Bạn đang ở đây

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với cán bộ chủ chốt huyện Văn Yên

16/02/2017 07:48:07

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 của huyện nêu rõ: Năm 2016, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành 33/33 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó 22 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 11 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Công tác an sinh xã hội, y tế - giáo dục được quan tâm chăm lo. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường.

Năm 2017, Đảng bộ huyện Văn Yên xác định sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, đề án của tỉnh và của huyện về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020; tập trung phát triển sản xuất nông lâm nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả, bền vững; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nguồn lực trong nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, xây dựng nông thôn mới; thực hiện hiệu quả Đề án sắp xếp mạng lưới, quy mô trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tăng cường các biện pháp đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong những năm tới, huyện đã có một số đề xuất, kiến nghị với tỉnh về việc cân đối, bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh triển khai thi công cầu A trên tuyến đường Yên Bái - Khe Sang; triển khai lập dự án đường Yên Bái - Khe Sang, đoạn Đông An - Tân An kết nối với huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai theo chương trình hợp tác hai tỉnh Yên Bái - Lào Cai; lập dự án đầu tư, nâng cấp tỉnh lộ 166 lên thành quốc lộ để có kế hoạch đầu tư từ năm 2016 - 2017; tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện cho huyện trong công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại đối với một số dự án có tiềm năng như chế biến khoáng sản, gỗ rừng trồng, chế biến các sản phẩm từ quế, sắn...; các dự án đầu tư khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn; xem xét, đưa Lễ hội Quế huyện Văn Yên vào chương trình lễ hội hàng năm của tỉnh; hỗ trợ kinh phí sửa chữa 4 cầu treo trên địa bàn huyện do đã xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân; đề nghị tỉnh bố trí vốn để triển khai các dự án trên địa bàn...

Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà đặc biệt quan tâm và gợi mở định hướng một số vấn đề mà Đảng bộ huyện Văn Yên cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới. Đó là, huyện xác định đâu là trở lực và những quy định phân cấp quản lý trong đầu tư xây dựng cơ bản; việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh còn gặp những khó khăn, vướng mắc, trở ngại cho sự phát triển của huyện; sau Đại hội Đảng bộ huyện đến nay, huyện đã có gì đổi mới, tiến bộ và bước phát triển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong công tác xây Đảng, đổi mới tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác dân vận và kết quả thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế; kết quả triển khai Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí yêu cầu huyện cần xác định đâu là khâu đột phá nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; khuyến khích tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tư nhân, mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã, kinh tế tập thể phát triển; giải pháp để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị huyện cần xác định làm rõ cơ cấu nội ngành mà trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông, lâm nghiệp; chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm, các chính sách an sinh xã hội; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tại buổi làm việc, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh cũng lưu ý Đảng bộ, chính quyền huyện cần đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo; làm tốt công tác rà soát, quy hoạch quản lý đất đai, công tác cán bộ; thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, đầu tư chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực có thế mạnh của địa phương; thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều; đa dạng hóa hình thức thu hút nguồn lực xây dựng nông thôn mới… Đồng thời, giải trình làm rõ thêm một số kiến nghị, đề xuất của huyện thuộc thẩm quyền, lĩnh vực ngành phụ trách và cho ý kiến vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Đảng bộ, chính quyền huyện cần tập trung thực hiện trong những năm tới đưa Văn Yên phát triển bền vững.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt huyện Văn Yên.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: đời sống của đại bộ phận người dân Văn Yên chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính song huyện vẫn chưa khai thác hết những tiềm năng, lợi thế các sản phẩm chủ lực của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế; chưa quan tâm, quyết liệt cho phát triển kinh tế vùng cao một cách hài hòa, toàn diện, khơi dậy sức mạnh của nhân dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chưa khơi dậy phát triển bản sắc văn hóa. Trong phát triển kinh tế chưa có sự đột phá lớn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ; chuyển dịch kinh tế chưa gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng lao động; chất lượng, hiệu quả hoạt động một số lĩnh vực văn hóa, xã hội còn thấp; nguồn nhân lực, đào tạo nghề, việc làm còn hạn chế dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn cao; tình hình an ninh dân tộc, tôn giáo còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2017 và những năm tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Đảng bộ huyện cần quan tâm phát triển hài hòa, toàn diện, bền vững tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Trong công tác xây dựng Đảng cần tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành một cách căn cơ, bài bản và khoa học hơn; tập trung khơi dậy truyền thống đoàn kết, văn hóa, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong đội ngũ cán bộ, công chức với phương châm việc gì có lợi cho dân thì làm, không nên băn khoăn do dự, vô cảm với người dân và doanh nghiệp; chú trọng đào tạo nguồn cán bộ trẻ, dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ ở cơ sở; chú trọng giáo dục chính tư tưởng gắn với công tác dân vận, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Trong phát triển kinh tế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao vùng Đại - Phú - An; quy hoạch mở rộng không gian đô thị thị trấn Mậu A; tận dụng tối đa chính sách của Trung ương, của tỉnh để đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đảm bảo các chính sách an sinh xã hội; tìm kiếm, mời gọi, thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn; thúc đẩy quảng bá sản phẩm có thế mạnh như cây quế, sắn… trên thị trường trong nước và nước ngoài; chú trọng phát triển các loại hình doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và nông dân; phấn đấu đến năm 2020 có 8 xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

Đồng chí cũng yêu cầu huyện đánh giá, phân loại, đồng thời chia sẻ, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, thương mại; tăng cường quản lý nhà nước đảm bảo thu chi ngân sách chặt chẽ, đúng quy định; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; làm tốt công tác quản lý đất đai, công tác quy hoạch tài nguyên, khoáng sản, môi trường sinh thái, tài nguyên rừng; quản lý có hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng cơ bản một cách có trọng tâm, trọng điểm; quan tâm quản lý công tác dân tộc, tôn giáo, quốc phòng - an ninh.

Theo YBĐT

Tin liên quan