Bạn đang ở đây

Yên Bái: Quy hoạch tổng thể hệ thống cụm công nghiệp tầm nhìn 2020

31/08/2011 16:36:54
Yên Bái là một tỉnh miền núi, lại nằm sâu trong nội địa, nhưng có tiềm năng và nguồn nhân lực lao động dồi dào. Đến nay toàn tỉnh có trên 109 nghìn ha đất chưa sử dụng; trên 557 ngàn ha đất nông nghiệp, 52 nghìn ha đất phi nông nghiệp. Ngoài ra còn có một hệ thống sông, suối, ao hồ phong phú phục vụ cho giao thông đường thủy, nước sinh hoạt, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và là nguồn thủy năng vô cùng quý giá để xây dựng các nhà máy thủy điện. 
 
Tài nguyên rừng có trữ lượng lớn, phong phú về chủng loại, trên 200 ngàn ha rừng sản xuất, 234 rừng phòng hộ, 26.369 ngàn ha rừng đặc dụng. Mỗi năm khai thác tiêu thụ 200 ngàn m3 gỗ, 200 ngàn tấn tre, vầu, nứa… bình quân hàng năm trồng mới trên 13 ngàn ha rừng. 
 
Tiềm năng về khoáng sản cũng như trữ lượng lớn, toàn tỉnh có 257 điểm mỏ và điểm quặng (than, đá quý, đất hiếm, kim loại và đa kim loại), chú ý hơn là vùng đá vôi trắng dùng làm khoáng chất công nghiệp và đá mỹ nghệ. Bên cạnh, Yên Bái còn có nguồn nhân lực, lao động dồi dào, số người trong độ tuổi lao động là 429 nghìn người, chiếm 57,3% dân số, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 250 nghìn người và mỗi năm tăng thêm 7 nghìn người. 
 
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân những năm gần đây luôn đạt 12% năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Nếu như tổng sản phẩm GDP (tính theo giá so sánh 1994) năm 2005 mới đạt 2.112 tỷ đồng, thì năm 2008 đã đạt gần 2.951 tỷ đồng.
 
 
Yên Bái đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khá đặc thù cho phát triển nông - lâm nghiệp, chăn nuôi thủy sản và thu hút đầu tư trên địa bàn có bước phát triển khá, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Hết năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt trên 1,700 tỷ đồng, năng lực sản xuất công nghiệp tăng đáng kể, cả về quy mô đến trình độ công nghệ. 
 
Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, nên nhiều tiềm năng và nguồn nhân lực chưa được khai thác, phát huy ngang tầm yêu cầu của phát triển. 
   
 
Để đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì việc hình thành các khu, cụm công nghiệp và thu hút đầu tư sẽ là một bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo. Cùng với đó là khai thác tiềm năng, đáp ứng nhu cầu mở rộng mặt bằng các cơ sở sản xuất công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư; gắn sản xuất công nghiệp với vùng nguyên liệu tập trung, lao động và thị trường, góp phần phát triển bền vững. 
 
Ngày 18/5/2009, UBND tỉnh Yên Bái đã chính thức phê duyệt Dự án Quy hoạch tổng thể hệ thống, cụm công nghiệp giai đoạn 2008 - 2015, định hướng đến năm 2020. Đây là một dự án có tính quy hoạch cao và quy mô nhất, dài hơi nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực công nghiệp. 
 
Xây dựng, hình thành hệ thống các khu, cụm công nghiệp với quy mô hợp lý tại các vùng có tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp gắn với việc hình thành phát triển các đô thị, các khu dân cư và các vùng kinh tế trọng điểm. Mục tiêu đến năm 2020, Yên Bái có 24 khu, cụm công nghiệp (3 khu công nghiệp quốc gia, 19 cụm công nghiệp) tổng diện tích đất dành cho quy hoạch 2.282 ha. Tổng vốn đầu tư cho quy hoạch trên 3 nghìn tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án từ năm 2008.  
   
 
Rõ ràng việc xây dựng, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp là rất cần thiết và được đánh giá cao, tầm nhìn xa. Tuy nhiên, để việc xây dựng các cụm, khu công nghiệp hiệu quả, thu hút các thành phần kinh tế vào đầu tư phát triển, đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành và sự ủng hộ cao của nhân dân. Song song với xây dựng thì việc quản lý, bố trí cho phát triển cũng phải được chú trọng. Vấn đề xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và xây dựng vùng nguyên liệu lâu dài cần được tích toán kỹ lưỡng.
 
 
Theo báo YBĐT

Tin liên quan