Bạn đang ở đây

Từ xây dựng thương hiệu đến mở rộng thị trường

13/11/2018 09:31:46

Xây dựng thương hiệu cho nông sản

Mấy năm gần đây, tham dự các hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản ở nhiều tỉnh phía Bắc, hội nghị nào chúng tôi cũng gặp ông Mai Văn Sướng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang. Nhắc đến việc sản xuất và tiêu thụ nông sản, ông Sướng có thể nói cả ngày không hết chuyện.

tu xay dung thuong hieu den mo rong thi truong
Cam sành Hà Giang - sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý

Với thực tế ở tỉnh Hà Giang, ông Sướng cho hay: Mấy năm trước, một số sản phẩm được xem là có thế mạnh của Hà Giang như: Cam, chè, mật ong… có nguy cơ phải thu hẹp sản xuất do cạnh tranh khốc liệt từ các hàng hóa cùng loại trên thị trường. Trước tình hình này, với vai trò của mình, Sở Công Thương Hà Giang đã tham mưu lồng ghép quảng bá cam sành, mật ong bạc hà, chè… tại các hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để gia tăng kết nối cung – cầu.

Đồng thời, để bảo vệ nhãn hiệu của các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, UBND tỉnh Hà Giang đã triển khai ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc trên thiết bị di động bằng mã ma trận QR-code để hỗ trợ cho một số doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Từ năm 2014 đến nay, với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng, Hà Giang đã tập trung hỗ trợ được nhiều chương trình như: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học, xây dựng và đăng ký thương hiệu, tư vấn thiết kế nhãn mác bao bì sản phẩm; xây dựng nhà trưng bầy sản phẩm; hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ trong nước và ngoài nước…

Phấn khởi khi Hà Giang đã có được những sản phẩm nông sản chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, ông Mai Văn Sướng chia sẻ: “Ban đầu thuyết phục để bà con sản xuất theo quy trình khép kín, sử dụng công nghệ thông tin để quản lý cũng không phải dễ dàng, một sớm một chiều mà làm được ngay. Tuy nhiên, với những sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu, có giá bán tăng lên trông thấy, thì thương hiệu lại có tác dụng như là một động lực để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào việc duy trì hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa - dịch vụ”.

Thị trường tiêu thụ liên tục được mở rộng

Nhờ công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa và các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch đẩy mạnh sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực… đến nay, nhiều sản phẩm tiêu biểu của Hà Giang như: Chè, dược liệu, mật ong bạc hà, cam sành… đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường; một số sản phẩm chè đã xuất khẩu được sang: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu.

Trong năm 2018, Phó Giám đốc Mai Văn Sướng phấn khởi cho hay, sản lượng mật ong của Hà Giang dự kiến thu hoạch khoảng trên 12.000 tấn; chè búp tươi trên 70.000 tấn; cam sành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 50.000 tấn, cùng với đó là một sản lượng không nhỏ chè đen, chè vàng, chè xanh đã qua chế biến.

Để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, Hà Giang đang tập trung hỗ trợ đẩy mạnh công nghiệp chế biến sản phẩm sau thu hoạch; Chú trọng xây dựng thương hiệu, hỗ trợ bao bì, ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương, nhằm tạo thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững cho sản phẩm.

“Việc quảng bá sản phẩm trên phương tiện truyền thông, kết nối đưa các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh vào hệ thống phân phối tại các siêu thị, chợ đầu mối lớn… vẫn được chúng tôi thực hiện thường xuyên. Trong tháng 11, 12/2018 “Tuần lễ cam sành và các đặc sản tỉnh Hà Giang” sẽ được tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh” – ông Mai Văn Sướng thông báo với chúng tôi thông tin này trong lúc đang tham dự Hội thảo Phát triển sản xuất hàng hóa, tạo liên kết vùng và thu hút đầu tư khu vực Tây Bắc trong hội nhập tổ chức tại Yên Bái. Trò chuyện với Phó Giám đốc Mai Văn Sướng, chợt nghĩ: Có được những cán bộ tâm huyết, trách nhiệm với các sản phẩm địa phương như vậy, sản xuất và tiêu thụ nông sản ở Hà Giang có nhiều đổi thay tích cực – âu cũng là điều dễ hiểu!

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan