You are here

Để vụ chè xuân thắng lợi

09/03/2015 13:07:42

Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu sản lượng búp tươi đạt trên 90.000 tấn, chế biến và tiêu thụ trên 25.000 tấn chè thành phẩm. Với diện tích trên 12.000ha chè kinh doanh và có trên 2.500ha đã trồng cải tạo, thay thế bằng giống chè lai, chè nhập nội, những mục tiêu đó không phải quá khó. Tuy ngành nông nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp và không ít nhóm hộ, hộ nông dân đã và đang nỗ lực sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP cũng như việc đầu tư dây chuyền máy móc, đổi mới công nghệ chế biến nhưng để có một vụ chè giành thắng lợi toàn diện, đòi hỏi bà con nông dân, doanh nghiệp cần tích cực đầu tư thâm canh ngay từ những lứa chè xuân này bởi vụ xuân thời tiết ấm dần lên, cây chè sau kỳ “ngủ đông” cũng bắt đầu phát triển mạnh, cùng với đó là cỏ mọc rất nhanh.

Để bảo đảm dinh dưỡng cho chè phát triển, bà con phải trừ cỏ dại ngay từ đầu bằng cách xới, nhổ cỏ quanh gốc chè. Bên cạnh đó, bà con cũng cần cuốc sâu giữa hai hàng chè để cho đất tơi xốp và giữ ẩm; phát quang bụi rậm ở đường ven lô, ven đồi nhằm hạn chế sự trú ngụ và phát sinh, phát triển sâu bệnh; bón phân cân đối, phù hợp với tuổi của chè, đặc biệt cần bón đủ lượng phân hữu cơ bằng cách rạch hàng rồi vùi phân theo gốc chè. Một yếu tố rất quan trọng nữa, bà con cần thu hái lứa chè vụ xuân bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, chỉ thu hái những búp đủ tiêu chuẩn (búp có từ 4 - 5 lá thật) và nương chè có trên 30% búp đạt tiêu chuẩn. Khi hái thực hiện theo đúng công thức (một tôm, hai lá, một cá, hai chừa), đồng thời hái san trật để cây vừa phát triển tốt vừa tạo tán cho chè. Đặc biệt, bà con không được hái bằng dao, liềm hay hái máy đối với lứa chè vụ xuân vì sẽ vừa ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và quá trình sinh trưởng, phát triển những lứa chè sau, sản lượng giảm, chè nhanh cỗi.

Để tạo tán thích hợp cho hái máy trong chính vụ, vụ sau hái bằng tay và cách vết đốn từ 12 - 15cm, sau đó, sửa tán bằng máy để chè sinh trường phát triển đều. Bên cạnh việc bón phân bảo đảm, thu hái đúng kỹ thuật, bà con cũng như doanh nghiệp cần chú trọng đến phòng trừ các bệnh phồng lá, rầy xanh, bọ cánh tơ...

Để phát hiện kịp thời, bà con cần tích cực thăm, kiểm tra để phát hiện sớm và có biện pháp xử lý triệt để. Chè là đồ uống phục vụ con người nên trong phòng trừ sâu bệnh chỉ được sử dụng các loại thuốc trong danh mục cho phép sử dụng khi thực sự cần thiết, tuyệt đối không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vừa ảnh hưởng trực tiếp cho người nông dân lại ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, làm giảm giá trị sản phẩm, môi trường sống bị hủy hoại. Các doanh nghiệp chế biến cũng đã bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, đổi mới công nghệ chế biến, tích cực tìm kiếm bạn hàng, hứa hẹn một năm sản xuất kinh doanh chè giành thắng lợi toàn diện.

Theo YBĐT