Bạn đang ở đây

Yên Bái: Giá lợn hơi giảm, người chăn nuôi khó khăn

17/01/2017 14:34:32
Thời điểm hiện tại, giá chỉ còn 25.000 - 27.000 đồng/kg, người chăn nuôi đang rất khó khăn trong tiêu thụ.
Anh Đinh Văn Hội ngao ngán nhìn đàn lợn đến kỳ xuất chuồng mà không bán được.

Giá lợn hơi giảm mạnh khiến nhiều trang trại chăn nuôi lợn rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ông Nguyễn Văn Binh ở thôn Lương Thịnh 3, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái là một hộ chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn đã nhiều năm cho biết: "Mỗi tháng nhà tôi xuất từ 8 tạ - 1 tấn lợn. 3 tháng qua, giá xuống thấp nhưng vẫn phải bán. Vừa rồi, còn 18 con lợn, mỗi con trên 1,2 tạ định để đến tết xem giá có lên không, nhưng không trụ được vì giá càng ngày càng xuống mà mỗi ngày lợn ăn hết tiền triệu nên tôi phải gọi người đến mua. Nói bán, nhưng đâu phải bán ngay được đâu. Gọi mãi mà cũng chẳng có thương lái nào mua cho. Cũng may là lợn loại 1 nên nhờ anh em thợ mổ bắt hộ mà cũng chỉ được giá 28.000 đồng/kg".

Giá lợn hơi giảm mạnh trong khi giá thức ăn chăn nuôi, giá lợn giống không giảm. Qua tìm hiểu, được biết, giá lợn giống hiện nay trên 100.000 đồng/kg, chi phí cho con giống loại từ 15 kg/con đã lên tới 1.500.000 đồng, cộng với chi phí thức ăn, thuốc thú y khoảng 2,8 triệu đồng đã đưa giá thành chăn nuôi lợn lên trên 4,3 triệu đồng/tạ. Với giá lợn hiện nay, người chăn nuôi thu về 2,5 - 2,8 triệu đồng, do đó, sau khi trừ tất cả chi phí, người nuôi lỗ trên 1,5 triệu đồng/tạ.

Đầu năm 2016, giá lợn hơi duy trì ở mức trên 50.000 đồng/kg, nên người chăn nuôi thắng lớn. Đến cuối năm, giá lợn giảm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg khiến người nuôi lỗ nặng. Theo nhiều người chăn nuôi, chưa bao giờ giá lợn lại xuống thấp như bây giờ.

Mọi năm cũng có thời  điểm giá lợn giảm nhưng không nhiều, chỉ 3 - 5 nghìn và sau 1 tuần hay chục ngày là giá tăng trở lại nên nuôi lợn không bị lỗ, cùng lắm là hòa. Nhưng đã 3 tháng nay, giá lợn giảm mạnh mà vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

“Nguyên nhân khiến giá lợn giảm có thể do thị trường Trung Quốc ngừng thu mua làm số lượng lợn tồn đọng trong dân rất lớn. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ trong nước không lớn, dẫn đến cung vượt cầu nên giá càng giảm sâu”- nhiều hộ chăn nuôi phỏng đoán.

Như vậy, có thể thấy, hệ quả này đầu tiên là do người chăn nuôi. Thời điểm tháng 5, tháng 6 năm 2016, giá lợn hơi đạt mức kỷ lục 53.000 - 55.000 đồng/kg. Thấy nuôi lợn có lãi, thế là người chăn nuôi đua nhau tăng đàn; có người bỏ cả nghề đang làm để về vay vốn ngân hàng đầu tư chuồng trại nuôi lợn.

Điển hình như anh Đinh Văn Hội ở thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình trước đây làm nghề lái xe tắc-xi nhưng thu nhập không ổn định. Đầu năm 2016, thấy hàng xóm, anh em trong thôn nuôi lợn có lãi nên anh bỏ nghề về lấy sổ đỏ đi vay ngân hàng hơn 330 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống về nuôi.

Bao hy vọng  mong cuộc sống thay đổi khi chuyển nghề không những bị dập tắt ngay từ lứa lợn đầu tiên xuất chuồng mà còn khiến gia đình anh đứng trước bờ vực phá sản. Nhìn gần trăm con lợn, con nào cũng khoảng trên 1,2 tạ, anh Hội ngao ngán: “Tôi mới bán được trên 1 tấn với giá 40.000 đồng/kg.

Hiện nay, còn 80 con đã quá lứa xuất chuồng mà gọi mãi thương lái cũng không đến bắt cho. Giờ nuôi lợn cũng không lớn nữa mà hàng ngày vẫn mất trên 2 triệu tiền cám cộng với tiền trả lãi ngân hàng nữa. Cứ thế này “lợn nó ăn hết cái sổ đỏ mất”. Anh Hội chỉ là một trong số rất nhiều người khi thấy giá cao, nuôi lợn có lãi nên cố gắng đầu tư mà không tính đến hệ quả như bây giờ. Nhiều người chăn nuôi cho biết đang lỗ nặng và mất luôn cả phần lời đã từng có được lúc giá tăng cao, thậm chí âm vốn.

Năm 2016, tổng đàn lợn trên địa bàn toàn tỉnh đạt gần 550.000 con, bằng 102,6% kế hoạch, tăng 5,9% so với cùng kỳ, sản lượng đạt trên 34.405 tấn. Theo đánh giá của ngành chuyên môn thì hàng năm sản lượng thịt lợn tiêu thụ trên địa bàn tỉnh chỉ bằng 20% tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng.

Từ đó cho thấy, hiện nay, sản phẩm làm ra của người chăn nuôi hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, giá cả bấp bênh, chăn nuôi chưa bền vững và chỉ một lần thua lỗ, những hộ chăn nuôi khó có thể phục hồi sản xuất như ban đầu.

Người chăn nuôi lâm vào tình cảnh như hiện nay cũng do người dân vẫn chủ yếu chăn nuôi theo lối tư duy cũ mà chưa có sự liên kết theo chuỗi bền vững. Nghĩa là, người chăn nuôi hầu như mới chỉ làm được khâu xây trang trại, gắng nuôi thật nhiều lợn, năng suất thật cao, còn đầu ra thế nào, giá cả ra sao lại hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Bao giờ cũng thế, hễ thấy giá lợn cao là người dân tăng đàn, dẫn đến cung vượt cầu, rồi giá tụt giảm, thua lỗ thì lại bỏ trống chuồng và khi thấy giá lợn tăng lại tiếp tục nuôi.

Trong khi giá lợn hơi giảm mạnh, khiến nhiều hộ chăn nuôi “ăn không ngon, ngủ không yên” thì một số ít trang trại chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp trên địa bàn vẫn yên tâm. Điển hình như trang trại chăn nuôi Thanh Lâm của ông Vũ Thanh Lâm ở phường Nam Cường, thành phố Yên Bái. Trang trại này liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam.

Theo mô hình liên kết này, người chăn nuôi bỏ vốn xây dựng chuồng trại theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Sau khi hoàn tất chuồng trại, Công ty tiến hành cung cấp giống lợn chất lượng cao, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý để người dân chăn nuôi. Đồng thời, đội ngũ kỹ sư chăn nuôi và bác sĩ thú y của Công ty sẽ hướng dẫn, giám sát, giúp nông dân thực hiện quy trình kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả.

Theo chủ trang trại chăn nuôi Thanh Lâm: "Mọi chi phí đầu tư về con giống, thức ăn chăn nuôi đã có Công ty lo và trang trại chỉ chịu trách nhiệm nuôi và hưởng tiền theo cân nặng của lợn, lợn càng lớn nhanh thì trang trại càng được nhiều tiền. Còn chuyện đầu ra cho sản phẩm, doanh nghiệp cũng lo cho, thế nên lợn hơi có hạ giá chúng tôi cũng không sợ lỗ".

Từ thực tế đó, để chăn nuôi an toàn người chăn nuôi cần liên kết, phối hợp với doanh nghiệp để chăn nuôi theo chuỗi (giống, thức ăn, chăn nuôi, chế biến, thị trường) để giảm nguy cơ rủi ro. Ngoài ra, việc chăn nuôi theo chuỗi còn góp phần giúp cho công tác quản lý sản phẩm chăn nuôi bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Được biết, hiện nay, thị trường cho ngành chăn nuôi lợn chủ yếu được xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Thị trường này ngừng tiêu thụ sẽ khiến giá lợn giảm, các hộ chăn nuôi lỗ lớn. Bên cạnh đó, người dân tự phát đầu tư tăng đàn ồ ạt đã làm gia tăng nguồn cung.

Những thông tin bất lợi về an toàn vệ sinh thực phẩm của thịt lợn cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường. Trong khi đó, công tác thông tin, nghiên cứu, dự báo thị trường, quy hoạch của các ngành chức năng còn yếu, thiếu tính chuyên nghiệp… cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành chăn nuôi. Chi phí cho chăn nuôi vẫn ở mức cao.

Để hạn chế thiệt hại, các hộ nuôi không còn cách nào khác là phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp giúp người chăn nuôi hạ chi phí đầu vào; đồng thời, đề xuất các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, sản lượng, giảm giá thành sản phẩm…

Ngay từ bây giờ, doanh nghiệp cần bắt tay cùng nông dân xây dựng chuỗi chăn nuôi bền vững, góp phần giảm giá thành chăn nuôi và tăng giá trị sản phẩm. Về lâu dài, cần quy hoạch tổng thể ngành chăn nuôi theo vùng nhằm bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện về môi trường, hạ tầng, tránh tình trạng cung vượt cầu như hiện nay.

 

Tin liên quan