Bạn đang ở đây

Tăng trưởng xuất khẩu bền vững - Giải pháp nào?

21/04/2015 13:17:19

Nông, thủy sản là lĩnh vực đang đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tuy nhiên, sản xuất nông, thủy sản phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, thường xuyên chịu ảnh hưởng từ những biến động khí hậu không tích cực... Việt Nam tuy là nước đứng trong “top” đầu thế giới về xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản nhưng lại chưa làm chủ được thị trường, không quyết định được về giá mà phải chạy theo giá bán của các thị trường khác như: Thái Lan, Ấn Độ…

Tương tự, nhóm hàng công nghiệp chế biến tuy chiếm 2/3 kim ngạch xuất khẩu nhưng giá trị gia tăng không cao do công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển, gia công vẫn là phương thức sản xuất chính. Xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào một số nhóm hàng, thậm chí có nhóm hàng tăng trưởng nóng như điện thoại. Nếu công nghệ, thị hiếu tiêu dùng thay đổi dẫn tới nguy cơ suy giảm kim ngạch, xuất khẩu cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhẹ.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng cho hay: Xuất khẩu của năm 2015 có nhiều tín hiệu khó khăn. Thách thức đến cả từ bên ngoài và bên trong. Bên ngoài là sự phục hồi kinh tế thế giới chưa chắc chắn, không đồng đều. Bên trong là cơ cấu mặt hàng xuất khẩu còn phụ thuộc quá nhiều vào một vài mặt hàng như điện thoại, chắc chắn dư địa xuất khẩu của mặt hàng này không thể tăng mạnh...

Doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng được ưu đãi từ các hiệp định thương mại, thể hiện ở tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ trong tổng kim ngạch không nhỏ: Nhật Bản 33,7%; Chile 37%, Hàn Quốc 85%...

Đề xuất giải pháp tháo gỡ cho xuất khẩu của Việt Nam năm 2015, nhiều chuyên gia cho rằng: Các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương là yếu tố then chốt thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Khi tham gia các hiệp định thương mại, Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi hơn so với những đối tác không tham gia. Điều này thể hiện qua việc Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi với rất nhiều mặt hàng, thậm chí có những mặt hàng thuế suất về 0% đã tạo ra những lợi thế cạnh tranh đáng kể... Các doanh nghiệp nên tận dụng tối đa những thuận lợi này, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Để xuất khẩu hướng tới mục tiêu bền vững, ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)- khuyến nghị: Cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hội chợ triển lãm, diễn đàn, thu hút vốn đầu tư nước ngoài để tạo thêm động lực tăng trưởng xuất khẩu; phát triển sản xuất chế biến, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu; cải thiện thủ tục hành chính nhằm giảm bớt thời gian, chi phí cho doanh nghiệp...

Theo Báo Công Thương

 

Tin liên quan