Bạn đang ở đây

Đội Quản lý thị trường số 6: Triển khai tốt công tác tuyên truyền về chống hàng giá, hàng kém chất lượng

03/10/2018 15:23:42

 

 

Lực lượng QLTT đang làm nhiệm vụ

Huyện Lục Yên có điều kiện tự nhiên và vị trí khá thuận lợi cho việc vận chuyển và lưu thông hàng hóa đi lại, huyện Lục Yên có tuyến đường quốc lộ 70 nối liền các xã An Lạc, Khánh Hòa, Động Quan, Trúc Lâu, Trung Tâm; có tuyến đường Đông Hồ nối liền Thị Trấn Yên Thế , xã Liễu Đô, Vĩnh Lạc, Minh Tiến. Những lợi thế đó đã tạo cho huyện Lục Yên có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - Xã hội, song cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các hoạt động buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng giả và gian lận thương mại nếu như không được kiểm soát tốt.

Đội Quản lý thị trường số 6 huyện Lục Yên là đơn vị trực thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái, được giao nhiệm vụ thực hiện công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Với tổng số 08 cán bộ, công chức, địa bàn phụ trách rộng, gồm 24 xã, Thị Trấn, trong đó có 06 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu , vùng xa. Trên địa bàn huyện hiện có 885 hộ kinh doanh lớn nhỏ.

 Với vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân huyện Lục Yên và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái, đặc biệt là Ban chỉ đạo 389 của tỉnh,  Đội Quản lý thị trường số 6 huyện Lục Yên đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Công an huyện Lục Yên và các Ban ngành liên quan của huyện đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm để minh bạch hóa thị trường và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Trong những năm qua, công tác đấu tranh chống nạn kinh doanh hàng giả của Đội Quản lý thị trường số 6 đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, hạn chế rất  lớn đến tình hình kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa trên địa bàn huyện Lục Yên, phát hiện và xử lý được nhiều vụ vi phạm. Cụ thể: Năm 2016 và năm 2017, Đội QLTT số 6 đã kiểm tra 241 vụ, xử lý 211  vụ, với 224 hành vi vi phạm về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng, hàng không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Phạt hành chính trên 141,175 triệu đồng, bán hàng tịch thu 15,855 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa với giá trị trên 130,250 triệu đồng. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, Đội QLTT số 6 đã kiểm tra 63 vụ,  xử lý 49 vụ với 49 hành vi vi phạm. Phạt hành chính gần  43,3 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa trị giá 9,9 triệu đồng. Hàng hóa tiêu hủy chủ yếu là hàng hết hạn sử dụng, hàng kém chất lượng và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn huyện Lục Yên vẫn còn những khó khăn, tồn tại nhất định:

+ Mặc dù không phải là điểm nóng về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng những hành vi này vẫn diễn biến phức tạp gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Bên cạnh một số hàng lậu, hàng giả  có nguồn gốc từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung quốc) thì một số sản phẩm, hàng hoá giả được sản xuất từ các làng nghề, hộ gia đình bằng phương pháp thủ công, truyền thống, không theo quy trình chất lượng, an toàn thực phẩm từ các tỉnh, thành phố khác đưa vào tiêu thụ trên địa bàn huyện. Những mặt hàng này phần lớn là hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; thậm chí một số sản phẩm được gắn nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng và trở thành hàng giả mạo nhãn hiệu.Điều đáng báo động là hàng giả ngày càng giống hàng thật, khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được.

+ Hàng hóa bị làm giả tiêu thụ trên địa bàn huyện Lục Yên chủ yếu là các mặt hàng như Mì chính Ajnomoto; Bột giặt OMO; dầu gội đầu các loại, nước mắm Nam Ngư…. và một số mặt hàng bị làm giả khác.

+ Bên cạnh một số người mua lầm phải hàng giả do khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả thì vẫn có không ít người tiêu dùng biết mình đang mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng vẫn chấp nhận bởi loại hàng hóa này có giá rẻ, phù hợp với túi tiền của họ. Với cách nghĩ như vậy, nhiều người đã gián tiếp tiếp tay cho hàng giả lưu thông trên thị trường. Hơn ai hết, người tiêu dùng chính là đối tượng phải gánh chịu những thiệt thòi mà các hành vi vi phạm mang lại.

Theo đánh giá của lực lượng chức năng, tại khu vực nông thôn, các phiên chợ quê, các xã vùng sâu, vùng xa của huyện, tình hình hoạt động buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng tuy không nổi cộm nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng rất đa dạng về mẫu mã, linh động về giá cả và đặc biệt là phong phú cả về chủng loại. Sự nguy hiểm thể hiện ở chỗ, bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế cho các nhà sản xuất chân chính nó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Điển hình là đồ ăn, đồ uống, thuốc chữa bệnh…giả, kém chất lượng khiến cho các loại bệnh nguy hiểm càng có cơ hội “nẩy nở”, phát triển trong cơ thể những khách hàng nhẹ dạ, kém hiểu biết và ham rẻ.

      Để đấu tranh có hiệu quả đối với nạn hàng giả một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho thương nhân cũng như thường xuyên hướng dẫn nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Thực hiện Kế hoạch số 520/KH - QLTT, ngày 25/12/2017 của Chi cục quản lý thị trường tỉnh Yên Bái, Kế hoạch công tác năm 2018 và triển khai thực hiện Kế hoạch số 07/KH - QLTT, ngày 05/9/2018 của Đội quản lý thị trường số 6 về tuyên truyền, hướng dẫn phân biệt hàng thật, hàng giả và hàng kém chất lượng trên địa bàn huyện Lục Yên năm 2018, Đội quản lý thị trường số 6 phối hợp cùng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Yên Bái triển khai tuyên truyền pháp luật và hướng dẫn người tiêu dùng trên địa bàn huyện Lục Yên cách nhận biết và phân biệt hàng thật, hàng giả của một số sản phẩm tiêu dùng hàng ngày trên thị trường thường bị làm giả.           

Hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính…

Chống hàng giả, hàng nhái không chỉ là công tác của riêng các cơ quan quản lý Nhà nước hay của riêng ai, mỗi một doanh nghiệp, người tiêu dùng cần phải chung tay và tìm mọi cách để thực hiện công tác này. Có như vậy, thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp mới được bảo vệ, quyền lợi người tiêu dùng mới được đảm bảo. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Không tiếp tay, không  buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng”, việc này không chỉ là bảo vệ quyền lợi của mình mà còn chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước. Mọi người dân đều có ý thức chung tay với các cơ quan chức năng trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì vấn nạn hàng giả sẽ bị đẩy lùi và góp phần tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát cùng như đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng./.

Nguồn: Chi cục QLTT

Tin liên quan