Bạn đang ở đây

Thành công từ 3 khâu đột phá

19/03/2015 07:46:08

Mặc dù chịu ảnh hưởng của tình trạng lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng phát triển công nghiệp vẫn được xác định là một trong ba khâu đột phá của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này Yên Bái đã bổ sung nhiều chính sách, tạo môi trường thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh công tác tìm kiếm thị trường; tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng tập trung, đầu tư phát triển những sản phẩm nông, lâm, khoáng sản là lợi thế của địa phương. Cụ thể, năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 05 quy định chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn, trong đó có các chính sách ưu đãi về đơn giá thuê đất, mặt nước; hỗ trợ san tạo, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động địa phương và đặc biệt là giảm thiểu các thủ tục hành chính.

Với nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp nên năm 2014 toàn tỉnh có 1.357 doanh nghiệp, 328 hợp tác xã và 20.781 hộ kinh doanh cá thể. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2014 đạt 7.062,914 tỷ đồng, bằng 101% so với kế hoạch năm, tăng 9,99% so với cùng kỳ năm 2013. Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng. Một số dự án lớn hiện nay đã hoàn thành đưa vào hoạt động như: Nhà máy Xử lý rác thải và sản xuất phân bón hữu cơ công suất 150 tấn/ngày; Dự án tuyển quặng sắt công suất 96.000 tấn/năm; 9 nhà máy thủy điện tổng công suất gần 250MW. Dự kiến đến hết năm 2015 có thêm khoảng 30 dự án sẽ hoàn thành đầu tư.

Các đơn vị thi công đường Hoàng Thi (Yên Bình) đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Xác định giao thông vận tải phát triển sẽ thúc đẩy giao thương giữa các địa phương, thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ cùng phát triển, Yên Bái đã tập trung nguồn lực xây dựng tuyến đường tránh ngập thành phố Yên Bái, kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai để khai thác lợi thế mới. Đồng thời,kết nối các địa phương trong tỉnh hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh đồng bộ, liên kết giữa các vùng; quan tâm đầu tư đường giao thông đến các trung tâm xã. Đến nay, 92,3% số xã có đường ô tô đến trung tâm đi được trong 4 mùa. Từ các nguồn lực đầu tư, đến nay mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 7.475 km; toàn tỉnh xây dựng mới 15 cầu bê tông, 10 ngầm, tràn; 22 cầu treo dân sinh, 614 cống các loại. Đặc biệt, Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn gắn với thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2014 toàn tỉnh đã kiên cố hóa trên 429 km đường bê tông (đạt trên 107% mục tiêu Đề án); hoàn thành mở mới và mở rộng trên 825 km nền đường (đạt trên 165% mục tiêu Đề án).

Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách của Nhà nước về đầu tư được thực hiện hiệu quả, tạo điều kiện phát triển sản xuất góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh đã tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi hồ chứa nước, hệ thống kè sông, suối nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các công trình thủy lợi đang có đảm bảo nước tưới chủ động cho 83% diện tích lúa vụ xuân và 95% diện tích lúa vụ mùa. Đồng thời, tỉnh chú trọng đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt đô thị và nông thôn, nâng cấp và phát triển lưới điện. Đã đầu tư trên 300 km đường dây trung áp, 161 trạm biến áp và hơn 600 km đường dây hạ thế với tổng vốn khoảng 550 tỷ đồng bằng nhiều nguồn vốn. Hiện, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã có điện lưới quốc gia.

Nguồn nhân lực của tỉnh đã có sự phát triển tích cực, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức và người lao động từng bước được nâng lên. Cùng với công tác tuyên truyền vận động lao động nông thôn tham gia học nghề, tỉnh Yên Bái đã chú trọng thành lập các trung tâm dạy nghề ở tuyến huyện, thị và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho 7 cơ sở dạy nghề công lập; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các trường, cơ sở dạy nghề ngoài công lập để đa dạng hoá các hình thức dạy, đào tạo nghề trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hiện nay, các cơ sở đào tạo nghề ở Yên Bái đã được đầu tư đồng bộ về hạ tầng cũng như các trang thiết bị phục vụ dạy nghề với các trình độ: ngắn hạn, sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề. Đồng thời, đa dạng các hình thức đào tạo như: tập trung, đào tạo lưu động, đặt hàng đào tạo nhằm phục vụ tối đa nhu cầu học nghề của mọi thành phần, lứa tuổi cũng như trình độ của người dân. Hàng năm, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động nông thôn với các nghề gắn với việc làm liên quan mật thiết với cuộc sống, như: trồng trọt, chế biến nông sản, chế biến gỗ rừng trồng, kỹ thuật trồng nấm, sản xuất rau an toàn, nuôi cá lồng, sản xuất mây tre đan, thêu dệt thổ cẩm, sản xuất tranh đá quý, điện dân dụng, gò hàn, kỹ thuật nấu ăn…

Kết quả của ba khâu đột phá chính là tiền đề để Yên Bái vững vàng bước vào thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển toàn diện trong khu vực. 

Theo YBĐT

Tin liên quan