Bạn đang ở đây

Xuất nhập khẩu 4 tháng và những dự đoán cho cả năm

26/04/2012 09:42:53

Xuất khẩu dù tăng vẫn khó đạt con số mục tiêu

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước 4 tháng ước đạt 33,4 tỷ USD tăng 22,1% (6 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2011. Mặc dù tăng như vậy, nhưng theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, con số mục tiêu của cả năm là 108,8 tỷ USD vẫn khó thành hiện thực.

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm tăng trưởng khá ấn tượng, tuy nhiên đến tháng 4 đã giảm 9,3% (879 triệu USD) so với tháng trước, ước đạt 8,6 tỷ USD.

Nguyên nhân chủ yếu khiến kim ngạch xuất khẩu giảm là do doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng cũng như giá xuất khẩu các mặt hàng nôn sản giảm.

Ngoài ra, nhìn vào các con số thống kê có thể thấy tăng trưởng xuất khẩu 4 tháng qua chủ yếu là do sự đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dần thô) với mức tăng 36,4%, đạt 20,65 tỷ USD.

Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt gần 12,8 tỷ USD tăng 4,3%. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang gặp khó khăn, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh: điện tử, máy tính và linh kiện giảm 20,9% (138 triệu USD), cà phê giảm 25% (107 triệu USD), dệt may giảm 7,3% (86 triệu), gỗ và sản phẩm gỗ giảm 16,7% (70 triệu USD), thủy sản giảm 7,4% (40 triệu USD).

Mặt hàng dệt may đang gặp khó khi một số thị trường giảm so với cùng kỳ, EU giảm từ 25 – 30% so với năm 2011. Nguyên nhân các nhà nhập khẩu EU đang chuyển dần những đơn hàng từ Việt Nam sang Campuchia, Lào và Bangladesh.

Nhập khẩu giảm- chưa chắc là tín hiệu mừng

Cũng theo số lượng thống kê, nhập khẩu tháng 4 tiếp tục giảm với kim ngạch ước tính đạt 9 tỷ USD, giảm 0,6% (55 triệu USD) so với thực hiện tháng 3. Trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4,65 tỷ USD giảm 0,8% (36 triệu USD).

Tổng kim ngạch nhập khẩu 4 tháng ước tính đạt 33,6 tỷ USD, tăng 4,4% (1,4 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2011. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,4 tỷ USD tăng 26% (3,6 tỷ USD) và khu vực kinh tế trong nước giảm 11,9% (2,2 tỷ USD).

Như vậy, trong tháng 4 cả nước ước nhập siêu 400 triệu USD, giảm 5,7% so với mức nhập siêu của tháng 3.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, nhập siêu ước đạt 200 triệu USD.

Dưới góc nhìn của bà Phạm Chi Lan, thì đây không phải là tín hiệu mừng. Đó là nỗi lo. Nó thể hiện sự suy giảm của các ngành sản xuất công nghiệp trong nước nên nhu cầu nhập nguyên, nhiên, phụ liệu sản xuất đang có nhu cầu thấp. Đây là tín hiệu buồn để nói lên tăng trưởng công nghiệp trong thời gian tới vẫn còn u ám. Công nghiệp của Việt Nam chủ yếu dựa vào nhập khẩu từ bên ngoài. Thông thường phải nhập khẩu từ đầu năm để giữa và cuối năm đưa ra sản phẩm./.

Theo VOV

Tin liên quan