Bạn đang ở đây

Văn Chấn: Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh chè

31/08/2011 16:23:49
Hiện nay trên địa bàn huyện có 46 cơ sở sản xuất chế biến chè, trong đó có 9 công ty cổ phần, 15 doanh nghiệp tư nhân, 14 hợp tác xã, 9 công ty TNHH và một số hộ cá thể. Trong vòng hai năm trở lại đây, do phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có loại tăng tới 200%, thời tiết diễn biến phức tạp, giá cả thu mua chè búp tươi không ổn định nên không đảm bảo chi phí và ngày công lao động cho người làm chè, gây tâm lý chán nản cho người dân. Nhiều gia đình không chú trọng đầu tư chăm sóc, thu hái không bảo đảm quy trình kỹ thuật, làm mất lứa chè, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây chè và chất lượng nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp.
Điển hình như Công ty cổ phần Chè Phú Tân tại xã Tân Thịnh: dây chuyền sản xuất cần phải có đủ 60 tấn/ngày mới đủ sản xuất 3 ca liên tục, nhưng gần đây mỗi ngày chỉ thu mua được từ 10 đến 12 tấn búp tươi, tương đương với việc sử dụng 60 công nhân tham gia chế biến chè, giảm 90 công nhân so với công suất thực, không những gây thiệt hại cho Công ty mà còn ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của công nhân. Bên cạnh đó, còn có một số đơn vị phải thu mua chè trong 2 ngày mới đủ nguyên liệu sản xuất chế biến cho một ngày, đã dẫn đến tình trạng chi phí sản xuất tăng nhưng doanh thu lại giảm.
Hàng năm các đơn vị sản xuất chè chế biến được trên 7.000 tấn chè thành phẩm các loại, trong đó chè đen thành phẩm và bán thành phẩm chiếm 90%, chè xanh chiếm 10%. Các công ty cổ phần và công ty TNHH chế biến chè chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng gần 5.000 tấn chè thành phẩm, còn lại là các hợp tác xã và doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, các sản phẩm chủ yếu là chè sơ chế, số lượng thành phẩm thấp, tỷ lệ chè chất lượng cao chỉ chiếm từ 15 đến 20% nên việc tiêu thụ chè của các doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn. Sản phẩm chè chủ yếu xuất khẩu thông qua Tổng công ty Chè Việt Nam hoặc các đơn vị trung gian nên lợi nhuận không cao. Tỷ lệ sản phẩm chè xuất khẩu trực tiếp đạt thấp, trong khi giá chè tiêu thụ cũng thấp.
Năm 2008, giá chè đen bán thành phẩm chỉ ở mức 14,5 triệu đồng/tấn là cao nhất, trong khi đó năm 2007 cũng loại chè này giá tiêu thụ lên đến 16 triệu đồng/tấn. Thậm chí có đơn vị đã giảm giá thu mua so với giá đã ký hợp đồng và tồn nợ lên tới hàng tỷ đồng. Vì vậy, vẫn còn một số đơn vị sản xuất tồn chè thành phẩm và tính đến trung tuần tháng 4/2009, con số này lên đến trên 1.100 tấn chè thành phẩm, tương đương gần 18 tỷ đồng, trong đó Công ty Cổ phần Chè Phú Tân còn tồn 350 tấn, Hợp tác xã Tân Thịnh 250 tấn chè xanh, Công ty TNHH Đại Hoa 100 tấn...
Trước thực trạng trên, huyện Văn Chấn đã đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất chế biến và tiêu thụ chè. Trước tiên, để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất cho các doanh nghiệp, huyện chỉ đạo các địa phương tích cực trồng mới và tái tạo vùng nguyên liệu. Mục tiêu đặt ra đến năm 2010, toàn huyện trồng cải tạo trên 1.000 ha chè ở vùng thấp, trồng mới 300 ha chè Shan thuộc Lâm trường Văn Chấn và trồng bổ sung 500 ha chè Shan tại các xã vùng cao.
Thực hiện các đề án phát triển chè của huyện và của tỉnh, đến nay toàn huyện đã trồng cải tạo trên 700 ha diện tích chè già cỗi, năng suất thấp bằng các giống chè mới năng suất cao như chè Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, chè lai LDP.
Ngoài ra, phấn đấu trồng mới 271 ha chè Shan ở Lâm trường Văn Chấn, 80 ha chè Shan tại các xã vùng cao theo quy hoạch mới bổ sung của huyện. Cùng với chính sách hỗ trợ về giống, huyện còn tạo điều kiện cho các hộ trồng chè vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi. Các doanh nghiệp cũng đã ký 2.933 hợp đồng với vùng nguyên liệu, trong đó 2.955 hợp đồng với các hộ và nhóm hộ, 30 hợp đồng với hợp tác xã và thôn bản, còn lại là các hợp đồng khác.
Đồng thời, được sự quan tâm của huyện và tỉnh, một số đơn vị sản xuất kinh doanh chè đã được đầu tư kinh phí mua sắm thiết bị, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong năm 2008 đã có 5 đơn vị được đầu tư 410 triệu đồng đổi mới công nghệ sản xuất.
Các đơn vị sản xuất chè trên địa bàn huyện còn đầu tư về máy móc, sửa chữa trang thiết bị nhà xưởng, nâng cấp cơ sở chế biến, lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất phục vụ cho sản xuất kinh doanh chè. Hầu hết các đơn vị đều có nhà xưởng khang trang, vệ sinh sạch sẽ, dây chuyền sản xuất chủ yếu nhập của các nước: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ.
Cùng với các giải pháp trên, huyện còn chỉ đạo các đơn vị sản xuất chè phải nỗ lực đầu tư xây dựng chiến lược kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm; định hướng phương án sản xuất ổn định, bền vững; chủ động nghiên cứu và đề xuất ý kiến về việc thành lập hiệp hội chè Văn Chấn; mở rộng mối quan hệ với các vùng nguyên liệu, khuyến khích tiêu thụ hàng hóa, nông sản thông qua hợp đồng với các hộ và nhóm hộ, để tạo vùng nguyên liệu có năng suất chất lượng; không ngừng nâng cao chất lượng tỷ lệ sản phẩm chè thành phẩm, chú trọng chế biến chè xanh, chè chất lượng cao; tiếp tục đầu tư cho quảng cáo tiếp thị, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất kinh doanh chè.
Để cụ thể hóa các giải pháp trên, trong năm 2009 huyện Văn Chấn có kế hoạch trồng và cải tạo từ 250 ha chè trở lên, trong đó trồng mới 100ha chè Shan, trồng cải tạo 150 ha ở vùng thấp bằng các loại chè giống mới; phấn đấu thu hái 36.000 tấn chè búp tươi; các đơn vị sản xuất chế biến và tiêu thụ trên 7.600 tấn chè khô các loại, doanh thu đạt 165 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước từ 12 tỷ đồng trở lên. Riêng trong quý 1/2009, các đơn vị sản xuất chế biến chè đã nộp ngân sách nhà nước 3,8 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2008. Từ nguồn kinh phí khuyến công đã có 3 đơn vị được Nhà nước đầu tư 132 triệu đồng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh chè.
Với quyết tâm đẩy mạnh phát triển ngành chè và bằng những giải pháp kịp thời và cụ thể, năm 2009 và những năm tiếp theo, sản xuất kinh doanh chè ở Văn Chấn sẽ thu được những kết quả khả quan để cây chè thực sự trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương.
Theo: YBĐT

Tin liên quan