Bạn đang ở đây

Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tại Đông Phi

23/09/2013 10:41:23

Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tại Đông Phi

Châu Phi gồm 55 quốc gia được chia thành 5 khu vực địa lý là Bắc Phi, Nam Phi, Tây Phi, Trung Phi và Đông Phi trong đó mỗi khu vực có những nền kinh tế quy mô lớn.

Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á giới thiệu tóm tắt một số thị trường tiêu biểu tại các khu vực Đông Phi và Trung Phi, có nhiều tiềm năng xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam để các doanh nghiệp quan tâm, tham khảo.

I. Khu vực Đông Phi

1. Tanzania

Khái quát:

Cộng hoà Thống nhất Tanzania là một quốc gia lớn tại khu vực Đông Phi có thủ đô là Dar es Salaam, nằm bên bờ Ấn Độ Dương; phía bắc giáp Uganda và Kenya, phía Tây giáp Rwanda, Burundi và Cộng hoà Dân chủ Congo; phía Nam giáp Zambia, Malawi và Mozambique. Tanzania có diện tích khoảng hơn 947.000km2, dân số năm 2012 khoảng 45,6 triệu người.

Về tôn giáo,35% dân số Tanzania theo đạo Hồi, 30% theo đạo Thiên chúa giáo, còn lại là các tín ngưỡng bản địa – khoảng 35%.

Về ngôn ngữ, tại Tanzania tiếng Swahili và tiếng Anh được coi là hai ngôn ngữ chính thức.

Tanzania là nền kinh tế lớntại khu vực Cộng đồng Đông Phi (EAC) với GDP tính theo tỉ giá hối đoái chính thức năm 2012 đạt 27,9 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người là 596 USD.

Về ngoại thương, kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 5,03 tỷ USD (so với 3,8 tỷ USD năm 2010), các mặt hàng xuất khẩu gồm vàng, cà phê, hạt điều, bông. Các bạn hàng xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc (trên 14,3%), Ấn Độ (7,8%), Nhật Bản (7,8%), UAE (4,5%)…

Năm 2012, Tanzania nhập khẩu 9,72 tỷ USD (so với 8,65 tỷ USD năm 2011) với các mặt hàng chính gồm hàng tiêu dùng, máy móc và thiết bị giao thông vận tải, nguyên liệu công nghiệp, dầu thô... Bạn hàng nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (trên 17%), Ấn Độ (18,8%), Nam Phi (6%), Kenya (5,9%)...

Trao đổi thương mại Việt Nam-Tanzania:

Năm 2012, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt tổng giá trị 83,07 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt trên 37 triệu USD (tăng 54% so với năm trước), nhập khẩu đạt trên 45 triệu USD (tăng 27%).

Gạo luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Tanzania, thường chiếm tới hơn70% giá trị xuất khẩu (đạt gần 26 triệu USD năm 2012, tăng 52% so với 17 triệu tấn năm 2011). Một số sản phẩm công nghiệp như phân bón các loại, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, linh kiện, máy vi tính…cũng là những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam.

Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Tanzania năm 2012 gồm các sản phẩm nông nghiệp như: bông (đạt giá trị hơn 28 triệu USD, chiếm hơn 60% giá trị hàng nhập khẩu), thức ăn gia súc & nguyên liệu (hơn 14 triệu USD)…

6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Tanzania đạt 11,74 triệu USD, trong đó gạo chiếm 9,76 triệu USD, phân urê 0,5 triệu USD. phân NPK 0,38 triệu USD, dao cạo và lưỡi dao cạo 0,3 triệu USD…

Về nhập khẩu của Việt Nam từ Tanzania, 6 tháng đầu năm, kim ngạch đạt 43,44 triệu USD trong đó chủ yếu là hạt điều 18,42 triệu USD, thức ăn gia súc và nguyên liệu 14,28 triệu USD, bông các loại 5,6 triệu USD, quặng và khoáng sản 4,6 triệu USD.

Ngoài các mặt hàng trên, Tanzania đang có nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị và công nghệ chế biến hạt điều từ Việt Nam. Bên cạnh đó, nước này cũng mong muốn hợp tác liên doanh với Việt Nam trong lĩnh vực dệt may, sản xuất sữa, nước hoa quả và canh tác nông nghiệp.

Địa chỉ hữu ích:

Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania

Địa chỉ trụ sở: Plot11, Bongoyo Road, Oysterbay, Dares Salaam;
P.O Box: 9724, Dares Salaam - Tanzania

Điện thoại: 255-22-2664535; Fax:255-22-2664537
Email: vnemb.taz2009@yahoo.com.vn; vnemb.tz@mofa.gov.vn

Website: http://www.vietnamembassy-tanzania.org/

2. Thị trường Kenya

Khái quát:

Cộng hòa Kenya là một quốc gia lớn tại khu vực Đông Phi, có diện tích 580.367 km2 và dân số năm 2012 khoảng hơn 43,3 triệu người. Kenya có vị trí địa lý thuận lợi cho việc giao thương: nằm bên bờ Ấn Độ Dương, phía bắc giáp Nam Sudan và Ethiopia, phía Tây giáp Uganda, phía Đông giáp Somalia; phía Nam giáp Tanzania. Thủ đô của Kenya là Nairobi.

Ngôn ngữ chính của người dân Kenya là Tiếng Anh (được dạy trong trường học, dùng trong thương mại), tiếng Kiswahili (tiếng mẹ đẻ, được dạy trong trường học), ngoài ra còn nhiều ngôn ngữ bản địa khác.

Người dân Kenya theo nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó có: Tin lành (45%), Công giáo La Mã (33%), Hồi giáo (10%), tín ngưỡng bản địa (10%), tôn giáo khác (2%).

Kenya là nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Phi, là cửa ngõ về thương mại và tài chính của khu vực. Năm 2012, GDP tính theo tỷ giá hối đoái chính thức của Kenya đạt 41,8 tỷ USD, tăng trưởng 5,1% so với năm 2011, GDP bình quân đầu người đạt 1000 USD/năm.

Về ngoại thương, năm 2012, Kenya xuất khẩu khoảng 5,9 tỷ USD gồm các mặt hàng chè, rau quả, cà phê, sản phẩm dầu mỏ, cá, xi măng... Các thị trường xuất khẩu chính là Uganda (9,9%), Tanzania (9,6%), Anh (8,1%), Hà Lan (8,4%), Mỹ (6,2%)… Năm 2012, Kenya nhập khẩu khoảng 14,4 tỷ USD các mặt hàng máy móc, thiết bị giao thông vận tải, các sản phẩm dầu mỏ, xe gắn máy, sắt thép, nhựa cây, các chất nhựa và chất dẻo… Các thị trường Kenya nhập khẩu chính là Trung Quốc (15,3%), Ấn Độ (13,8%), UAE (10,5%), Nam Phi (5,5%)…

Trao đổi thương mại Việt Nam-Kenya:

Năm 2012, trao đổi thương mại Việt Nam – Kenya đạt 67,6 triệu USD, tăng 1% so với năm 2011, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 63,9 triệu USD, tăng 2,5%, kim ngạch nhập khẩu đạt 3,7 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm gạo đạt 31,1 triệu USD, clinker (5,8 triệu USD), hàng dệt may (3,4 triệu USD), hàng thủy sản (2,8 triệu USD), chất dẻo nguyên liệu (1,1 triệu USD), máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (1 triệu USD),...

Kim ngạch nhập khẩu của Việt nam từ Kenya năm 2012 đạt 3,7 triệu USD trong chủ yếu là các mặt hàng hóa chất, nguyên liệu thức ăn gia súc, bông các loại…

6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Kenya đạt 24,9 triệu USD, trong đó gạo chiếm 5,3 triệu USD, sản phẩm sắt thép 3,4 triệu USD. sản phẩm dệt may 3,1 triệu USD, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 2,5 triệu USD, vải 1,8 triệu USD, điện thoại và linh kiện 1,4 triệu USD, clanhke 1,4 triệu USD, phân NPK 1 triệu USD…

Về nhập khẩu của Việt Nam từ Kenya, 6 tháng đầu năm, kim ngạch đạt 2,2 triệu USD trong đó thức ăn gia súc và nguyên liệu 1,2 triệu USD, quặng và khoáng sản 0,48 triệu USD, hóa chất 0,4 triệu USD.

Địa chỉ hữu ích:

Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania (kiêm nhiệm Kenya)

Địa chỉ trụ sở: Plot11, Bongoyo Road, Oysterbay, Dares Salaam;
P.O Box: 9724, Dares Salaam - Tanzania

Điện thoại: 255-22-2664535; Fax:255-22-2664537
Email: vnemb.taz2009@yahoo.com.vn; vnemb.tz@mofa.gov.vn

Website: http://www.vietnamembassy-tanzania.org/

3. Thị trường Ethiopia

Khái quát

· Thủ đô: Addis Ababa

· Vị trí địa lý: Nằm ở phía đông châu Phi, phía Tây của Xômali.

· Diện tích: 1.104.300 km2

· Dân số: 93.877.025 người (ước tính đến 7/2013)

· Ngôn ngữ: Tiếng Anh và tiếng Ả Rập là hai ngôn ngữ chính thức

· Tôn giáo: Thiên chúa giáo 50%, Hồi giáo 35%, đạo Cổ truyền 15%

· Đơn vị tiền tệ: Đồng Birr (ETB), 1USD = 18,7 ETB (7/2013)

Các chỉ số kinh tế năm 2012

· GDP: 41,91 tỷ USD

· Tăng trưởng GDP: 7%

· GDP bình quân đầu người: 446 USD (tính theo tỷ giá hối đoái chính thức)

· Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 46,4%, công nghiệp 10,6%, dịch vụ 43%

· Kim ngạch xuất khẩu: 3,109 tỷ USD (2012)

· Các mặt hàng xuất khẩu chính: cà phê, vàng, sản phẩm da, động vật sống, hạt có dầu

· Các thị trường xuất khẩu chính: Trung Quốc 13%, Đức 10,8%, Mỹ 7,9%, Saudi Arabia 7,8%, Bỉ 7,7%

· Kim ngạch nhập khẩu: 9,498 tỷ USD

· Các mặt hàng nhập khẩu chính: thực phẩm và động vật sống, dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, hóa chất, máy móc, xe có động cơ, ngũ cốc, dệt may

· Các thị trường Kenya nhập khẩu chính: Trung Quốc 13,1%, US 11%, Ả Rập Saudi 8.2%, Ấn Độ 5,5%

Quan hệ Viêt Nam – Ethiopia

· Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: 23/3/1976. Ethiopia hiện có Đại sứ quán tại Hàn Quốc kiêm nhiệm Việt Nam, Việt Nam có Đại sứ quán tại Tanzania kiêm nhiệm Ethiopia.

· Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ethiopia còn khiêm tốn do doanh nghiệp hai bên còn thiếu thông tin và thiếu các cuộc tiếp xúc trực tiếp. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sang Ethiopia đạt 22,4 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2011.

Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Ethiopia 5 năm trở lại đây là hàng dệt may. Năm 2010, xuất khẩu tăng trưởng đột biến 466% so với năm 2009 chủ yếu là do trong năm này, Việt Nam xuất khẩu trên 29 triệu USD hàng dệt may, chiếm 85% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu khoảng 13,3 triệu USD hàng dệt may sang Ethiopia. Ngoài mặt hàng dệt may, diện mặt hàng xuất sang Ethiopia cũng ngày càng đa dạng với khoảng 20 sản phẩm trong đó chủ yếu là dệt may, các sản phẩm chất dẻo, cao su, máy tính sản phẩm điện tử, bánh, kẹo, sản phẩm từ ngũ cốc,…

Về nhập khẩu, năm 2012, Việt Nam mua từ Ethiopia các mặt hàng bông các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, thức ăn gia súc và nguyên liệu, chất dẻo nguyên liệu, hàng rau quả... với kim ngạch đạt 3,3 triệu USD .

6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ethiopia đạt 4,48 triệu USD, trong đó bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc chiếm 1,5 triệu USD, chất dẻo nguyên liệu 1,3 triệu USD. sản phẩm chất dẻo 0,6 triệu USD, sản phẩm dệt may 0,5 triệu USD…

Về nhập khẩu của Việt Nam từ Ethiopia, 6 tháng đầu năm, kim ngạch đạt 3,5 triệu USD trong đó đậu tương chiếm 3,3 triệu USD, nguyên phụ liệu dệt may, da giày 0,2 triệu USD.

Ethiopia được đánh giá là một thị trường tiềm năng cho việc hợp tác đầu tư và xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực lương thực, thuỷ hải sản, dệt may, da giầy, máy móc nông nghiệp, viễn thông, công nghệ thông tin và các sản phẩm điện tử, máy tính.

Địa chỉ hữu ích

Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania (kiêm nhiệm Ethiopia)

Địa chỉ trụ sở: Plot11, Bongoyo Road, Oysterbay, Dares Salaam;
P.O Box: 9724, Dares Salaam - Tanzania

Điện thoại: 255-22-2664535; Fax:255-22-2664537
Email: vnemb.taz2009@yahoo.com.vn; vnemb.tz@mofa.gov.vn

Website: http://www.vietnamembassy-tanzania.org/

II. Tại Trung Phi

Cameroon

Khái quát:

Diện tích: 475.440 km2.

Dân số: 20.549.221 người (T4/2012)

Tôn giáo: tín ngưỡng bản địa 40%, Thiên chúa giáo 40%, Đạo hồi 20%

Ngôn ngữ: Tiếng Anh, tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức. Ngoài ra còn có các tiếng bản địa.

Năm 2012, tổng sản phẩm quốc nội của Cameroon đạt 24,51 tỷ USD, tăng trưởng 4,7% so với năm 2011. GDP bình quân đầu người của Cameroon đạt khoảng 1192 USD người/năm. Tỷ lệ lạm phát được duy trì ở mức 2,9%/năm.

Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp đóng góp 19,8% GDP, công nghiệp 30,9% và dịch vụ 49,3%.

Về ngoại thương, năm 2012, Cameroon xuất khẩu 6,538 tỷ USD hàng hoá các loại, trong đó có dầu thô, các sản phẩm về dầu lửa, hạt coca, nhôm, bông, cà phê, gỗ xẻ. Các đối tác xuất khẩu của Cameroon là Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Hàn Quốc, Mỹ, Hà Lan.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2012 của Cameroon là 6,597 tỷ USD với các mặt hàng chính là máy móc, thiết bị điện, xe cộ, xăng dầu và thực phẩm. Các bạn hàng nhập khẩu quan trọng của Cameroon gồm Pháp, Nigeria, Trung Quốc, Mỹ, Bỉ.

Trao đổi thương mại Việt Nam-Cameroon

Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Cameroon đạt 61,96 triệu USD giảm 22% so với năm 2011 trong đó mặt hàng xuất khẩu chính là gạo (đạt 43,9 triệu USD), hàng thủy sản (7,1 triệu USD), nguyên phụ liệu thuốc lá (1,6 triệu USD), phân NPK (827.200 USD), nguyên phụ liệu dệt may, da giày (312.000 USD), giấy các loại (305.540 USD)…

Kim ngạch nhập khẩu từ Cameroon cũng không ngừng tăng, đặc biệt là mặt hàng gỗ nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sang tìm hiểu thị trường và mua những đơn hàng gỗ lớn từ Cameroon. Giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Cameroon năm 2012 đạt 70,35 triệu USD trong đó các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 66,83 triệu USD, bông các loại 3,2 triệu USD, sắt thép phế liệu 204.384 USD.

Trong 3 tháng đầu năm 2013, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 45,62 triệu USD trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 25 triệu USD, tăng 97% so với cùng kỳ năm 2012 và kim ngạch nhập khẩu đạt 20,62 triệu USD, tăng 35%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn là gạo, dây điện và cáp, sản phẩm sắp thép, hải sản, phân NPK, nguyên phụ liệu thuốc lá.

Về đầu tư, tháng 12/2012, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã đầu tư 393,9 triệu USD vào Cameroon trong lĩnh vực mạng viễn thông và Internet. Viettel là nhà cung cấp viễn thông thứ 3 của Cameroon và phủ sóng khoảng 81% lãnh thổ nước này, với công nghệ sử dụng 2G và 3G. Hiện nay, ngoài viễn thông, Tập đoàn này có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Cameroon trước mắt là xuất khẩu gạo và nhập khẩu gỗ.

Địa chỉ hữu ích

a) Đại sứ quán nước Việt Nam tại An-giê-ri (kiêm nhiệm Cameroon)

Địa chỉ : 30, Chénoua – Hydra – Alger – Algérie

Văn phòng : 00213 (0) 21 60 88 43

Lãnh sự : 00213 (0) 21 69 27 52

Chính trị : 00213 (0) 21 69 29 73

Fax : 00213 (0) 21 69 37 78

E-mail: sqvnalgerie@yahoo.com.vn; vnemb.dz@mofa.gov.vn
Website : http://www.vietnamembassy-algerie.org/

b) Thương vụ Việt Nam tại An-giê-ri (kiêm nhiệm Cameroon):

Tham tán Thương mại: Nguyễn Văn Mùi

Email: secomvnalger@yahoo.fr; dz@moit.gov.vn; vanmui@hotmail.com

Tel: +213 21 60 11 89; Fax: +213 21 60 11 81

Mobile: +213 773 27 01 35

Địa chỉ: 14, rue G les Crêtes, 16 035 Hydra, Alger, Algérie

Theo Báo Công Thương

Tin liên quan