Bạn đang ở đây

Thị trường hồi phục, dệt may “nhắm đích” 39 tỷ USD

22/04/2021 08:08:01

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu (XK) dệt may ghi nhận tín hiệu khởi sắc khá rõ nét, thoát khỏi “bóng đen” liên tục sụt giảm trong năm 2020. Hiện, nhiều DN trong ngành đã có đơn hàng đến hết quý 3/2021, thậm chí đết hết năm. Dự báo, XK dệt may năm nay sẽ khả quan đạt mục tiêu 39 tỷ USD.

Có đơn hàng đến quý 3/2021

Từ đầu năm đến nay, thị trường dệt may, da giày thế giới đã dần sôi động trở lại. Ngành dệt may Việt Nam cũng có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Dù dịch bệnh vẫn còn, tuy nhiên các doanh nghiệp (DN) đã tìm ra được hướng đi phù hợp. Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch XK hàng dệt và may mặc quý 1 ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch XK xơ, sợi dệt các loại tăng 31%; kim ngạch XK vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 8,8%.

Thị trường hồi phục, dệt may “nhắm đích” 39 tỷ USD
Doanh nghiệp dệt may đã thích ứng khá nhanh để nắm bắt cơ hội từ sự chuyển dịch đơn hàng, sự phục hồi của thị trường XK. Ảnh: N.Thanh

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, nhu cầu tiêu thụ đang bắt đầu phục hồi trở lại đã tác động tích cực đến hoạt động XK. DN dệt may thích ứng khá nhanh thông qua các giải pháp đa dạng hóa dòng hàng, thị trường, cũng như thích ứng được với nền tảng cơ chế mua bán và thanh toán theo bối cảnh mới, khác hoàn toàn cách mua bán truyền thống trước đây. “Việc DN đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, giao hàng nhanh”, ông Giang nhấn mạnh.

Một yếu tố khác được ông Vũ Đức Giang đề cập tới là các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã góp phần đáng kể thúc đẩy XK dệt may sang các thị trường. Điển hình như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã giúp sản phẩm dệt may lan tỏa nhanh hơn tới thị trường Canada, New Zealand, Australia…; FTA Việt Nam - EU (EVFTA) cũng giúp một số dòng sản phẩm thâm nhập tốt hơn vào thị trường EU.

Từ những tháng đầu năm, ngành dệt may Việt Nam đã đón nhận nhiều thông tin tốt về đơn hàng. Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đánh giá, điều này chứng tỏ thị trường dệt may đang hồi phục. Ở thời điểm hiện tại, phần lớn DN may trong ngành đã có đơn hàng đến hết quý 3, thậm chí nhiều DN có đơn hàng cho cả năm 2021. “Thị trường dệt may toàn cầu có sự hồi phục bởi các gói hỗ trợ về kinh tế và các thông tin tích cực về vắc xin; nhu cầu các mặt hàng nói chung và may mặc nói riêng đã phần nào hồi phục trở lại. Việc chuyển dịch đơn hàng từ các nước quốc gia cạnh tranh, đặc biệt từ Myanmar giúp cho Việt Nam đón nhận một lượng đơn hàng đột biến ngay từ quý 1”, ông Cao Hữu Hiếu lý giải thêm.

Khả quan trước mục tiêu 39 tỷ USD

Ở góc độ xu thế tiêu dùng mặt hàng, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex phân tích, qua đại dịch, xu thế tiêu dùng may mặc của thế giới đã thay đổi rất nhiều. Trong năm 2020, các mặt hàng veston, sơ-mi, quần âu suy giảm mạnh nhất (veston giảm 70%, quần âu giảm 45%, áo sơ-mi giảm hơn 30%). Trong năm 2021, các mặt hàng kể trên có sự phục hồi nhất định so với năm 2020 nhưng vẫn còn ở mức thấp so với năng lực sản xuất của ngành may Việt Nam đã đạt được trước đó. Đây lại là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Việc tăng trưởng sản xuất các mặt hàng thế mạnh này trong năm nay vẫn chưa rõ ràng, vì còn phụ thuộc rất nhiều vào cách thức đi lại, làm việc có trở về như trước khi có đại dịch hay không. Nếu thế giới vẫn duy trì cách thức làm việc từ nhà thì các mặt hàng đó vẫn không thể phục hồi như cũ được. “Có thể chắc chắn rằng, trong 6 tháng đầu năm 2021 thị trường sẽ tiêu thụ chính yếu các mặt hàng cơ bản, giá cả tương đối rẻ”, ông Lê Tiến Trường nói.

Dù tình hình sản xuất, XK dệt may trong những tháng đầu năm đã khởi sắc rõ rệt, song ông Vũ Đức Giang nhìn nhận, dệt may Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức không nhỏ. Vấn đề điển hình được ông Giang nhắc tới là câu chuyện chi phí logistics của Việt Nam đang rất cao, đặc biệt là chi phí thuê container rỗng. Theo phản ánh của nhiều DN, giá thuê container hiện đã tăng gấp 5 lần so với năm ngoái. Đó là chưa kể, hàng loạt đơn hàng sản xuất ra gần đây vì thiếu container XK dẫn tới ách tắc lưu thông, chậm tiến độ giao hàng cho đối tác.

Dù vậy khi đề cập đến kết quả XK dệt may cả năm, ông Giang vẫn tin tưởng mục tiêu XK 39 tỷ USD sẽ đạt được. “Điều này xuất phát từ thực tế thị trường đang có nhiều nhãn hàng, đơn hàng lớn dịch chuyển từ các nước về Việt Nam. Thêm vào đó, Mỹ vốn là thị trường truyền thống có tỷ trọng lớn trong cơ cấu XK của dệt may Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi sau khi quốc gia này mở rộng tiêm vắc xin cho người dân”, ông Giang nói.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan