Bạn đang ở đây

Yên Bái: Xuất khẩu tạo điểm sáng trong bức tranh kinh tế

10/05/2018 10:33:12
 

Nhóm hàng may mặc có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ quý I/2017.

Hoạt động trong tình hình kinh tế đất nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, cùng với sự quyết tâm, chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp nên hoạt động xuất khẩu vẫn được duy trì và tăng trưởng. 

Theo báo cáo của Sở Công Thương, tròn quý I, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 27,95 triệu USD đạt 23,3% kế hoạch tỉnh giao, tăng 17,36% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 15,54% triệu USD, chiếm tỷ trọng 55,6% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. 

Nhóm ngành hàng nông lâm sản, nông lâm sản chế biến đạt 4,95 triệu USD, chiếm tỷ trọng 17,7%. Nhóm ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản đạt 8,71 triệu USD, chiếm tỷ trọng 31,2%, tăng 13% so với cùng kỳ. 

Nhóm công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến khác đạt 14,29 triệu USD, chiếm tỷ trọng 51,1%, tăng 56,9% so với cùng kỳ. 

Một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng khá trong quý I như Công ty liên doanh cacbonnat YBB đạt 0,4 triệu USD, tăng 44,9% so với cùng kỳ; Công TNHH Thương mại và Đầu tư Yên Bình đạt 1,79 triệu USD, bằng 33,5% kế hoạch, tăng 17,4% so với cùng kỳ; Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF đạt kim ngạch 5,58 triệu USD, bằng 31,7% kế hoạch, tăng 56,4% so với cùng kỳ; Công ty TNHH Deaseung Global đạt kim ngạch 3,78 triệu USD, bằng 37,8% kế hoạch, tăng 45,5% so với cùng kỳ…

Từ đầu năm 2018 đến nay, thị trường xuất khẩu của tỉnh đã phát triển và mở rộng. Hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đã có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, khoảng 65,8% hàng hóa xuất khẩu được xuất sang thị trường Châu Á với nhóm hàng chính là khoáng sản, nông, lâm sản. Các nhóm hàng này được xuất sang thị trường Ấn Độ chiếm tỷ trọng 24,6%, Đài Loan, chiếm 10,8%, tiếp đến là Hàn Quốc, Trung Quốc... 

Ngoài ra là các thị trường như: Nga, Anh, Ý, Bangladesh, Hồng Kông, đặc biệt, thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu mới và có nhiều tiềm năng trở thành một trong những thị trường chính của tỉnh với nhóm hàng may mặc và đá xây dựng chiếm tỷ trọng 24,2%. 

Theo đánh giá của ngành chuyên môn thì so với năm 2010, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng khoáng sản tăng từ 39% lên trên 50% vào năm 2015, nhưng hiện nay đang có xu hướng giảm xuống còn 36,5%, nhóm công nghiệp nhẹ tăng từ 17% lên mức 38,4%, nhóm nông sản giảm từ 36% xuống 9,8%, nhóm lâm sản chiếm tỷ trọng nhỏ và có xu hướng tăng/giảm không ổn định qua các năm, hiện nay đang có tỷ trọng cao hơn nhóm nông sản, chiếm 15,2%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tăng trưởng xuất khẩu hiện nay chủ yếu do tăng trưởng về quy mô, cơ cấu hàng xuất khẩu mặc dù có sự chuyển dịch nhưng vẫn còn chậm, tỷ trọng nguyên liệu thô, hàng chưa chế biến hoặc mới qua sơ chế, hàng gia công còn chiếm tỷ trọng lớn; sản lượng cung cấp của nhiều doanh nghiệp không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà nhập khẩu lớn nên chủ yếu phải bán hàng qua trung gian; nhiều mặt hàng nông sản, rau quả có thế mạnh chưa xuất khẩu được; nhiều mặt hàng vẫn chỉ có một thị trường xuất khẩu. 

Hiện nay, chúng ta chưa có những mặt hàng xuất khẩu có thương hiệu riêng. Do vậy, tuy có nhiều sản phẩm có lượng xuất khẩu nhiều nhưng giá trị gia tăng lại không lớn. Rất ít doanh nghiệp có kênh bán hàng xuất khẩu riêng và đầu tư vào các kênh xúc tiến bán hàng xuất khẩu, chủ yếu chỉ liên hệ với một vài đối tác truyền thống. 

Đặc biệt, sự phụ thuộc vào một thị trường, một vài đối tác nhập khẩu, dẫn đến giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm sản thực phẩm bị ép giá...

Theo dự báo tình hình xuất khẩu trong thời gian tới của Sở Công Thương thì hoạt động xuất khẩu sẽ có khởi sắc do nhóm hàng khai thác và chế biến khoáng sản hiện có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia xuất khẩu nhóm hàng đá CaCO3 bột, một số doanh nghiệp chính xuất khẩu mặt hàng này đã tìm kiếm được khách hàng mới, nhóm đá marble tiếp tục xuất khẩu, vì vậy, dự báo nhóm khoáng sản trong quý II sẽ tăng trưởng nhẹ và sẽ tăng mạnh vào quý IV. 

Nhóm ngành công nghiệp nhẹ khác như may mặc cơ bản xuất khẩu ổn định; nhóm hạt nhựa phụ gia cũng giữ ổn định. Đặc biệt, hiện nay đồng USD tăng giá cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng này. 

Do vậy, từ giờ đến cuối năm 2018, nhóm hàng công nghiệp nhẹ sẽ có sự tăng trưởng bứt phá. Đặc biệt, đến quý III, IV vào vụ mùa một số sản phẩm nông sản như: sắn, quế, kết hợp với xuất khẩu đá xây dựng dự báo hoạt động xuất khẩu sẽ khả quan hơn, do đó, kỳ vọng xuất khẩu năm 2018 đạt 130 triệu USD, vượt 8,3% kế hoạch, tăng 23% so với cùng kỳ sẽ đạt được.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành công thương đã triển khai một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng của nhóm sản phẩm thô và sơ chế, tăng nhanh tỷ trọng của nhóm sản phẩm chế biến, chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Ưu tiên phát triển ứng dụng khoa học, kỹ thuật và ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao để tăng nguồn hàng xuất khẩu có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. 

Tiếp tục khai thác mở rộng thị trường thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu đặc biệt là xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. 

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia nhằm đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa thương mại điện tử vào sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.

Đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm đi đôi với chú trọng xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm, phát triển nhãn hiệu sản phẩm, cải tiến chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm. 

Xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa doanh nghiệp sản xuất chế biến xuất khẩu với khu vực cung cấp nguyên liệu, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và xuất khẩu; tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức về các hiệp định thương mại mới, về những thay đổi trong chính sách, để kịp thời nắm bắt, tận dụng ưu đãi khi tham gia các hiệp định thương mại.

Tập trung hỗ trợ vốn cho xuất khẩu, cùng với gia tăng các chính sách tín dụng tiền tệ của trung ương và của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, các dự án trong cụm, khu công nghiệp, hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính, tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Ngành công thương cũng đã đưa ra giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu đối với từng mặt hàng cụ thể. Đối với nhóm hàng khoáng sản cần đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ để tăng số lượng, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; ưu tiên vốn, đất đai, tài nguyên cho các doanh nghiệp có dự án chế biến sâu, có công nghệ hiện đại, tiết kiệm nguyên liệu... 

Đối với mặt hàng chè cần có giải pháp hỗ trợ vốn đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có năng suất, chất lượng cao; hỗ trợ người dân vùng nguyên liệu gắn bó với sản xuất; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình thu mua, sản xuất chè không bảo đảm chất lượng. 

Đối với mặt hành giấy vàng mã, cần tăng tỷ trọng sản lượng giấy vàng mã xuất khẩu trong tổng sản lượng giấy đế. Đối với mặt hàng tinh bột sắn, cần tiếp tục củng cố và duy trì vùng nguyên liệu, tập trung vào thâm canh để tạo nguồn nguyên liệu ổn định; cần thâm nhập thêm thị trường mới. Đối với mặt hàng tinh dầu quế, vỏ quế tập trung đổi mới công nghệ; đẩy mạnh hoạt động giao dịch, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các kênh trong nước và quốc tế...

Với những giải pháp trên, cùng sự  quyết tâm cao của các ngành chức năng cùng cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu thời gian tới sẽ tạo điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của toàn tỉnh. 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái

Tin liên quan