Bạn đang ở đây

Văn Yên: Phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn

19/05/2015 07:41:23

Với trên 23.000ha quế (trong đó có 15.500ha trồng tập trung), 7.000ha sắn và hàng nghìn héc-ta gỗ rừng trồng với sản lượng khai thác bình quân gần 40.000m3/năm và hàng chục nghìn tấn nguyên liệu giấy, Văn Yên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Từ đó, hàng năm, huyện đã khai thác tối đa lợi thế về giao thông, nguồn lao động cũng như triển khai nhiều ưu đãi về mặt bằng, thủ tục hành chính để phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến tinh dầu quế, tinh bột sắn và chế biến gỗ rừng trồng. Đến nay, toàn huyện có 9 nhà máy sản xuất tinh dầu quế; 19 doanh nghiệp và 44 cơ sở hộ cá nhân chế biến gỗ rừng trồng, 1 nhà máy và 3 cơ sở chế biến tinh bột sắn...

Ông Lưu Trung Kiên – Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện cho biết: “Để các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản phát triển bền vững, thời gian qua, huyện không ngừng củng cố và phát triển, thâm canh tăng năng suất các vùng nguyên liệu tập trung như: vùng trồng sắn, vùng quế, vùng nguyên liệu giấy, vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng… trên cơ sở xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa 4 nhà (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông) để bảo đảm nguồn và chất lượng nguyên liệu lâu dài, bền vững cho các nhà máy chế biến trên địa bàn”.

Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn huyện luôn ổn định. Đặc biệt, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu, vươn ra thị trường thế giới cho giá trị kinh tế cao. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2015, toàn huyện xuất khẩu trực tiếp được 10 nghìn tấn tinh bột sắn, 26.500 tấn sắn lát khô và 50 tấn tinh dầu quế, giá trị ước đạt 11,23 triệu USD, bằng 60,7% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất chế biến gỗ đã phát triển mạnh ở cả doanh nghiệp và hộ gia đình.

Dọc tuyến đường Yên Bái - Khe Sang qua địa bàn các xã Yên Hưng, Mậu Đông, Đông An... các xưởng chế biến gỗ mọc lên ngày càng nhiều, sản phẩm chủ yếu là gỗ ván bóc, xẻ thanh... Trong 3 tháng đầu năm, khối lượng gỗ ván bóc trên địa bàn toàn huyện đạt 9.000m3, giá bán sản phẩm đầu ra tương đối ổn định ở mức 2.200.000 đồng/m3, giá trị sản lượng đạt trên 21,2 tỷ đồng. Ngoài ra, với lợi thế sẵn có, hoạt động khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Văn Yên cũng tương đối phát triển. Đến nay, huyện có 6 cơ sở khai thác đá với sản lượng tiêu thụ (3 tháng năm 2015) đạt 42.800m3, giá trị sản lượng đạt 6,824 tỷ đồng; 3 doanh nghiệp khai thác cát sỏi, sản lượng 3 tháng đầu năm đạt 12.650m3, giá trị sản lượng trên 1 tỷ đồng.

Đánh giá của Văn Yên cho thấy, với sự phát triển và tăng trưởng của các ngành công nghiệp mũi nhọn, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp toàn huyện đã có nhiều “đột phá” cả về số lượng và chất lượng. Kết thúc năm 2014, tổng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) đạt trên 860,9 tỷ đồng, tăng 339,5 tỷ đồng so với năm 2011. Đến nay, toàn huyện có 72 doanh nghiệp, hợp tác xã và 1.378 hộ tư nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tăng 250 cơ sở (bao gồm cả doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ tư nhân) so với năm 2010. Nhờ đó, bình quân mỗi năm huyện giảm từ 4-5% hộ nghèo.

Với những kết quả đạt được thời gian qua, Văn Yên phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt trên 2.000 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Tuy nhiên đã đạt được mục tiêu đó, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Văn Yên đang bộc lộ những hạn chế: hầu hết các cơ sở sản xuất trên địa bàn chủ yếu nhỏ lẻ, vốn đầu tư thấp; sản phẩm sản xuất chủ yếu là thô và sơ chế nên giá trị kinh tế không cao, sức cạnh tranh thấp; trình độ tay nghề của người lao động còn thấp, chưa được đào tạo bài bản; cơ sở hạ tầng 2 cụm công nghiệp của huyện chưa được đầu tư đáp ứng yêu cầu, từ đó chưa thu hút được các nhà đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại cụm công nghiệp… Do vậy, để đạt mục tiêu đề ra, đòi hỏi Văn Yên phải có nhiều giải pháp mang tính chiến lược, đột phá để đưa các ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển bền vững, ổn định và hiệu quả.

Theo YBĐT

Tin liên quan