Bạn đang ở đây

Sản xuất công nghiệp Yên Bái: Nỗ lực mới hoàn thành kế hoạch

05/07/2016 10:23:48

Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2016, ngành công nghiệp Yên Bái gặp không ít khó khăn như: giá cả vật tư đầu vào tăng trong khi sức mua không tăng, dẫn đến sản phẩm ế ẩm; thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, các công trình xây dựng trên địa bàn không nhiều...

Bên cạnh đó, thời tiết không thuận lợi khiến cho nhiều doanh nghiệp có sản phẩm mũi nhọn gặp khó. Đơn cử như chè thành phẩm khó tiêu thụ nên các công ty sản xuất, chế biến chè cũng chật vật tìm đầu ra. Các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, giá bán sản phẩm quặng tinh trên thị trường giảm, doanh thu từ bán sản phẩm không đủ bù chi phí sản xuất nên các doanh nghiệp khai thác quặng phải giảm quy mô khai thác, tạm dừng sản xuất. Một số dự án công nghiệp trọng điểm mới trong giai đoạn đầu tư xây dựng, chưa đi vào sản xuất. Ngoài thiếu việc làm, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh...

Tuy nhiên, với những nỗ lực vượt khó, sản xuất công nghiệp Yên Bái vẫn đạt được mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp 5 tháng ước đạt 2.869 tỷ đồng, bằng 34,9% kế hoạch, tăng 6,8% so cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp khai khoáng ước đạt 339 tỷ đồng, giảm 5,25% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện khí đốt, nước nóng ước đạt 316 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ.

Nhìn lại bức tranh sản xuất công nghiệp 5 tháng qua cho thấy, trong 4 nhóm làm nên giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh thì 3 nhóm có mức tăng trưởng khá, riêng nhóm công nghiệp khai khoáng giảm. Cụ thể, quặng sắt tinh ước đạt 24.000 tấn, bằng 22% kế hoạch; đá xẻ các loại ước đạt 183.000 m2, giảm 12% so với cùng kỳ, bằng 23% kế hoạch; đá bột, hạt ước đạt 181.600 tấn, giảm 53% so với cùng kỳ, bằng 18% kế hoạch...

Tuy nhiên, nếu phân theo ngành công nghiệp cấp 2 thì hầu hết các ngành đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tiêu biểu là ngành khai thác khoáng sản (khai thác đá) tăng 28,12% do các công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam, Công ty TNHH Đại Đồng Tiến, Công ty cổ phần Mông Sơn tiếp tục nhận được nhiều đơn đặt hàng từ phía đối tác; ngành chế biến gỗ tăng 22,6%, do thời tiết thuận lợi nên sản phẩm đầu ra tốt, các doanh nghiệp chế biến gỗ tranh thủ thu mua nguyên liệu đầu vào, đẩy nhanh tiến độ sản xuất; ngành sản xuất giấy tăng 17,8%, do trong tháng, Công ty TNHH Hapaco Yên Sơn nhận được đơn đặt hàng từ phía Đài Loan nên doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ sản xuất giấy vàng mã; ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 46,3%, do Công ty cổ phần In và Quảng cáo Đông Đô tiếp tục nhận được nhiều đơn đặt hàng; ngành sản xuất, sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 13,4%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,13%...

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Trung Lân - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Sở Công thương cho biết: "Sản xuất công nghiệp 5 tháng qua tiếp tục có sự tăng trưởng, tuy nhiên mức tăng trưởng thấp. Nguyên nhân chủ yếu do ngành khai khoáng tiếp tục giảm do không có thị trường và giá quặng tinh thấp; ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 7,43%, do ngành sản xuất tinh bột sắn giảm 5,9%, vì sắn nguyên liệu đã hết thời vụ, các doanh nghiệp chế biến ngừng sản xuất; ngành chế biến chè xanh, chè đen giảm 17,3% do các nhà máy không mua được nguyên liệu mặc dù đã vào chính vụ. Cùng với đó, sản lượng điện của các nhà máy thủy điện đạt thấp so với kế hoạch do dự án thủy điện Khao Mang, Vực Tuần, Làng Bằng chậm đi vào phát điện, sản lượng điện hàng tháng của Nhà máy Thủy điện Thác Bà giảm đáng kể, 5 tháng đầu năm 2016 phát được 135 triệu kWh, thấp hơn 50 triệu kWh so với cùng kỳ... Dẫu vậy ngành vẫn đang nỗ lực cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất, phấn đấu giá trị sản xuất tháng 6 năm 2016 đạt 13% kế hoạch, bằng 1.067 tỷ đồng”.

Cùng với những khó khăn, nhìn một cách toàn diện thì nội tại sản xuất công nghiệp Yên Bái vẫn có những hạn chế nhất định. Khá nhiều doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng chưa cao, sức cạnh tranh yếu; vẫn là khâu xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường chậm. Một số cơ sở sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư lớn nhưng khi đi vào hoạt động lại kém hiệu quả, chưa bắt kịp với tiến trình hội nhập; sản xuất, chế biến chè vẫn chỉ là chế biến thô, chưa có sản phẩm hoàn chỉnh đáp ứng thị trường.

Để sản xuất công nghiệp hoàn thành kế hoạch năm, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục tháo gỡ, chia sẻ những khó khăn cho doanh nghiệp nhất là vấn đề vốn và tiêu thụ sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương như: xi măng, gỗ ván bóc, ván ép, gỗ xẻ thanh, sản xuất giấy đế, giấy vàng mã, bột đá... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực tự thân vươn lên để nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường đầu ra, trong đó chú ý giữ vững thị trường truyền thống nhất là các thị trường có sản lượng tiêu thụ lớn, lợi nhuận cao đồng thời tìm cơ hội xuất khẩu.         

Theo YBĐT

Tin liên quan