Bạn đang ở đây

Thị trường Hoa Kỳ: Khắt khe tiêu chuẩn an toàn hàng dệt may

10/03/2016 15:28:19

Hội thảo “An toàn trong thiết kế cho quần áo và các yêu cầu đối với bán hàng tại Hoa Kỳ”

Đó là những thông tin chính được nêu ra tại Hội thảo “An toàn trong thiết kế cho quần áo và các yêu cầu đối với bán hàng tại Hoa Kỳ” do Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) phối hợp tổ chức sáng nay (8/3) . Hội thảo thu hút đông đảo đại diện các doanh nghiệp dệt may trong nước tham gia.

Theo ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam - 10 năm qua hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đã tăng nhanh chóng, năm 2005 đạt 2,6 tỷ USD, năm 2015 tăng gấp 4,6 lần, đạt gần 12 tỷ USD.  Lượng hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ được dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đi vào thực thi với thuế suất 0%.

Cũng theo ông Trương Văn Cẩm, cùng với việc cắt giảm thuế quan, các quốc gia trong khối TPP trong đó có Hoa Kỳ sẽ gia tăng hàng rào kỹ thuật. Vì vậy, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn sản phẩm là điều kiện bắt buộc khi các doanh nghiệp muốn tăng lượng xuất khẩu vào thị trường này.

Hệ thống tiêu chuẩn an toàn sản phẩm của Hoa Kỳ khá khắt khe và phức tạp, đặc biệt là tiêu chuẩn sản phẩm phục vụ cho đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em. Theo bà Arlene Flecha - Giám đốc quản lý chương trình tại Đông Nam Á - CPSC, các yêu cầu cho hàng may mặc bao gồm: Đạo luật An toàn sản phẩm tiêu dùng; Đạo luật Vải dễ cháy; ASTM F1816 về đặc điểm tiêu chuẩn cho dây rút trên áo khoác trẻ em…. Trong đó, ASTM F1816 quy định những chi tiết rất cụ thể, như: Không được dùng dây rút ở vùng nón và cổ trên áo khoác trẻ em kích cỡ 2T đến 12; dây rút ở hông trên áo khoác kích cỡ từ 2T đến 16 không dài quá 75 mm bên ngoài ống rút…

Tại Hoa Kỳ, một số tiểu bang có các luật và quy định  nghiêm ngặt hơn các yêu cầu của liên bang. Các luật này bao gồm: Quy định đối với sản phẩm, dán nhãn, đóng gói và hạn chế đối với hóa chất (ví dụ hóa chất làm chậm bắt cháy). Trước hiện trạng trên, ông Jake Miller-Tùy viên an toàn sản phẩm toàn vùng châu Á - Thái Bình Dương khuyến cáo: Để tránh rắc rối trong việc nhập cảng với chính phủ Hoa Kỳ, nhà sản xuất phải tuân thủ các quy định của CPSC (bắt buộc) và các tiêu chuẩn của khu vực tư nhân (là các tiêu chuẩn được xây dựng trên sự đồng thuận).

Nguồn: Báo Công Thương

Tin liên quan