Bạn đang ở đây

Trên đỉnh Phình Hồ

09/03/2017 15:43:28

Ngày trước, người Mông nơi đây khổ vì khói thuốc phiện, có bệnh thì mời thầy mo đến cúng, trẻ nhỏ được bố mẹ cõng lên nương không ra lớp; cái nghèo, cái đói quẩn quanh bên những ngôi nhà lợp gỗ thông bạc phếch.

Giờ đã khác, hơn 10 km đương bê tông uốn khúc, vượt dốc cao ngất nối quốc lộ 32 đến trung tâm xã, cột ăng - ten viễn thông dựng trên đỉnh núi phủ sóng điện thoại, trạm y tế xã làm tốt chức năng kiểm soát dịch bệnh, vui nhiều khi các chương trình của Chính phủ với đồng bào vùng cao phát huy hiệu quả.

Đồng chí Sùng A Rua - Chủ tịch UBND xã Phình Hồ vui vẻ nói với chúng tôi: “Tết vừa rồi, người Mông mình “ăn chung một tết”, không ăn tết kéo dài hàng tháng trời như trước, tiết kiệm thời gian để cấy lúa, trồng ngô và cho trẻ ra lớp học”.

Đấy là kết quả cuộc vận động từ năm 2013 của Huyện ủy Trạm Tấu, kiên trì  từng bước bỏ các tập tục lạc hậu như: đám ma kéo dài cả tuần mới chôn nhưng không có quan tài; ngày tết Mông kéo dài từ cuối tháng 12 đến hết tháng 2 năm sau; không làm vụ xuân vì cho rằng rét làm chết mạ…

Vùng cao là vậy, mới đây, đợt rét đậm lịch sử tháng 1/2016 khiến cả vùng Phình Hồ chìm trong băng tuyết, làm 30 con trâu, bò, ngựa của đồng bào chết rét, học sinh ba ngày sau mới đến lớp, nhiều diện tích cây trồng bị đóng băng sau đó héo chết, thật khó khăn! Khôi phục lại sản xuất là nhiệm vụ cấp bách của địa phương, ngoài việc chuyển tiền hỗ trợ đến từng hộ có trâu, bò, ngựa chết rét; chuyển gần 2 tấn gạo cứu trợ cho 24 hộ nghèo thiếu ăn; cán bộ đến từng nhà vận động đồng bào cấy đủ 41 ha lúa xuân, trồng 80 ha ngô xuân nên chủ động được cái ăn, dân không bị đói khi giáp hạt.

Cây chè Shan tuyết là một thế mạnh của Phình Hồ. Hiện toàn xã có 180 ha, trong đó có 90 ha chè kinh doanh, nhiều rừng cây có độ tuổi hơn 100 năm, tán cây rộng, búp to, lá lớn như bàn tay, hàng năm cho thu hơn 200 tấn chè búp tươi, giá thu mua 12.000 đồng/kg, người dân thu về hơn 2,4 tỷ đồng.

Anh Đặng Xuân Tú, 53 tuổi, bám trụ cùng dân bản được 17 năm là người chuyên làm chè Shan tuyết, anh có vợ là giáo viên “cắm bản” vùng cao 24 năm, được nghỉ chế độ nay về thu mua, chế biến chè.

Anh Tú bảo: “Người Mông thẳng tính, mua bán sòng phẳng, xin cho rõ ràng, phải sống thật với đồng bào thì họ mới bán chè búp tươi cho. Hiện xưởng của mình mỗi năm thu mua hơn 100 tấn búp tươi, chế biến thủ công, sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó, vì chè thật chất không có pha trộn”. Việc trồng mới, chăm sóc, thu hái búp chè được xã, huyện rất quan tâm, Phình Hồ phấn đấu đến năm 2020 đưa diện tích chè Shan tuyết toàn xã lên 200 ha, trở thành cây xóa đói giảm nghèo của người Mông nơi đây.

Ngôi trường phổ thông liên cấp 1-2 bán trú tại bản Tà Chử có 13 lớp với 345 học sinh người Mông theo học, hôm chúng tôi lên đúng giờ ra chơi, sân trường rộn rã tiếng cười.

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, ra trường năm 1990 lên dạy học ở vùng cao Trạm Tấu, nay là Phó Hiệu trưởng nhà trường nhỏ nhẹ: “Trước vận động trẻ ra lớp rất khó khăn, giáo viên phải lội bộ, vượt khe suối, leo dốc đến từng bản, từng nhà vận động trẻ ra lớp, bởi đấy là chỉ tiêu trên giao cho giáo viên vùng cao mỗi năm thực hiện. Nay có chính sách của Chính phủ cho gạo đối với học sinh vùng Chương trình 135, nhận thức có cái chữ sẽ đuổi cái đói nghèo, nên đồng bào cho trẻ trong độ tuổi đến trường ra lớp đông và tỷ lệ trẻ bỏ học rất ít”.

Năm học này, qua phát động “Kho thóc khuyến học” được hơn 14,7 triệu đồng; Quỹ Khuyến học được hơn 5 triệu đồng, thế là rất quý đối với các em rồi. Bởi đặc thù miền núi không như vùng đô thị, chưa có khái niệm “Học thêm, dạy thêm” để có thu nhập ngoài lương cho giáo viên, nhiều lúc các thầy cô phải bỏ tiền riêng ủng hộ các cháu cơ nhỡ, tạo điều kiện cho các cháu theo học.

Hiện tại, bản Cại cách trung tâm xã 20 km, có một cô giáo duy trì một lớp ghép với 16 học sinh; bản Ga Phua cách trung tâm 8 km có hai cô giáo với 33 học sinh, vì mục tiêu phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, dù heo hút và cô đơn trên núi rừng các cô giáo vẫn kiên trì bám bản, bám lớp, bám học sinh.

Từ chương trình của Tỉnh ủy Yên Bái giao các sở, ban, ngành, đoàn thể phụ trách các xã đặc biệt khó khăn, hàng quý lãnh đạo phụ trách trực tiếp đến xã nắm tình hình, phối hợp với huyện kịp thời giải quyết các vướng mắc ngay tại cơ sở, nên bộ mặt nông thôn miền núi từng bước khởi sắc. Phình Hồ được Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Yên Bái phụ trách, năm trước đã vận động doanh nghiệp, cán bộ công nhân viên trong ngành ủng hộ xã làm mới một sân trường rộng 300 m2 bằng bê tông, trang bị toàn bộ dụng cụ nấu ăn cho học sinh bán trú, trị giá gần 100 triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở, Bùi Danh Tú xác định: “Việc giúp đỡ xã ngoài nhiệm vụ chính trị là trách nhiệm của công chức và người lao động trong ngành, năm 2017 ngoài việc duy trì hỗ trợ giúp các gia đình chính sách, các hộ khó khăn, ngành tiếp tục vận động các nhà hảo tâm ủng hộ tiền, vật chất làm mới đường bê tông giao thông đến bản khoảng 3 km, bảo đảm giao thông tốt cho mùa mưa không lầy lội, trơn trượt”.

Lên Phình Hồ những ngày đầu xuân, chúng tôi gặp Trang Thị Mo ở bản Tà Chử xúng xính trong bộ váy Mông, má em hồng tươi trong sắc nắng nhẹ, em thổ lộ: “Tết vừa rồi, nhà em mổ lợn, làm bánh dày, mổ gà cúng tổ tiên, ông bà. Nhờ có đường giao thông tốt đến bản nên mua bán dễ dàng, không thiếu thứ gì. Đồng bào Mông biết ơn Đảng, Chính phủ nhiều lắm. Phình Hồ trong xuân mới rộn ràng, gió xuân cùng nắng miên man ôm lấy các tán chè cổ thụ, như vui cùng đồng bào Mông nơi vùng cao đang từng ngày thay da, đổi sắc.

Theo YBĐT

Tin liên quan