Bạn đang ở đây

Tăng cường hiệu quả thực thi và khai thác quyền sở hữu trí tuệ đối với ngành dệt may

30/03/2018 08:49:40
 

Khởi động Dự án “Tăng cường hiệu quả thực thi và khai thác, phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam” 

Dự án này do Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của Chính phủ bắt đầu khởi động và triển khai thực hiện.

Bà Nguyễn Như Quỳnh- Phó chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, mục tiêu cụ thể của dự án được xác định là nâng cao nhận thức chung của Vinatex và các doanh nghiệp thành viên về thực thi, xây dựng và phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, nâng cao năng lực khai thác và phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với một số nhãn hiệu của một số công ty thành viên thuộc Vinatex. Ngoài ra, nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp và nhận thức cộng đồng trong việc ưu tiên dùng hàng dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong khuôn khổ dự án, còn có các hoạt động như khảo sát; đánh giá, định giá; phát triển thương hiệu; xây dựng chiến lược ngắn hạn và dài hạn; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; đào tạo, tập huấn và truyền thông .

Bộ Khoa học và Công nghệ, Vinatex và các doanh nghiệp thành viên, các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực cam kết cùng chia sẻ nguồn lực, đóng góp và hợp tác để dự án được triển khai hiệu quả.

Theo ông Lê Tiến Trường- Tổng Giám đốc Vinatex, chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã xác định mục tiêu tổng quát phát triển ngành dệt may Việt Nam. Đó là trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn về xuất khẩu; đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong nước; tạo nhiều việc làm cho xã hội; nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc kinh tế khu vực và thế giới.

Là đơn vị đầu ngành, Vinatex và các đơn vị thành viên đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong thực hiện Chiến lược chung như đảm bảo mức độ tăng trưởng; thành công bước đầu liên quan đến nâng cao năng lực quản lý và quản trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, hội nhập kinh tế cũng đưa đến không ít thách thức như tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp dệt may phải đối diện thường xuyên với nạn hàng nhái, hàng giả. Ông Lê Tiến Trường cho biết, các nhãn hiệu của các đơn vị thành viên Tập đoàn Dệt may bị làm giả rất nhiều trên thị trường, đặc biệt là sản phẩm của May 10, Việt Tiến, Đức Giang. Trong đó, sản phẩm của may Việt Tiến bị làm giả nhiều nhất, 50% sản phẩm Việt Tiến trên thị trường là hàng nhái-  ông Lê Tiến Trường cho hay.

Còn tại thị trường nước ngoài, sản phẩm dệt may Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các hàng rào thương mại với các chính sách bảo hộ hàng nội địa của nhiều quốc gia.

Thực tế này yêu cầu Vinatex và các đơn vị thành viên phải có định hướng chiến lược để nâng cao hiệu quả các tài sản trí tuệ; trong đó, xây dựng được những thương hiệu dệt may mạnh, nâng cao và phát triển giá trị của các thương hiệu này và bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh được xác định là những vấn đề then chốt.

Bên cạnh những cơ hội, hội nhập kinh tế cũng đưa đến không ít thách thức với doanh nghiệp ngành dệt may

 

Tin liên quan