Bạn đang ở đây

Tổng hợp hoạt động nổi bật ngành Công Thương trong tuần từ ngày 06/6 đến ngày 12/6/2016

14/06/2016 14:07:37

Bộ Công Thương giao ban trực tuyến tháng 5 năm 2016

Ngày 06/6/2016, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 5 năm 2016 tại ba điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Vũ Bá Phú cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 7,8% so với tháng 5 năm 2015. Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2015, thấp hơn so với mức tăng 9,2% của cùng kỳ năm 2015. Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Tháng 5, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 4 và tăng 7% so với tháng 5 năm 2015.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2016 KNXK ước đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015 (tương đương với tăng 4,187 tỷ USD). Kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hoá ước đạt 15 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng 4 và tăng 0,9% so với tháng 5 năm 2015. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 5 ước đạt 286,157 nghìn tỷ đồng tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 1,0% so với tháng 5 năm 2015; tính chung 5 tháng đầu năm tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước đạt 1.427,116 nghìn tỷ đồng tăng 9,06% so với cùng kỳ năm 2015.

Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với những biện pháp thực hiện trong tháng 6 như: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ; Tập trung rà soát về điều kiện kinh doanh của Ngành nhằm triển khai đồng bộ, nhất quán các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, nhất là Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014; Các đơn vị, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước thuộc Bộ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 11476/QĐ-BCT ngày 18 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án cơ cấu lại ngành, lĩnh vực và của địa phương; Tích cực đôn đốc các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp thuộc Bộ tiếp tục triển khai thực hiện để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, đơn giản hoá quy trình và thủ tục, giảm mạnh thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp và người dân.

Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giao nhiệm vụ cho từng đơn vị nhằm đạt được các kế hoạch đề ra trong tháng 6 cũng như nửa cuối năm 2016. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp cụ thể để mở rộng thị trường xuất khẩu, hoàn thành kết quả sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu chiến lược năm 2016. Các đơn vị thị trường phải phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại để có điều tiết và phối hợp về mặt chính sách, khai thác tốt thị trường để có tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, rà soát sửa đổi các văn bản không còn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ cũng như người dân và doanh nghiệp; nghiêm túc thực hiện các chương trình của Chính phủ, đảm bảo các doanh nghiệp vừa sản xuất hiệu quả vừa hội nhập thành công.

Bộ trưởng cũng đề nghị Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị tập trung rà soát đánh giá về mặt thể chế, bổ sung hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế về bán hàng đa cấp, hệ thống bán lẻ, sản xuất hóa chất, an toàn thực phẩm, v.v... Đối với lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo PVN, EVN, TKV rà soát đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, xem xét các vướng mắc phát sinh; rà soát dự án Tổng sơ đồ điện 7. Bộ trưởng đề nghị mở rộng cơ hội cho các nhà thầu, chọn lọc nhà thầu, lưu ý chất lượng, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Tổng cục Năng lượng phối hợp Cục Điều tiết điện lực chỉ đạo EVN điều tiết lượng điện, cắt giảm các chi phí, công khai minh bạch, đảm bảo phương án điều hành điện trong thời gian tới không có biến động lớn. Cục TMĐT & CNTT cần tiếp tục triển khai, phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh thực hiện Chính phủ điện tử, phối hợp với đối tác và các đơn vị củng cố hệ thống hạ tầng. Vụ Thị trường trong nước cần định hướng về tình hình bán lẻ trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ, không để xảy ra hiện tượng gian lận thương mại trong lĩnh vực này. Cục Xuất nhập khẩu cần nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ rào cản, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, khai thác các thị trường Trung Quốc, ASEAN và các khu vực mới nổi, v.v...

Kỳ họp lần thứ ba Ủy ban Thương mại Hỗn hợp Việt Nam – Nam Phi

Trong thời gian từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 6 năm 2016, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải đã dẫn đầu đoàn công tác Bộ Công Thương sang Nam Phi tham dự Kỳ họp lần thứ ba Ủy ban Thương mại Hỗn hợp Việt Nam – Nam Phi tại thủ đô Pretoria, Nam Phi.

Tại Kỳ họp hai bên đã kiểm điểm tình hình hợp tác kinh tế, thương mại song phương kể từ Kỳ họp lần thứ 2 tổ chức tại Hà Nội năm 2008 và ghi nhận bước phát triển đáng kể trong kim ngạch thương mại song phương, đạt khoảng 1,15 tỷ USD năm 2015, tăng gần gấp đôi so với mức 659 triệu USD năm 2010. Hai bên nhất trí sẽ nỗ lực hơn nữa nhằm đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức 3 tỷ USD năm 2020.

Phát biểu tại Kỳ họp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh vai trò của Nam Phi trong nền kinh tế khu vực và cho biết Nam Phi hiện đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khu vực châu Phi với kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt trên 1 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt nam đã từng bước thâm nhập và tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường quan trọng và tiềm năng này.

Nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại Việt Nam – Nam Phi, Thứ trưởng cũng đã đề xuất nhóm giải pháp trọng tâm gồm: (1) đẩy mạnh tự do hóa thương mại, hạn chế việc áp dụng các rào cản thương mại và đầu tư; (2) tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi đoàn doanh nghiệp, cung cấp thông tin về thị trường và sản phẩm, khuyến khích doanh nghiệp hai nước tham dự triển lãm, hội chợ, các sự kiện xúc tiến thương mại... tại mỗi nước. Đề xuất việc ký kết Thỏa thuận hợp tác về xúc tiến thương mại giữa Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (VIETRADE) và Cục Thương mại và Đầu tư Nam Phi (TISA); và (3) thiết lập kênh phân phối hàng Việt Nam tại Nam Phi thông qua kết nối trực tiếp với các nhà phân phối và hệ thống siêu thị của Nam Phi, trong đó có việc phối hợp tổ chức sự kiện giới thiệu hàng Việt Nam tại Nam Phi (“Made in Viet Nam Product” Roadshows).

Bên cạnh hợp tác trong lĩnh vực thương mại, điểm nổi bật tại Kỳ họp lần này là việc Việt Nam chủ động đề xuất tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề xuất một số lĩnh vực trọng tâm bao gồm khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến titan và pigment, luyện kim, máy móc, sắt thép, hóa chất, phân bón, bột giấy, nhiệt điện, sản xuất và lắp ráp ôtô, công nghiệp hỗ trợ, dệt may, chế biến thực phẩm.

Với tinh thần cởi mở và hợp tác, Ngài Mzwandile Masina, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nam Phi nhất trí với các đề xuất nêu trên đồng thời đề nghị phía Việt Nam tạo điều kiện cho các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến (sữa, thịt bò, hoa quả tươi...) của Nam Phi đã đạt tiêu chuẩn quốc tế xuất khẩu sang thị trường Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam. Ngài Thứ trưởng cũng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư sang Nam Phi.

Bên cạnh những hoạt động chính thức trong khuôn khổ Kỳ họp, Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã phối hợp với Bộ Công Thương Nam Phi tổ chức Hội thảo doanh nghiệp Việt Nam – Nam Phi với sự tham dự của hơn 50 doanh nghiệp Nam Phi trong các lĩnh vực than, khoáng sản, cơ khí, năng lượng tái tạo, quốc phòng, ô tô, viễn thông, nông sản, thực phẩm, v.v... Tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp Nam Phi bày tỏ sự quan tâm tới việc mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, tham gia kênh phân phối và bán lẻ tại Việt Nam, hợp tác đầu tư mỏ than tại Nam Phi và xuất khẩu than sang Việt Nam.

Hội nghị ngành Công Thương khu vực miền Trung- Tây Nguyên năm 2016

Ngày 10/6, tại TP.Buôn Ma Thuật- tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra Hội nghị ngành Công Thương khu vực miền Trung- Tây Nguyên năm 2016.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, Hội nghị ngành Công Thương miền Trung-Tây Nguyên năm 2016 là cơ hội để ngành Công Thương vùng miền Trung- Tây Nguyên rà soát, đánh giá kết qủa kinh tế đã đạt được năm 2015 và 5 tháng năm 2016, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm 2016. Hội nghị này mang tầm quan trọng, theo đó cơ quan quản lý ngành Công Thương các địa phương cần tìm ra, thảo luận các giải pháp, cơ chế để góp phần phát triển kinh tế phù hợp của từng địa phương và của khu vực.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng yêu cầu tập trung trao đổi về công tác quản lý thị trường, kết nối giao thương, tìm đầu ra cho hàng hóa ổn định mang tính liên kết vùng; tháo gỡ khó khăn, hỗ trọ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để hội nhập quốc tế; đặt biệt là phát triển mạng lưới điện nông thôn, điện tái tạo để phục vụ tốt hơn nữa cho đồng bào dân tộc, đặc biệt là vùng sâu vùng xa.

Đại diện đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Hà- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk- đánh giá, tổng diện tích tự nhiên toàn khu vực miền Trung-Tây Nguyên là 102.035 km2, chiếm 30%5 diện tích tự nhiên của cả nước. Khu vực có nguồn tài nguyên đa dạng, nhiều tiềm năng nổi trội như về tài nguyên thiên nhiên, rừng núi, biển đảo, vịnh nước sâu, đất đai, di sản văn hóa… đủ sức để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, giá trị sản xuất của ngành Công Thương của khu vực từ đầu năm đến nay vẫn giữ được sự tăng trưởng ổn định nhưng chưa phát triển đúng với tiền năng, nhiều lĩnh vực còn phát triển chậm, giá trị sản phẩm hàng hóa tạo ra còn thấp, trị trường còn nhiều bất cập, đặc biệt là cách vận hành công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương.  Giá trị sản suất công nghiệp của toàn vùng trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 211.202 tỷ đồng, tăng 6,9 % so với cùng kỳ năm 2015. một  địa phương đạt chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khá như Đà Nẵng (+ 10,8%), Đắk Nông (+9,6%), Quảng Bình (8,8%), Quảng Trị (8,9%). Kim ngạch xuất khẩu của toàn khu vực đạt trong 6 tháng đầu năm 3.691 triệu USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ và đạt 44,2% so với kế hoạch. Theo ông Hà, mức tăng trưởng kim ngạch từ đầu năm đến nay cả khu vực còn chậm, một số thị trường đang thu hẹp dần, một số thị trường truyền thống có đơn hàng nhưng giá trị thu được thấp nên doanh nghiệp khó mở rộng thị trường.

Tại Hội nghị, đại diện ngành Công Thương các tỉnh tập trung nêu những vấn đề đang bất cập, cần có giải pháp để tháo gõ cho thị  như tổ chức thu mua cá biển, bán hàng đa cấp, đầu ra cho nông phẩm, hàng gian, hàng giả, sự thiếu thống nhất trong quản lý và xử lý vi phạm trong sản xuất kinh doanh dẫn đến hiệu qủa của công tác quản lý nhà nước chưa cao. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yều cầu các đại biểu nói thẳng vấn đề, tìm rõ nguyên nhân bất cập vì đây là cơ hội để nắm bắt cụ thể những vướng mắc từ cơ sở để tập hợp, tìm ra giải pháp để tháo gỡ  hiệu qủa cho từng lĩnh ực, từng ngành hàng.
  

Khai mạc Hội chợ Công Thương khu vực Miền Trung – Tây Nguyên 2016

Chiều ngày 09 tháng 6 năm 2016, tại Đắk Lắk, đã diễn ra lễ Khai mạc Hội chợ Công Thương khu vực Miền Trung – Tây Nguyên 2016.

Hội chợ nhằm phát huy tiềm lực thị trường nội tại, đẩy mạnh công tác quảng bá, giao thương, tìm kiếm, phát triển mở rộng thị trường mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hội chợ nằm trong sự kiện Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung - Tây Nguyên năm 2016.

Hội chợ năm nay có quy mô 476 gian hàng đến từ 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cùng 15 gian hàng của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại các tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Các sản phẩm tham gia trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm là thế mạnh của các địa phương.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, bên cạnh việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, Hội chợ năm nay còn là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp mở rộng giao lưu, hợp tác kinh tế, thúc đẩy khai thác lợi thế, liên kết hợp tác đầu tư sản xuất kinh doanh, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, mở rộng thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần phát triển bền vững và tôn vinh các sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh trong khu vực Miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung với mục tiêu "Phát huy tiềm lực thị trường nội tại, đẩy mạnh công tác quảng bá, giao thương, tìm kiếm, phát triển mở rộng thị trường mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế".

Hội chợ sẽ diễn ra đến hết ngày 15 tháng 6 năm 2016.

 
Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

 

Tin liên quan