Bạn đang ở đây

Khó khăn do Covid-19, cả nước vẫn xuất siêu 2,8 tỷ USD

30/03/2020 07:54:49

Số liệu Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy, kết thúc quý I, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7%, trong đó xuất khẩu đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5%; nhập khẩu đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9%.

kho khan do covid 19 ca nuoc van xuat sieu 28 ty usd
Xuất siêu 2,8 tỷ USD trong quý I/2020

Trong quý I, cả nước có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 70,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 12,4 tỷ USD, chiếm 20,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng còn lại là điện tử, máy tính và linh kiện; hàng dệt may; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; thủy sản.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 15,5 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN,Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ở chiều ngược lại, quý I/2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, xuất siêu quý I năm nay đạt 2,8 tỷ USD.

Kết quả này có được là sự quyết tâm đồng bộ của các bộ ngành. Trong đó Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện việc ứng phó với dịch Covid-19 trên tinh thần rất chủ động, quyết liệt đồng bộ cả trong công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo chung của Ban Chỉ đạo quốc gia và trong công tác triển khai các giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Với tinh thần không chủ quan với dịch, các giải pháp đã được Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ, khẩn trương, quyết liệt. Trong đó có việc triển khai mạnh các giải pháp để khơi thông xuất khẩu, đặc biệt là xử lý các vấn đề ở các cửa khẩu để thúc đẩy lưu thông xuất nhập khẩu với Trung Quốc, song song với đó là tìm thị trường thay thế cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, tới nay hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc đã từng bước được tháo gỡ và đi vào hoạt động thuận lợi hơn.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp FDI để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu; đề xuất các giải pháp với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa. Nghiên cứu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi các cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả cơ hội do Hiệp định này mang lại. Chỉ đạo các Thương vụ tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới cho doanh nghiệp và hàng hóa xuất nhập khẩu...

Nguồn: báo Công thương

Tin liên quan