Bạn đang ở đây

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong lễ hội

30/03/2018 08:54:01
 
Phần thi đan rọ tôm tại lễ hội đình Ba Chãng, xã Phúc An.
Qua đó, người dân có cơ hội tìm hiểu, tiếp thu tinh hoa văn hóa truyền thống, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước cũng như thu hút khách du lịch đến với Yên Bình. 

Ngay từ những ngày đầu năm 2018, liên tục từ ngày 18 đến ngày 25/2 (tức ngày mùng 3 đến mùng 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất), nhiều lễ hội được tổ chức trên địa bàn huyện Yên Bình đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân địa phương và du khách gần xa.
 
Mở màn là lễ hội Lồng tồng (lễ hội Xuống đồng) diễn ra tại xã Tân Hương; tiếp đến là lễ hội đình Khả Lĩnh (xã Đại Minh); hội đình Phúc Hòa (xã Hán Đà); hội đền Mẫu Thác Bà (thị trấn Thác Bà); lễ hội đình Ba Chãng (xã Phúc An). Các hoạt động lễ hội đều diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm cùng nhiều các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian tạo bầu không khí vui tươi, phấn chấn để nhân dân bước vào một năm lao động sản xuất thắng lợi.

Ông Lương Thanh Hùng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Bình cho biết: "Huyện Yên Bình có nhiều di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, trong đó hồ Thác Bà được công nhận là Di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia, 14 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Thực hiện Chỉ thị số 06 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của tỉnh trong việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, huyện Yên Bình đã sớm ban hành các công văn chỉ đạo, hướng dẫn đến từng địa phương. Song song với công tác quản lý lễ hội, huyện cũng tăng cường công tác quy hoạch, tu bổ, tôn tạo không gian bảo tồn, phát huy giá trị di tích; không gian quản lý và dịch vụ phụ trợ các di tích nơi diễn ra lễ hội”.

Nhằm bảo tồn và phát huy, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc trong lễ hội, huyện luôn coi trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao sự hiểu biết, ý thức trách nhiệm cho người dân, cùng chính quyền địa phương phát huy và tổ chức tốt các lễ hội.
 
Công tác tuyên truyền được triển khai dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú, thông qua các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở, Trang Thông tin điện tử của huyện; thông qua hội nghị, cuộc họp thôn, hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi...
 
Việc tổ chức các lễ hội góp phần tuyên truyền, quảng bá, giáo dục lòng tự hào dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Đặc biệt, trong chuỗi các hoạt động lễ hội xuân diễn ra tại Yên Bình, lễ hội đình Ba Chãng tại xã Phúc An lần đầu tiên được tổ chức đã thu hút hàng nghìn người dân địa phương cùng du khách thập phương về dự. Điểm nhấn là phần thi đan rọ tôm nhanh, đẹp của các thôn trong xã. Điều đó đã cổ vũ nhân dân gìn giữ, phát huy ngành nghề truyền thống  mang lại thu nhập chính trong nhiều năm qua.
 
Ông Nguyễn Minh Việt - Bí thư Đảng ủy xã Phúc An cho biết: "Sau khi thôn Đồng Tâm được công nhận làng nghề nông thôn, Đảng bộ, chính quyền xã đề ra phương án tiếp tục nhân rộng mô hình, khuyến khích cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục khẳng định và xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, lần đầu tổ chức song lễ hội đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ, đóng góp nhiệt tình của nhân dân. Chính quyền địa phương sẽ duy trì tổ chức lễ hội đình Ba Chãng vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm”.

Mùa lễ hội năm nay, huyện Yên Bình đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền. Đây là dịp giáo dục truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân; đồng thời, tạo điều kiện cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích hiệu quả hơn, tránh được tình trạng di tích bị hư hỏng; các lễ nghi, tập tục, trò diễn xướng dân gian truyền thống bị mai một, thất truyền.
 
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện không có biểu hiện thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi, tranh giành, đeo bám khách du lịch làm mất an ninh trật tự; lợi dụng các trò chơi biến tướng sang đánh bạc trá hình; thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; không đốt nhiều đồ mã, vàng mã, hương nến gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ mất an toàn trong lễ hội. Công tác vệ sinh môi trường và thu gom rác thải được làm tốt.
 
Làm tốt việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống là tạo cơ hội để huyện Yên Bình khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

 

Tin liên quan