Bạn đang ở đây

Liên kết vùng – 'Đánh thức' tiềm năng Tây Bắc

01/11/2018 15:26:01
lien ket vung danh thuc tiem nang tay bac

Vai trò quan trọng

Khu vực Tây Bắc có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển trên nhiều lĩnh vực, như: Thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản, thương mại, du lịch… Đặc biệt, với đặc trưng về thổ nhưỡng, khí hậu, lợi thế đất đai, sự đa dạng sinh học, khu vực Tây Bắc có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trông thủy sản, phát triển dược liệu…

lien ket vung danh thuc tiem nang tay bac
Hội thảo phát triển sản xuất hàng hóa, tạo liên kết vùng và thu hút đầu tư khu vực Tây Bắc trong hội nhập do UBND tỉnh Yên Báo phối hợp với Báo Công Thương, Bộ Công Thương tổ chức

Nhờ đó, những cái tên: Gạo tám Mường Thanh (Điện Biên), nếp Tú Lệ, Nàng Hương (Yên Bái), Sén Cù (Lào Cai)... đã được nhiều người tiêu dùng rất ưa chuộng. Nhiều vùng cây công nghiệp đã bắt đầu mở rộng về quy mô như: Thuốc lá (huyện Mường Khương, Lào Cai), cây chè Yên Bái, Hà Giang, cà phê, cao su ở Sơn La, Điện Biên… Gần đây, nhiều loại cây ăn quả chất lượng, năng suất cao đã góp phần đưa Tây Bắc trở thành vựa hoa quả lớn của khu vực Bắc Bộ.

Xác định vai trò đặc biệt quan trọng của Tây Bắc cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển. Với vai trò của mình, thời gian qua, “Bộ Công Thương đã chủ động kết nối, xây dựng nhiều chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả, kết nối cung cầu hàng hóa giữa doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng tại các địa phương vùng Tây Bắc. Đồng thời, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chương trình bình ổn giá thị trường tại 12 tỉnh Tây Bắc, khuyến công… đã hỗ trợ thiết thực doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn, miền núi, tác động tích cực giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm hàng hóa…” – Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

lien ket vung danh thuc tiem nang tay bac
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội thảo

Bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển kinh tế - xã hội của Tây Bắc vẫn chưa thật sự xứng với sự đầu tư và tiềm năng vốn có. Đến nay, Tây Bắc vẫn được đánh giá là vùng có kinh tế chậm phát triển với tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước; nhiều địa phương trong vùng chưa có khả năng tự cân đối ngân sách; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, thiếu vững chắc, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém; đường bộ kém phát triển, đường sắt không có, đường thủy hạn chế…

lien ket vung danh thuc tiem nang tay bac
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - ông Đỗ Đức Duy

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Đức Duy – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - cho biết, mặc dù địa phương nào cũng có những tiềm năng, thế mạnh và nhiều điểm tương đồng nhưng không có sự liên kết nên không tạo được chuỗi giá trị gia tăng, nhất là những sản phẩm chủ lực, thế mạnh chung của cả vùng như: Chè, cây ăn quả, gạo, đặc sản, cây dược liệu…

Việc không hình thành được mối liên kết vùng cũng dẫn đến các hạn chế trong việc tạo vùng nguyên liệu, thu hút nhà đầu tư thực hiện dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại; hạn chế trong việc nghiên cứu, dự báo xu thế phát triển, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, khó khăn trong việc tiêu thụ ổn định đầu ra sản phẩm.

Giải pháp từ thực tế

lien ket vung danh thuc tiem nang tay bac
Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Từ thực tế đó, Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – cho rằng, đã đến lúc, các tỉnh Tây Bắc cần thường xuyên gặp gỡ để phân công và phối hợp trong phát triển các ngành nghề; tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư trên quy mô vùng. Không cần thiết phải có cuộc gặp cả 12 tỉnh, thành phố mà từng cụm tỉnh thành có liên quan trong sản phẩm, lĩnh vực, mặt hàng… có thể tự chủ động liên kết với nhau, tìm hướng đi. Nhưng trong đó, vẫn cần xác định một cơ chế thực hiện rõ ràng dưới sự điều hành và giám sát chung của Nhà nước. Đây sẽ là cách hiệu quả để phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương; đồng thời, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, mâu thuẫn, hiệu quả thấp… Trong khi chờ đợi một cơ chế liên kết chung, các địa phương cần chủ động kêu gọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng thông tin, cơ sở hạ tầng; Đón đầu dòng vốn đầu tư bằng cách thu hút, phối hợp, xác định lĩnh vưc trọng tâm, hàng hoá – dịch vụ trọng điểm, tận dụng cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

lien ket vung danh thuc tiem nang tay bac
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo

Ông Phan Văn Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc - đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, trong đó, Tây Bắc cần xác định lĩnh vực ưu tiên phát triển, huy động và sử dụng vốn đầu tư hợp lý. Đồng thời, tiếp tục cải thiện cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng khoa học và công nghệ, thực hiện cải cách hành chính. Đặc biệt, cần chú trọng tăng cường hợp tác và phát triển thị trường...

Đòn bẩy mới

Theo đánh giá của Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn, xu hướng đầu tư nước ngoài đang có sự dịch chuyển lớn sang các nước châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN. Bên cạnh đó, đầu tư trong và ngoài nước có xu hướng tập trung vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, du lịch…. Trong khi đó, môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam đang ngày càng được cải thiện, các Hiệp định thương mại tự do đã và sắp được ký kết đã tạo nhiều điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tăng cường sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa trong và ngoài nước đang được tăng cường mạnh mẽ. Đây chính là cơ hội cho không chỉ Việt Nam nói chung mà cả khu vực Tây Bắc nói riêng.

Do đó, song song với việc liên kết nội vùng, các đơn vị cần có hướng đi mở, tầm nhìn lâu dài, không chỉ dừng lại ở kêu gọi đầu tư trong khu vực, trong nước mà còn từ các doanh nghiệp, dòng vốn ở khu vực và trên thế giới.

lien ket vung danh thuc tiem nang tay bac
Bà Bùi Bích Liên - đại diện Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam

Đồng quan điểm, bà Bùi Bích Liên – đại diện Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam - cho rằng, hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập khẩu hàng hóa đã và đang trở thành đòn bẩy, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên những địa bàn biên giới trọng yếu của đất nước, trong đó có khu vực Tây Bắc. Việc tăng cường các hoạt động quảng bá, giao lưu, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước là hết sức cần thiết.

lien ket vung danh thuc tiem nang tay bac
Tiến sĩ Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh

Tiến sĩ Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh - nhấn mạnh: "Các địa phương phải luôn phải chủ động tìm kiếm giải pháp và sáng kiến, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh giao lưu thương mại trên địa bàn, chứ không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ từ Trung ương".

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng vệ thương mại, lành mạnh hóa thị trường, phối hợp xúc tiến đầu tư...

Nguồn: báo Công thương

Tin liên quan