Bạn đang ở đây

Đà Nẵng: Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua QR code

13/11/2018 09:15:02

Chương trình được thực hiện dựa trên ý tưởng của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng nhằm tăng cường kiểm soát và đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là tại các chợ truyền thống.

da nang day manh truy xuat nguon goc thuc pham qua qr code
Khách hàng quét mã QR code tại quầy hàng nem chả tiểu thương Lệ Thu

Đề án thí điểm dán tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm (QR code) do Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng phối hợp với VNPT Đà Nẵng thực hiện, được triển khai tại chợ Hàn từ ngày 1/10/2018 đến 31/12/2018. 76 tiểu thương ngành hàng thực phẩm gồm gia vị, công nghệ phẩm, mắm, nem, chả tham gia thí điểm dán tem QR code để khách hàng truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

VNPT Đà Nẵng đã cung cấp và kích hoạt 1 triệu tem QR code cho đề án dựa trên những thông tin về sản phẩm thí điểm do các hộ tiểu thương tham gia chương trình cung cấp như tên sản phẩm, tên thương hiệu (quầy hàng), số điện thoại, địa chỉ, giấy phép kinh doanh (nếu có), thành phần của sản phẩm, ngày sản xuất và hạn sử dụng... Kinh phí thực hiện thí điểm đề án do ngân sách thành phố hỗ trợ.

Ông Hoàng Trung Thượng Đức – Phó Ban Quản lý Chợ Hàn cho biết, trước khi thực hiện dán tem QR code, các hộ tiểu thương đã được tập huấn về chương trình, trong đó, được cung cấp đầy đủ thông tin bao gồm lợi ích của việc dán tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với khách hàng và tiểu thương. Sau khi biết được những tác dụng của việc dán tem, các hộ tiểu thương đã nhiệt tình hưởng ứng chương trình.

Tiểu thương Trần Thị Lệ Thu (quầy hàng nem chả, số 197, chợ Hàn) hào hứng chia sẻ: "Sản phẩm của tôi được đăng ký dán QR code gồm chả bò và chả heo. Từ hôm triển khai đến giờ, tôi đã dán được gần 3 bìa (tương đương khoảng hơn 200 tem). Vì mới triển khai nên mới có ít khách hàng truy xuất nguồn gốc qua tem. Hiện tại, khách hàng nào đến mua hàng tôi cũng giải thích cho họ biết, một số thực hiện quét mã ngay và thích thú với kết quả, một số khác thì nói họ sẽ yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm khi có dán tem”. Tiểu thương này cho biết thêm, sau khi chương trình kết thúc vẫn sẽ thực hiện dán tem QR code bằng kinh phí của mình, bởi nó thực sự hữu ích, làm tăng tính cạnh tranh cũng như đảm bảo uy tín sản phẩm, thương hiệu.

Theo ông Lê Ngọc Thanh – Giám đốc Công ty Hội chợ Triển lãm và các chợ Đà Nẵng, ở góc độ quản lý, đặc biệt là quản lý an toàn thực phẩm và chất lượng hàng hóa, việc dán tem QR code là rất cần thiết. Việc dán tem QR code cũng sẽ góp phần tăng thêm ý thức, trách nhiệm của người kinh doanh. Về phần khách hàng, khi sản phẩm có dán tem QR code cũng sẽ tin tưởng hơn, nhất là đảm bảo không mua phải hàng giả. Đây cũng là một "điểm cộng" cho chợ truyền thống trong cuộc cạnh tranh với các trung tâm thương mại bán lẻ hiện đại như siêu thị. "Về lâu dài, trong xu thế chợ truyền thống buộc phải phát triển hiện đại hơn, Ban Quản lý các chợ sẽ vận động các hộ kinh doanh thay đổi nhận thức và bỏ kinh phí để dán tem sản phẩm" - ông Lê Ngọc Thanh cho hay.

Ông Nguyễn Văn Trừ - Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường, Sở Công Thương Đà Nẵng chia sẻ, khi kết thúc thí điểm, Sở Công Thương sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả thực hiện, từ đó, sẽ xem xét có nhân rộng hay không nhân rộng đến các chợ truyền thống khác trên địa bàn. Trong trường hợp kết quả khả thi, Sở Công Thương sẽ tham mưu cho UBND thành phố đưa việc dán tem QR code trở thành một trong những điều kiện kinh doanh thực phẩm.

Nguồn: Báo Công Thương

Tin liên quan