Bạn đang ở đây

Tránh những biến động tỷ giá đến xuất khẩu

28/03/2017 08:42:48

Mặc dù việc Fed tăng lãi suất đã được dự báo trước nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm đã có 2 lần điều chỉnh tăng cũng gây bất ngờ cho thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, xu hướng tăng giá USD lại không xảy ra khi Fed điều chỉnh lãi suất USD, thậm chí ở một số ngân hàng, giá USD niêm yết lại giảm nhẹ. Thống kê cho thấy, một tuần sau khi Fed tăng lãi suất, tỷ giá trên thị trường Việt Nam khá ổn định.

Trong đó, tỷ giá trung tâm mà NHNN niêm yết cũng chỉ tăng nhẹ 6 đồng cho dù đồng USD trên thị trường thế giới biến động mạnh. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tuần qua, tỷ giá giao dịch trung bình tại các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm không đáng kể (2,2 đồng), về mức 22.800,4 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm có bước tăng nhẹ (6 đồng, lên mức 22.257,8 đồng/USD).

Khảo sát trên thị trường ngày 22/3, phần lớn các ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ giá mua - bán USD thêm 5-10 đồng, giá bán ra tại các ngân hàng dao động trong khoảng 22.820-22.830 đồng/USD. Mức tăng này được đánh giá là phù hợp với diễn biến thị trường.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, mặc dù chưa bị tác động ngay từ việc Fed nâng lãi suất đồng bạc xanh, nhưng không có nghĩa tỷ giá trong nước có thể đứng yên mãi. Về trung, dài hạn, USD tăng giá thì tỷ giá VND/USD cũng phải tăng theo để bảo đảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, trong thời gian tới, tỷ giá trong nước sẽ chịu nhiều áp lực từ lạm phát tăng, nhập siêu quay trở lại; kiều hối có dấu hiệu sụt giảm.

Hoạt động xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm nay ghi nhận những tín hiệu tích cực. Tính đến ngày 15/3, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 35,22 tỷ USD, tăng 14,7% (tương ứng tăng gần 4,51 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016. Điều này cho thấy, để có thị trường tỷ giá ổn định, hỗ trợ xuất khẩu và bảo đảm dự trữ ngoại hối sẽ là việc không hề đơn giản đối với nhà điều hành. Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu 2/9 Đăk Lăk - doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu nông sản - bày tỏ: Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu rất cần có sự ổn định về tỷ giá. Bên cạnh đó, để doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, cụ thể là cà phê, hạt tiêu… có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong cùng lĩnh vực thì ngành ngân hàng nên xem xét ưu tiên cho doanh nghiệp vay ngoại tệ.

TS. Võ Trí Thành - chuyên gia tài chính - nhận định, trách nhiệm của NHNN đang khá nặng khi vừa phải duy trì tỷ giá giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lại không làm giảm sút năng lực cạnh tranh của xuất khẩu… Trong khi các biến số tác động đến tỷ giá từ bên ngoài không thể kiểm soát được hết. Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cũng lưu ý, với một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam, cần chú ý tới biến động của các đồng tiền trong khu vực để bảo đảm Việt Nam không bị mất lợi thế cạnh tranh. Rủi ro về áp lực dòng tiền do chênh lệch lãi suất ở Việt Nam sẽ không cao, nhưng tác động âm thầm và dài hơi hơn là tác động trong xuất nhập khẩu là điều cần kiểm soát.

TS. Võ Trí Thành - chuyên gia tài chính:

Để bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, không gây biến động tỷ giá và hỗ trợ nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng, NHNN cần có thông điệp chính sách ổn định, các công cụ chính sách tiền tệ sử dụng linh hoạt hơn, không cố bằng mọi cách giữ tỷ giá ổn định mà vẫn bảo đảm năng lực cạnh tranh của xuất khẩu.

Tin liên quan