Bạn đang ở đây

Làm thế nào để nhận biết mũ bảo hiểm hợp quy?

Ông Nguyễn Minh Đăng: Để nhận biết mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đã được cơ quan chức năng chứng nhận và cho lưu thông trên thị trường thì căn cứ dấu hợp quy (dấu CR) được gắn trên mũ.

Vậy một số mũ bảo hiểm mua ở nước ngoài mang về Việt Nam theo diện "hàng xách tay" nhãn hiệu: HJC, AVG, SHOEI, NOLAN, ARAI, SCORPION... đạt chuẩn quốc tế nhưng không có tem CR thì làm thế nào để cơ quan chức năng xác định đây là mũ bảo hiểm “xịn”?

Phó Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh: Một trong những điều cần làm rõ ở đây là MBH theo diện “hàng xách tay” đạt chuẩn quốc tế là chuẩn nào? Tiêu chuẩn quốc tế thì có nhiều dạng tiêu chuẩn và có thể không tương đương Quy chuẩn Việt Nam về MBH.

Về nguyên tắc, MBH phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của QCVN 2 hay gọi tắt là MBH hợp quy. Việc đội MBH xách tay có thể không đảm bảo chất lượng, không bảo vệ được “cái đầu” của người sử dụng. Do đó, khuyến khích người tiêu dùng nên sử dụng MBH hợp quy.

Tuy nhiên, nếu MBH mua từ nước ngoài về Việt Nam là hành lý cá nhân, hàng hóa ngoại giao, hàng triển lãm hội chợ, quà biếu thì không thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Khi sử dụng cũng không phải kiểm tra chất lượng. Người mua tự chịu trách nhiệm về chất lượng MBH mà mình mua.

Trường hợp người mua về muốn đánh giá  chất lượng theo QCVN2:2008/BKHCN thì gửi đến tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định để đánh giá. 

Trường hợp nhập khẩu hoặc mua MBH từ nước ngoài về để kinh doanh thì phải thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 27/2012/TT- BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

MBH nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng nhập khẩu phù hợp QCVN 2:2008/BKHCN.

Người tiêu dùng khi mua cần quan tâm là mua MBH có gắn dấu hợp quy, có nhãn mác đầy đủ, MBH của cơ sở có uy tín và đặc biệt không mua MBH bán rong, trên vỉa hè...

Bà Mai Thọ Xuân: Những mũ hợp quy đều được gắn tem hợp quy (tem CR). Vậy làm thế nào để nhận biết tem hợp quy đó là thật hay giả?

Phó Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh: Hiện nay, một số phương tiện truyền thông đưa tin không chính xác về vấn đề này. Không có khái niệm tem hợp quy giả vì đây chỉ là dấu hiệu để người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh và cơ quan quản lý nhận biết loại hàng hóa phải hợp quy.

Dấu hợp quy CR sẽ do tổ chức chứng nhận  được chỉ định hướng dẫn cơ sở sản xuất MBH sau khi thực hiện chứng nhận hợp quy và dấu CR do cơ sở tự in, gắn lên MBH và chịu trách nhiệm trước nhà nước và người tiêu dùng.

Người tiêu dùng khi mua cần quan tâm là mua MBH có  gắn dấu hợp quy, có nhãn mác đầy đủ, MBH của cơ sở có uy tín và đặc biệt không mua MBH bán rong, trên vỉa hè...

Việc nhà sản xuất, người bán MBH không gắn dấu hợp quy là vi phạm và không đảm bảo chất lượng hoặc cố tình gắn dấu hợp quy đối với mũ không phải là MBH, MBH không được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy thì sẽ bị chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hành vi này được gọi là “giả mạo chứng nhận hợp quy” và sẽ bị các cơ quan quản lý nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật.

Bà Trần Họa My: Trước đây, khi mới bắt buộc đội mũ bảo hiểm, mũ không có nhiều hình dáng và rất dễ phân biệt. Nhưng hiện nay có nhiều loại mũ có hình dáng giống mũ bảo hiểm, mũ giả, mũ không đúng tiêu chuẩn. Vậy người dân làm thế nào để nhận biết mũ bảo hiểm đạt chuẩn bằng mắt thường?

Phó Tổng cục trưởng Trần Văn VinhNhư đã nói ở trên, không nên dùng khái niệm MBH đạt chuẩn, nên gọi là MBH hợp quy. Người tiêu dùng có thể căn cứ vào những dấu hiệu trực quan sau để nhận biết và lựa chọn MBH hợp quy:

- Cấu tạo: Kết cấu của MBH phải có đủ 3 bộ phận là vỏ mũ (phần vỏ bên ngoài có tác dụng ngăn chặn các va đập trực tiếp vào đầu người đội);

Đệm hấp thụ xung động (hay còn gọi là đệm bảo vệ) bên trong vỏ mũ (phải đủ rắn chắc, có tác dụng làm giảm chấn động tới đầu người đội);

Quai đeo (phải đủ bền chắc, có tác dụng giữ chắc mũ vào đầu người đội).

- Bề mặt phía ngoài của vỏ  mũ và các bộ phận lắp vào mũ phải nhẵn, không có vết nứt, không có gờ và cạnh nhọn, sắc. Đầu đinh tán, bu lông không được cao hơn 2 mm so với bề mặt phía ngoài của vỏ mũ.

- Nhãn mũ: Phải có đầy đủ các thông tin như: tên sản phẩm là “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”; tên và địa chỉ cơ sở sản xuất (hoặc tên và địa chỉ cơ sở nhập khẩu, xuất xứ - trong trường hợp là mũ nhập khẩu); cỡ mũ; tháng, năm sản xuất; dấu hợp quy CR.

- MBH đội phải vừa đầu, đảm bảo góc nhìn và đảm bảo phạm vi che phủ theo từng loại mũ.

Để mua đúng MBH hợp quy

Ông Nguyễn Thuận: Trên thị trường hiện nay có nhiều loại MBH mang nhiều nhãn hiệu khác nhau. Người mua thì chủ yếu chỉ chọn theo sở thích, mẫu mã chứ cũng không thể biết được chất lượng thật sự ra sao. Làm thế nào  để biết loại mũ bảo hiểm mang nhãn hiệu nào của doanh nghiệp nào đã được kiểm soát về chất lượng theo quy định hiện hành?

Phó Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh: Tổng cục đã công bố Danh sách các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu MBH được chứng nhận hợp quy kèm theo nhãn mũ trên trang thông tin điện tử tại website: www.tcvn.gov.vn để người tiêu dùng có thể truy cập vào đó biết và lựa chọn mua sử dụng.

Bà Nguyễn Thị  Ngân Hà: MBH sử dụng lâu có còn đảm bảo chất lượng? Người sử dụng MBH sau thời gian bao lâu phải thay mũ mới? Trong trường hợp MBH bị mất tem thì căn cứ vào đâu để khẳng định MBH hợp quy?

Phó Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh: Hiện nay MBH không quy định hạn sử dụng mà chỉ quy định ghi tháng năm sản xuất. Do đó, người tiêu dùng tự xác định thời gian cần thiết để thay mũ mới phù hợp quy chuẩn.

Tuy nhiên, sau một thời gian đội mũ, khuyến cáo khoảng từ 3-5 năm, người đội cũng nên đổi MBH mới. Vì không có hàng hóa nào sử dụng hàng ngày mà không bị suy giảm về chất lượng.

Hiện nay không có quy định xử phạt người đội MBH phải có tem. Tuy nhiên, cũng xin khuyến cáo người dân không nên mua MBH không có tem hoặc mất tem. Vì trách nhiệm bán MBH có tem là trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh. Nếu không có tem hoặc mất tem có nghĩa là họ đã vi phạm quy định.

Để đánh giá chính xác là MBH có hợp quy hay không, MBH phải được thử nghiệm theo các yêu cầu của QCVN 2. Chi phí này rất lớn so với giá trị 1 chiếc mũ. Do đó, không khuyến khích người dân đi kiểm tra chất lượng mũ. Đây là việc làm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan nhà nước sẽ lấy mẫu MBH trên thị trường để đem đi thử nghiệm ở các phòng thử nghiệm uy tín, được chỉ định để đánh giá chất lượng MBH.

Đơn vị nào sản xuất, kinh doanh MBH không đảm bảo chất lượng, có hành vi sản xuất, kinh doanh mũ giả mạo MBH sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng cảm ơn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có thông tin trả lời công dân.

Theo: chinhphu.vn

Tiêu đề: 
Làm thế nào để nhận biết mũ bảo hiểm hợp quy?
Ảnh đại diện: