Bạn đang ở đây

Tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cho doanh nghiệp

31/08/2011 16:33:39
6 tháng qua, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã ổn định trở lại. Các doanh nghiệp sản xuất chè như Công ty cổ phần Chè Văn Hưng, Công ty cổ phần Chè Hữu Hảo, Chi nhánh Chè Yên Bái (Tổng công ty Chè Việt Nam)... tương đối thuận lợi về thị trường, nhiều doanh nghiệp có đột phá mới về xuất khẩu. Trong đó, Công ty cổ phần Chè Văn Hưng đã tìm kiếm được đối tác tiêu thụ chè Suối Giàng tại thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp sau cổ phần hoá đã phát triển được sản xuất kinh doanh. 
Các doanh nghiệp chế biến lâm sản, khoáng sản như Công ty cổ phần Mông Sơn, Công ty cổ phần Lâm nông sản Yên Bái, Công ty cổ phần Khoáng sản Viglacera... đã thoát khỏi trì trệ do lạm phát và suy thoái kinh tế, các sản phẩm: tinh bột sắn, giấy đế, đá hạt, bột CaCO3 siêu mịn, Felpast tiêu thụ khá thuận lợi, nhiều doanh nghiệp làm ăn có lãi. 
Công ty cổ phần Mông Sơn, doanh thu xuất khẩu 6 tháng dự ước 20 tỷ đồng, chiếm 50% tổng doanh thu; nộp ngân sách gần 2,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2,7 tỷ đồng nhờ mở rộng thị trường sang Bănglađét, Ân Độ, Ô Man, Hàn Quốc, Nga... 
Công ty cổ phần Lâm nông sản Yên Bái sản xuát kinh doanh 6 tháng đầu năm vượt kế hoạch đề ra, sản phẩm tinh bột sắn, giấy vàng mã, giấy đế sản xuất tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Dự ước 6 tháng, giá trị tổng sản lượng 60 tỷ đồng, nộp ngân sách 4,2 tỷ, xuất khẩu trực tiếp 700.000 USD, bình quân thu nhập cán bộ công nhân viên 1,6 triệu đồng/tháng. 
Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tín dụng như Quyết định 131, 443 và Quyết định 328 của UBND tỉnh đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.  
Theo phản ánh của doanh nghiệp, các thủ tục về thuế còn rườm rà, bất hợp lý. Ví dụ, ngành thuế áp thuế 12% với sản phẩm felpast chứ không phải 5% vì cho là đá quý chứ không phải khoáng sản nguyên liệu đầu vào. 
Hay để quản lý đầu vào tính thuế VAT, các doanh nghiệp chè khi thu mua nguyên liệu đều phải làm “cáp” kê khai đủ tên tuổi người bán, địa chỉ, số chứng minh nhân dân và một loạt thủ tục kê khai khác rất phiền hà. 
Việc thực hiện Quyết định 328 của UBND tỉnh chậm, nhiều thủ tục rườm rà làm, cơ quan chức năng không căn cứ vào bộ hồ sơ hỗ trợ lãi suất của ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp mà yêu cầu thực hiện nhiều thủ tục khác, rất mất thời gian, không hợp lý.
“Cần nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp - nhất là thủ tục về thuế, về hỗ trợ doanh nghiệp theo Quyết định 328 của UBND tỉnh” - đồng chí Nguyễn Văn Ngọc phát biểu khi kết thúc công tác tại các doanh nghiệp. Biểu dương nỗ lực của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu các ngành liên quan quan tâm, tháo gỡ nhanh những vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 
Trong chuyến công tác này, đồng chí Nguyễn Văn Ngọc và đoàn công tác đã làm việc với Ban quản lý Khu công nghiệp, Công ty cổ phần gang thép Cửu Long Vinashin.
Theo Báo YBĐT

Tin liên quan