You are here

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ - Tài sản vô hình của doanh nghiệp

Tài sản vô hình này ngày càng khẳng định vai trò là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị của doanh nghiệp và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Ngày nay tài sản vô hình chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Khi đã thực sự là thành viên WTO và đang trong quá trình hội nhập sâu và rộng, khi hàng rào thuế quan dần được rỡ bỏ, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có một chiến lược phát triển thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Một chiến lược phát triển phù hợp và hệ thống quản lý hữu hiệu về sở hữu trí tuệ sẽ giúp các doanh nghiệp có được sản phẩm có tính cạnh tranh cao lại tiết kiệm chi phí và kịp thời ngăn chặn việc sao chép nhãn mác, làm nhái sản phẩm...
Tuy lượng đăng ký về quyền sở hữu trí tuệ tăng khá nhanh nhất là khi nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới: Năm 2000 có quãng 10.000 nhãn hiệu đăng ký, năm 2005 trên 20.000 nhãn hiệu được đăng ký. Lượng sáng chế và kiểu dáng công nghiệp cũng tăng hơn. Đặc biệt, số nhãn hiệu tăng hơn 25%/năm so với trước đây, các nhãn hiệu của nước ngoài trước chiếm áp đảo khoảng 70% đến 80% thì hiện giờ ngang nhau. Điều này chứng tỏ ý thức của doanh nghiệp về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, việc đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chưa được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, vẫn có khá nhiều doanh nghiệp chưa thực sự am hiểu những quy định về việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Doanh nghiệp cần biết rằng thủ tục đăng ký nhãn hiệu đơn giản, nhưng thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp phức tạp hơn và phức tạp nhất là đăng ký sáng chế vì nó liên quan đến cấu tạo sản phẩm, phương pháp sản xuất. Nói chung, đối với nhãn hiệu, kiểu dáng sản phẩm, doanh nghiệp có thể thực hiện tốt khi liên hệ với Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, nơi có Phòng Đăng ký sẵn sàng cung cấp mẫu biểu, tờ khai. (Doanh nghiệp có thể tham khảo những thông tin chi tiết trên website của Cục Sở hữu trí tuệ http//:www.noip.gov.vn). Doanh nghiệp chỉ cần nộp 1 lần đơn, lệ phí đăng ký nhãn hiệu không cao chỉ chưa tới 1 triệu đồng cho 1 nhóm sản phẩm.
Thủ tục đăng ký về quyền sở hữu trí tuệ được đơn giản, ví dụ trước đây quy định đăng ký 1 sáng chế mất 18 tháng, nay còn 12 tháng; 1 kiểu dáng công nghiệp 12 tháng, nay còn khoảng 9 tháng. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì đăng ký nhãn hiệu sở hữu trí tuệ cũng từ 12 tháng còn 9 tháng. Đây là một cố gắng nhưng có thể chưa thật thoả mãn người đăng ký nhưng vì Việt Nam còn là thành viên của một loạt thoả ước quốc tế nên việc cấp nhanh hơn rất khó khăn. Sở dĩ việc đăng ký mất thời gian lâu vì ta là thành viên của Công ước Pari về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nên phải chờ 6 tháng để doanh nghiệp các nước khác nộp đơn xin đăng ký vào Việt Nam.
Không chỉ đảm bảo chắc phần thắng trên sân nhà, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đăng ký ở những nước khác để bảo hộ cho sản phẩm của mình. Với các nước mà Việt Nam là thành viên của Thoả ước Madrid thì các doanh nghiệp chỉ cần nộp qua Cục Sở hữu Trí tuệ. Đăng ký theo Thoả ước Madrid thì chỉ với 1000 USD, doanh nghiệp đã có thể đăng ký bảo hộ cho sản phẩm của mình tại 10 nước có tham gia thỏa ước này. Thỏa ước này không bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông, ASEAN, Anh nên khi đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại những nước này, doanh nghiệp phải đăng ký trực tiếp và thường thì sử dụng các đại diện sở hữu công nghiệp để làm thay. Ví dụ, doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Mỹ thì phải có đại diện sở hữu công nghiệp, tốn tiền lệ phí quốc gia khoảng vài trăm USD cho một nhóm sản phẩm cộng thêm lệ phí dịch vụ của các hãng đại diện khoảng trên dưới 1000 USD cho 1 nhóm sản phẩm. Rõ ràng với cách này, doanh nghiệp sẽ phải tốn phí hơn qua Thoả ước Madrid nhưng do nhu cầu bảo hộ nhãn hiệu, hàng hoá thì doanh nghiệp vẫn phải làm. Tình hình đăng ký cũng khá hơn, năm vừa rồi, doanh nghiệp Việt Nam đăng ký qua Thỏa ước Madrid tăng hơn 50%.
Bảo vệ những tài sản trí tuệ của mình không chỉ bằng việc đăng ký bảo hộ, dán tem chống hàng giả, quản lý tốt hệ thống phân phối, một chuyên gia về lĩnh vực quản lý thị trường cho rằng các doanh nghiệp phải chủ động phối hợp với các cơ quan thực thi. ở Hoa Kỳ, để bảo vệ quyền lợi cho mình, các công ty đều có những bộ phận riêng hoặc thuê các công ty luật, công ty thám tử tư để bảo vệ bản quyền cho mình. Trong trường hợp bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, các công ty đều có hình thức phối hợp về phương tiện, hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng thực thi. Đương nhiên, chiêu thức này còn phụ thuộc vào khả năng tài chính, quy mô của doanh nghiệp nhưng cũng đã có những công ty ở Việt Nam áp dụng cách này để bảo vệ những đứa con tinh thần của mình. Ngoài ra, các tổ chức hiệp hội như Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, Hội Sở hữu Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam là những tổ chức phi chính phủ đóng vai trò tích cực trong đấu tranh chống hàng giả vi phạm sở hữu trí tuệ.
Trong thực tế, thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam thường được thông qua các quy định về xử lý hành chính hơn là kiện cáo trước tòa do cách này dễ thực hiện, nhanh chóng về thủ tục và ít tốn kém dù nó có một nhược điểm là tính răn đe và hiệu quả chưa cao. Thêm nữa, doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý “né tránh”, ngại kiện cáo trong khi thủ tục tố tụng về sở hữu trí tuệ còn thiếu càng làm cho số vụ tranh chấp giải quyết qua con đường tòa án ít đi. Cho nên, cùng với nỗ lực của các ngành chức năng, doanh nghiệp cũng cần có thói quen bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình qua con đường tố tụng bởi đây là cách giải quyết triệt để.
Vietnamese