Bạn đang ở đây

Thành lập Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

20/03/2017 08:06:15

Ngày 16/3/2017, Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 835/QĐ-BNV chính thức cho phép thành lập Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association for Supporting Industries (VASI).

Hiệp hội được thành lập với mục tiêu tập hợp, kết nối và nâng cao năng lực các DN công nghiệp hỗ trợ, đại diện hội viên đóng góp ý kiến trong việc hoạch định chính sách, tìm kiếm và kết nối với thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài nhiệm vụ kết nối thì Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng sẽ đóng góp ý kiến trong việc hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp liên quan; tìm kiếm và kết nối với thị trường trong nước và xuất khẩu cho các doanh nghiệp.

Việc thành lập Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là một trong các kết quả quan trọng của Dự án “Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hướng đến thị trường châu Âu” trong khuôn khổ dự án “EU-MUTRAP” do Liên minh châu Âu tài trợ được Trung tâm Phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (SIDEC), Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương thực hiện từ tháng 6/2014 đến tháng 6/2017.

Ông Lê Dương Quang, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, ý tưởng thành lập Hiệp hội đến từ chính các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia dự án này với mong muốn và yêu cầu về việc hình thành một tổ chức liên quan đến công nghiệp hỗ trợ cùng với các nguồn lực khác của quốc gia và quốc tế, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lớn mạnh.

Theo ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), giá trị mà ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện đóng góp vào GDP chỉ khoảng 14%, trong khi đó, con số này ở Thái Lan là khoảng 26%, Trung Quốc là 36%. “Việc thành lập Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, liên kết các DN với nhau, phản ánh chính sách để các cơ quan quản lý hoàn thiện chính sách, từ đó góp phần tạo động lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển”, ông Hoài nhìn nhận.

Ra mắt Ban chấp hành Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Tại Đại hội thành lập VASI, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp tham gia hiệp hội với hy vọng sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ thực sự, có sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành, để tận dụng ưu thế công nghệ sẵn có của các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đồng thời có cơ hội mở rộng thị trường, thị phần của mình. Bên cạnh đó, nhiều doanh ngiệp bày tỏ hy vọng việc trở thành hội viên của VASI sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều đơn hàng hơn trong sản xuất cùng việc được kết nối với các tổ chức quốc tế, có chuyên sâu về công nghệ để được nhận sự chuyển giao công nghệ.

Đại hội thành lập VASI đã bầu Ban chấp hành gồm 32 thành viên do ông Lê Dương Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương làm Chủ tịch, ông Phan Đăng Tuất làm Phó Chủ tịch thường trực, bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc Viện Nghiên cứu chiến lươc, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội.

Ông Lê Dương Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương được bầu là Chủ tịch VASI

Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Lê Dương Quang - Chủ tịch VASI - cho biết, ngay sau Đại hội này, Hiệp hội sẽ nhanh chóng kiện toàn tổ chức, phân công, phân nhiệm rõ ràng cho các thành viên BCH, đồng thời hoàn thiện văn bản Điều lệ VASI để Bộ Nội vụ sớm phê duyệt. Hiệp hội cũng sẽ xúc tiến xây dựng chương trình hành động.

Theo ông Lê Dương Quang VASI sẽ nỗ lực để thực sự trở thành cầu nối ráp mối các doanh nghiệp trong hiệp hội nhằm tăng cường liên kết, hợp tác. Đây vốn là khâu rất yếu của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. VASI cũng sẽ chủ động thực hiện việc kết nối doanh nghiệp với thị trường. Chú trọng và tranh thủ hợp tác với các tổ chức nước ngoài. Khâu phát triển hội viên cũng sẽ được chú trọng từ con số 140 hội viên hiện tại của VASI. 

 

Tin liên quan