. Hễ có động là chúng quay đầu xe, đổi hướng đi như đang từ Lào Cai về Yên Bái qua Yên Bình thì rẽ phải đi theo đường Tân Nguyên - Mậu A (Văn Yên) hoặc rẽ trái qua Lục Yên về đường Đông hồ Thác Bà. 
Đặc biệt, khi các lực lượng chống buôn lậu Yên Bái làm mạnh thì chúng không qua Yên Bái mà đi vòng sang Hà Giang, Tuyên Quang... Các chuyến hàng lớn, lực lượng khá đông thì xé lẻ hàng hoá, xếp cùng những hàng nông lâm sản khác, vận chuyển thành nhiều chuyến, nhất là dùng xe khách để chuyển hàng. Để triệt phá thành công các vụ buôn lậu, đôi khi anh em phải mật phục cả đêm trên các đoạn đường hoang vắng, phải thuê mượn xe ngoài để di chuyển. Có khi bốn, năm anh em đi bắt hàng mà phải đi bằng nhiều chuyến, bằng nhiều đường, nhiều phương tiện khác nhau, mặc thường phục... đến địa điểm tập hợp mới thay đồng phục, rồi dùng xe chuyên dụng. Việc dựa vào quần chúng nhân dân, tin tức là cách làm khá hiệu quả, vậy mà không phải "chuyên án" nào cũng thành công. 
Ông Nguyễn Duy Phương - lái xe Đội Cơ động kể lại: "Có lần nhận được tin báo, anh em đã dùng xe tải để di chuyển, vậy mà bọn buôn lậu vẫn phát hiện. Chúng thay đổi đường đi, thấy xe của anh em, chúng bỏ chạy. Khi biết không thể chạy được nữa thì chúng ném hàng xuống đường, vừa cản trở xe đuổi theo vừa phi tang vì nhiều mặt hàng ngoài việc bị tịch thu còn bị phạt tiền hoặc xử lý hình sự. Có lần, 12 giờ đêm nhận được tin báo, anh em triển khai nhiệm vụ thì 12 giờ 30’ thông tin báo lại xe hàng lậu không đi nữa mà quay trở lại phía biên giới. Vất vả mà thành công thì vui, quên mệt nhọc chứ mất ăn, mất ngủ mà không được việc cũng ấm ức lắm". 
Tuy nhiên, sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo 127, sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan thành viên, nhất là hai ngành quản lý thị trường và công an đã được đền đáp xứng đáng. Mỗi năm có hàng trăm vụ buôn lậu được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng pháp luật, thu nộp cho Nhà nước hàng tỷ đồng, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong nước. 
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Yên Bái, đến ngày 15/5/2009 Quản lý thị trường đã thu nộp vào ngân sách Nhà nước 4,366 tỷ đồng, bằng 203,6% so với cùng kỳ năm 2008 và bằng 93,2% so với cả năm 2008. Riêng Đội Cơ động của Chi cục đã phát hiện và xử lý 59 vụ với số tiền phạt và bán hàng tịch thu gần 1 tỷ đồng. Nhiều vụ điển hình như vụ xe ô tô biển kiểm soát 88H-4635 vận chuyển 35 bộ cầu, trục ô tô đã qua sử dụng do Trung Quốc sản xuất hay vụ xe ô tô biển kiểm soát 31P - 1703 vận chuyển 110 kg thịt gà sơ chế không qua kiểm dịch đã bị phát hiện, toàn bộ số hàng đã bị thu giữ và xử lý kịp thời.
Khó khăn lớn nhất trong công tác đấu tranh chống buôn lậu trên địa bàn Yên Bái hiện nay lại là những nảy sinh từ Quyết định 254 của Chính phủ. Quyết định này cho phép cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu với khối lượng hàng hoá giá trị dưới 2 triệu đồng. Lợi dụng chính sách này, người dân qua biên giới nhiều lượt mua hàng hoá về không để tiêu dùng mà bán lại cho các đầu nậu để kiếm lời. Do được miễn thuế nhập khẩu nên hàng hoá mua theo cách này luôn có mức giá thấp hơn giá thị trường nên bọn buôn lậu tập trung thu gom và tìm mọi cách vận chuyển vào sâu trong nội địa. 
Việc xử lý những lô hàng này rất khó khăn vì đủ hoá đơn, chứng từ nhưng rất khó xác minh vì khối lượng nhỏ lẻ, địa bàn ngoài tỉnh và rất phức tạp. Mong rằng, Chính phủ có những điểu chỉnh kịp thời để công tác đấu tranh chống buôn lậu nói chung và chống buôn lậu của Yên Bái nói riêng đạt hiệu quả hơn nữa. 
Theo YBĐT

Tin liên quan