Bạn đang ở đây

Vật liệu xây dựng xanh: “Đắt” nhưng “xắt” ra miếng

16/08/2018 09:29:38

Khái niệm công trình xanh được hiểu là những công trình trong thiết kế, xây dựng hoặc vận hành giảm thiểu các tác động xấu và có thể tạo ra tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường, ứng với các tiêu chí, sử dụng hiệu quả năng lượng, nước và các tài nguyên khác, sử dụng vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường, có thể tái chế sau sử dụng. Thực tế khái niệm công trình xanh đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2007 nhưng hiện vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Việt Nam mới chỉ có hơn 60 công trình đạt chứng nhận công trình xanh, khá khiêm tốn với 125 của Malaysia, 500 của Đài Loan và 1.500 của Singapore.

vat lieu xay dung xanh dat nhung xat ra mieng
Sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng đang được quan tâm

Theo Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc, sử dụng vật liệu xây dựng xanh chắc chắn sẽ đắt hơn vật liệu bình thường. Xây dựng công trình từ vật liệu xanh chắc chắn cũng tốn kém hơn công trình bình thường. Nhưng đổi lại, công trình sẽ giúp tiết kiệm được tối đa chi phí trong quá trình vận hành.

Ông Đỗ Thanh Tùng- Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia- Bộ Xây dựng đánh giá, khi một công trình đáp ứng được các tiêu chí quan trọng của công trình xanh, trong đó có sử dụng vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường, các cư dân sẽ được hưởng thụ những lợi ích như: tăng 3 – 5% năng suất lao động; giảm nguy cơ bệnh tật và nâng cao sức khỏe; giảm 30 – 50% tài nguyên nước và năng lượng nhân tạo, qua đó giảm phát thải khí nhà kính; giảm 10-15% chi phí vận hành và bảo dưỡng; tăng giá trị, sự bền vững và tuổi thọ công trình. “Mặt khác, các công trình xanh khi vận hành cũng góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển đô thị, tạo lập môi trường sống bền vững, thay đổi và chỉnh trang hạ tầng kiến trúc, quảng bá hình ảnh đô thị, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế du lịch”, ông Tùng nói.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, đầu tư công nghệ sản xuất vật liệu xanh trong vòng 10 năm trở lại đây tăng trưởng nhanh. Tốc độ đầu tư ở các nhóm vật liệu xây dựng như xi măng, gạch ốp lát, kính…. từng bước đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt sánh ngang chất lượng với các nước phát triển trên thế giới. Hiện nay, một số loại vật liệu cao cấp đã có thể sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước thay vì phải nhập khẩu như trước, thậm chí còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Thị trường vật liệu xây dựng đã ghi nhận nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn vật liệu xây dựng xanh. Một số doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại hàng đầu thế giới vào sản xuất các loại vật liệu xây dựng xanh như: kính tiết kiệm năng lượng, profile uPVC, vật liệu nhôm có thể tái chế, kính siêu trắng, gạch bê tông khí chưng áp. Việc xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng xanh đã góp phần hiện thực hóa các kiến trúc công trình xanh tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP Eurowindow chia sẻ, với định hướng phát triển bền vững gắn với lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích chung của xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, trong suốt 16 năm qua, Eurowindow đã lần lượt cho ra đời dòng sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, góp phần tạo dựng lên các công trình xanh. Có thể kể đến: sản phẩm cửa nhựa uPVC lõi thép gia cường sử dụng thanh profile do hãng Koemmerling (CHLB Đức) sản xuất theo tiêu chuẩn “Greenline”; cửa và và vách nhôm kính lớn có độ kín khít tốt, độ bền cao, tiết kiệm năng lượng.

Nhiểu chuyên gia cho rằng, để phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam, một mặt cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển công trình xanh, đặc biệt là các quy chuẩn xây dựng, các cơ chế tài chính, một mặt cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân về ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng.

Đặc biệt cần có những tính toán cụ thể, mang tính pháp lý về hiệu quả thực tế của các dự án. HIện các chuyên gia đang tranh luận về mức chi phí ban đầu tăng thêm 10-30% tổng chi phí xây dựng nhưng chưa có câu trả lời dứt khoát, do đó nhiều chủ đầy tư còn tâm lý e ngại khi quyết định đầu tư xây dựng theo hướng công trình xanh.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan