Bạn đang ở đây

Ngành gỗ và lâm sản: Lạc quan với mục tiêu 10,5 tỷ USD

02/01/2019 09:14:55

Bước ngoặt năm 2018

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, năm 2018 là năm bước ngoặt của ngành lâm sản với các sự kiện nổi bật gồm: Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ chủ trì một cuộc họp bàn về XK gỗ; nhiều văn bản liên quan đến ngành này ra đời; Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Các DN đã nắm bắt được xu hướng của thị trường thế giới, thay đổi rất mạnh mẽ ở 3 lĩnh vực: Công nghệ, trình độ lao động và quản trị.

nganh go va lam san lac quan voi muc tieu 105 ty usd
Các doanh nghiệp Việt Nam đã tối đa hóa được thế mạnh về nguyên liệu và lao động

Công ty cổ phần Woodsland (Tuyên Quang) là một ví dụ, khẳng định vị thế trong phát triển nguyên liệu và chế biến gỗ rừng trồng, mới đây, đã đầu tư xây dựng một trung tâm chế biến gỗ tự động hóa từ khâu xẻ, sấy đến xử lý bề mặt với tổng công suất 150.000 m3 sản phẩm/năm tại Cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn – Tuyên Quang). Theo Quyền, 1 cây gỗ tròn xẻ theo công nghệ cũ chỉ tận thu được 50% nhưng với công nghệ mới có thể tận thu 85-90%, tiết kiệm được 40% nguyên liệu . Cùng với đó năng suất lao động cũng tăng cao.

Ở góc độ thị trường XK, ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia Tổ chức Forest Trends - chia sẻ: Các DN Việt Nam đã tối đa hóa được thế mạnh về nguyên liệu và lao động, thị trường chính được mở rộng, XK rất mạnh vào thị trường Mỹ. Dự kiến Việt Nam XK sang thị trường này 3 tỷ USD năm 2018.

Là DN chuyên XK sang thị trường Mỹ, ông Điền Quang Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 có trụ sở ở Bình Dương - cho hay, đây là giai đoạn thuận lợi cho DN XK vào thị trường Mỹ. Năm 2018, DN đạt chỉ tiêu XK 20 triệu USD sang thị trường này, dự kiến năm 2019 sẽ đạt 22 triệu USD.

Cơ hội mở rộng

Nhận định về thị trường XK năm 2019, ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, không quá kỳ vọng vào thị trường EU do tỷ trọng XK không lớn, 1 năm EU chỉ nhập khẩu 700 - 800 triệu USD từ Việt Nam, chiếm khoảng 10% XK. Trong khi đó, Trung Quốc chiếm tỷ trọng XK nhiều nhưng chủ yếu là sản phẩm thô. Thị trường được kỳ vọng là Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ.

Phân tích kỹ hơn thị trường Nhật Bản, ông Nguyễn Tôn Quyền cho hay, với chính sách mới, theo ước tính, mỗi năm Nhật Bản cần 50 triệu tấn viên nén nhiên liệu. Hiện Nhật Bản đang ồ ạt sang Việt Nam đầu tư với 3 nhà máy viên nén nhiên liệu tại Nghệ An.

Đối với thị trường Hàn Quốc, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, những năm gần đây, tăng trưởng XK của Việt Nam sang thị trường này có bước tiến rất nhanh và đều. Tương lai ở thị trường này còn phát triển hơn nữa. Hàn Quốc có nhu cầu về dăm làm giấy, viên nén nhiên liệu, gỗ tinh chế, đặc biệt là ván nhân tạo.

Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu trong XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 35-38%. Dự kiến năm 2019, XK gỗ của Việt Nam sẽ đạt 4 tỷ USD.

Làm ăn nhiều năm với thị trường Mỹ, ông Điền Quang Hiệp chia sẻ, việc đáp ứng được các tiêu chuẩn sản phẩm XK đi Mỹ là không dễ dàng. Mỗi năm đều có các đoàn công tác của Mỹ tới công ty kiểm tra, để đảm bảo công ty hoạt động theo đúng tiêu chuẩn sản xuất hàng hóa vào thị trường Mỹ. Trong những lần kiểm tra này, phía Mỹ đặc biệt lưu ý các yếu tố liên quan đến môi trường lao động, mức độ bụi trong phạm vi cho phép, không sử dụng lao động dưới 17 tuổi, thậm chí tính cả tỷ lệ phòng vệ sinh đáp ứng cho người lao động…

Theo các chuyên gia, tính hệ thống, nguyên tắc và sự tuân thủ là những “nút thắt” lớn nhất đối với DN Việt khi đưa sản phẩm gỗ nội thất vào Mỹ. Đặc biệt, sự thiếu liên kết giữa các DN, là vấn đề lớn làm cho DN không tận dụng được hết cơ hội mang lại.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2019 tiếp tục tăng, vì sản phẩm gỗ Việt đang được nhiều nhà nhập khẩu lớn quan tâm, nhất là Mỹ, do nhu cầu đồ nội thất của quốc gia này thường tăng mạnh vào cuối năm.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan