Bạn đang ở đây

Quan hệ thương mại Việt- Lào 2015: Khơi nhanh dòng chảy thương mại

25/02/2015 10:25:15
Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng (thứ 2 từ trái sang), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (ngoài cùng bên phải) tại Hội chợ Xúc tiến thương mại thường niên tại Viên Chăn

Nhân dịp Xuân mới Ất Mùi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại CHDCND Lào - ông Nguyễn Mạnh Hùng đã dành cho Tổng biên tập Báo Công Thương cuộc trao đổi về những chuyển động tích cực trên.

Thưa Đại sứ, năm 2013, kim ngạch XNK Việt Nam - Lào đạt 1,1 tỷ USD, năm 2014 là 1,4 tỷ USD và đích phấn đấu cho năm 2015 chạm ngưỡng 2 tỷ USD - đưa tăng trưởng kim ngạch XNK hai chiều bình quân trong 3 năm lên 30% mỗi năm. Con số này có ý nghĩa như thế nào trong quan hệ song phương và đâu là yếu tố cơ bản thúc đẩy sự tăng trưởng ấn tượng đó?

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Lịch sử đã ghi nhận mối quan hệ truyền thống keo sơn giữa nhân dân hai nước, được vun đắp qua cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc. Mối quan hệ đặc biệt đó ngày càng có ý nghĩa to lớn trong công cuộc dựng xây đất nước; nhờ đó tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác, đầu tư và phát triển của doanh nghiệp (DN) mỗi nước. Tăng trưởng kinh tế, thương mại hai chiều không chỉ tạo không gian kinh tế với sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hơn, mà còn là cơ hội giao lưu hai nền văn hóa, gia tăng đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân hai nước ngày càng phong phú, củng cố vững chắc mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào.

Đạt được kết quả đó là do chủ trương nhất quán của hai Đảng, hai Nhà nước, của các bộ, ban, ngành... đặc biệt là có sự cố gắng rất lớn của cộng đồng DN hai nước. Có thể nêu lên một số yếu tố sau: Thứ nhất, các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) được đẩy mạnh đã đáp ứng được nhu cầu hợp tác, đầu tư. Ví dụ, Hội chợ XTTM diễn ra ở Thủ đô Viên Chăn do Việt Nam tổ chức từ ngày 3-7/7/2014 đã thu hút trên 200 DN hai nước tham gia; Hội chợ Techmart công nghệ do Lào tổ chức cũng thu hút đông đảo DN Việt Nam tham dự. Cùng với đó là nhiều hoạt động hội chợ, triển lãm chuyên đề cũng diễn ra ở nhiều vùng, tỉnh, thành phố của Lào cũng gia tăng việc giao lưu, trao đổi, nắm bắt nhu cầu thị hiếu tiêu dùng của người dân để DN có hướng đầu tư, tăng nhanh kim ngạch XNK. Thứ hai, kim ngạch hai nước luôn gắn liền với việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Năm qua, hai bên đã nỗ lực cải thiện, nâng cấp các tuyến đường huyết mạch, tạo sự kết nối mạng giao thông xuyên suốt, tăng nhanh khối lượng, rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa. Nhìn tổng thể, phía Bắc Lào có đường 2E nối cửa khẩu Tây Trang - Điện Biên; đi xuống phía Nam có cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), cửa khẩu Chalo (Quảng Bình), cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Hai bên cũng quan tâm tới việc đầu tư nâng cấp hệ thống cửa khẩu, như gần đây nhất nâng cấp cửa khẩu La Lay (Quảng Trị) - La Lay (Salavan) thành cửa khẩu quốc tế. Thứ ba,hai bên cũng có bước tiến đáng kể trong việc cải thiện thủ tục thông quan hàng hóa giữa hai nước. Sắp tới sẽ áp dụng mô hình “Một cửa, một lần dừng”, chắc chắn thời gian thông quan sẽ rút ngắn đáng kể. Thứ tư, một số dự án đầu tư của DN Việt sang Lào đã đi vào khai thác, phát huy hiệu quả, như Dự án thủy điện Xekaman 3 (Tập đoàn Sông Đà) đã phát điện, phần lớn điện thương phẩm được bán trở lại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần phải kể đến nhiều DN Việt đầu tư ở Lào các dự án về cao su, chế biến ngô, tinh bột sắn với năng suất, quy mô ngày càng mở rộng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng nhanh kim ngạch XNK hai nước.

Dư địa cho cho tăng trưởng kinh tế thương mại Việt Nam và Lào còn rất lớn. Vậy theo Đại sứ, đâu là điểm nghẽn cần khơi thông để dòng chảy buôn bán hai chiều đạt được kết quả như mong muốn?

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Mục tiêu kim ngạch hai chiều Việt Nam - Lào trong năm 2015 phấn đấu đạt 2 tỷ USD, đến năm 2020 phải chạm đích 4 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu đánh giá trong mối tương quan về quan hệ kinh tế giữa Lào với các nước có chung đường biên giới như Trung Quốc, Thái Lan thì Việt Nam cần phải nỗ lực hơn rất nhiều. Hiện, thương mại hai chiều Thái Lan - Lào đã ở mức trên 4 tỷ USD/năm; Trung Quốc cũng có hướng chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào Lào và đã nhanh chóng đưa kim ngạch hai chiều lên trên 3 tỷ USD chỉ trong 2 năm trở lại đây. Theo tôi, trao đổi buôn bán hàng hóa giữa Việt Nam- Lào đang chủ yếu dựa vào hạ tầng giao thông đường bộ. Khi mà khả năng đáp ứng chưa tốt, dẫn tới chi phí vận tải khá lớn, giảm đáng kể lợi thế cạnh tranh về hàng hóa mỗi bên. Điểm nghẽn nữa cũng cần phải khắc phục ngay là thủ tục thông quan tại các cửa khẩu Việt Nam - Lào chưa được cải thiện nhiều. Trong khi tại các cửa khẩu Lào - Thái Lan, thủ tục thông quan chỉ mất 2 phút/xe hàng thì tại các cửa khẩu của Việt Nam với Lào phải mất tới 45 phút. Nếu giảm được thời gian thông quan - điểm nghẽn như vừa nêu - cũng chính là tạo ra dư địa cho tăng trưởng buôn bán hai chiều. Sau nữa, cần phải có cơ chế phù hợp với tình hình thực tế hiện nay trong việc dành nhiều ưu tiên cho sự đầu tư của DN hai nước, theo đó, lợi ích DN cần được xem xét, khuyến khích hơn nữa.

Tổng biên tập Nguyễn Hữu Quý trao đổi với Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng (bên phải)

Đâu là những tín hiệu tốt để kim ngạch hai nước chạm đích như kế hoạch đề ra, thưa Đại sứ?

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Năm 2015 và những năm tiếp theo sẽ ghi dấu bằng nhiều công trình, dự án đầu tư của hai nước đi vào sản xuất khai thác. Đây còn là cơ sở cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mỗi nước. Như tôi đã nói ở trên, từ công trình thủy điện Xekaman 3; việc đầu tư mở rộng các cơ sở chế biến nông sản, mở rộng diện tích cây trồng, vật nuôi của các DN Việt Nam tại Lào là điểm sáng được ghi nhận với việc tạo ra kim ngạch hai chiều đạt 1,4 tỷ USD năm 2014. Năm 2015 cũng sẽ có hàng loạt công trình, dự án được khởi công, như: Dự án khai thác muối mỏ Ka Li tại tỉnh Khăm Muội do Tập đoàn Hóa chất thực hiện với tổng vốn đầu tư lên tới 523 triệu USD; Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang có khá nhiều dự án được triển khai tại phía Nam Lào, sau các dự án về mía đường, tập đoàn này đang đầu tư tại tỉnh Atapư, chăn nuôi hàng ngàn con bò thịt, nuôi bò sữa và xây dựng Nhà máy chế biến sữa ở Pạc Xòong với mức vốn đầu tư lên tới 300 triệu USD. Phía Lào cũng đang xúc tiến Dự án xây dựng kho xăng dầu, đường ống từ cảng Hòn La về tỉnh Khăm Muội do Petro Lào làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư lên tới gần 300 triệu USD. Công trình sẽ làm tăng thêm các mối liên kết kinh tế giữa hai nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mỗi bên.

Tôi cũng tin rằng, ngay từ những tháng đầu năm 2015, mô hình “ Một cửa, một lần dừng” sẽ được áp dụng rộng rãi tại các cặp cửa khẩu Việt Nam- Lào. Được biết, nhóm công tác đặc biệt của hai nước đang nỗ lực chuẩn bị cho việc thực hiện thí điểm mô hình này tại cặp cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo - Đensavẳn thuộc Quảng Trị (Việt Nam) và Savanakhet (Lào), triển khai từ tháng 1/2015. Ý nghĩa và hiệu quả thực tế mà mô hình “ Một cửa, một lần dừng” mang lại là hết sức to lớn, rút ngắn thời gian thông quan, giảm phiền hà, giảm chi phí DN, tăng nhanh khối lượng vận chuyển hàng hóa, rút ngắn thời gian lưu thông, tăng tính cạnh tranh… Tựu trung lại là giải quyết được điểm nghẽn bấy lâu, thêm dư địa tăng trưởng kinh tế mỗi nước từ việc khơi nhanh dòng chảy thương mại một cách rõ nét và hiệu quả.

Điều hành vĩ mô của Chính phủ hai nước sẽ tạo cơ chế thông thoáng cũng như những thuận lợi nhất cho DN trong việc phát triển bền vững như thế nào, thưa Đại sứ?

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Quan hệ kinh tế hai nước lâu nay được quy định bởi Hiệp định Thương mại. Tuy nhiên, với xu thế hội nhập đa cực, đa tầng nấc như hiện nay thì Hiệp định cũ đã không còn phù hợp. Cả Việt Nam và Lào đều là thành viên của WTO, ASEAN và nhiều tổ chức quốc tế khác. Xuất phát từ mối quan hệ truyền thống đặc biệt, ngoài việc cần có Hiệp định Thương mại mới thì hai bên cần nhanh chóng xây dựng một Hiệp định Thương mại Biên giới, vừa phù hợp với luật pháp quốc tế, vừa giữ được giá trị cốt lõi mối quan hệ keo sơn của nhân dân hai nước. Theo đó, hai bên dành cho nhau những ưu đãi đặc thù với lợi thế địa kinh tế là có chung đường biên giới. Hiệp định Thương mại Biên giới còn là cơ sở pháp lý cho việc quản lý, phối hợp quản lý hoạt động biên mậu mỗi nước hiệu quả hơn, góp phần to lớn thúc đẩy phát triển về mọi mặt hai bên biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, cùng phát triển. Một vấn đề lớn cũng cần sớm triển khai là thực hiện quy hoạch chợ biên giới đã được Chính phủ hai nước chấp thuận, bởi ý nghĩa thực tiễn của mô hình này là hết sức quan trọng. Chợ biên giới không chỉ là nơi buôn bán thông thương hàng hóa mà còn là nơi thể hiện nét sinh hoạt, giao lưu văn hóa của cư dân hai nước, củng cố an ninh biên giới, thắt chặt hơn nữa quan hệ truyền thống Việt - Lào.

Đại sứ đánh giá như thế nào về hoạt động của Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Lào trong những thành công chung của việc thúc đẩy quan hệ song phương về mọi mặt giữa hai nước?

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Năm 2014 ghi nhận những cố gắng lớn của các cán bộ Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào. Từ việc nghiên cứu thị trường, tham mưu đề xuất, kiến nghị xây dựng chính sách mang tính chiến lược đến những phần công việc cụ thể như các hoạt động XTTM, kết nối DN hai nước, các cán bộ Thương vụ hoàn thành rất hiệu quả với vai trò nổi bật của Trưởng Cơ quan Thương vụ Trần Bảo Giám. Hội chợ XTTM tại ViênChăn như tôi nói ở phần đầu đã tạo dấu ấn rất tốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hợp tác phát triển mỗi nước. Năm qua, Thương vụ cũng phối hợp với Sứ quán tổ chức 2 cuộc gặp DN Việt Nam với DN Việt kiều để lắng nghe những ý kiến của họ, từ đó đề xuất những kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ hai nước. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, hoạt động của Cơ quan Thương vụ cũng đã được quy định theo Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Công tác ngoại giao kinh tế luôn rất cần những cán bộ thương vụ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ. Ngược lại từ đòi hỏi thực tế khách quan, Đại sứ cũng phải là người có kiến thức kinh tế vững vàng, từ đó có cơ chế phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp Thương vụ hoàn thành tốt mục tiêu khai mở thị trường, tăng nhanh kim ngạch hai chiều và nhiều hoạt động kinh tế khác. Vấn đề cốt lõi ở đây vẫn là yếu tố con người và cơ chế phối hợp. Điểm lại thời gian qua, thương vụ và Đại sứ Việt Nam tại Lào đã và đang có sự phối hợp chặt chẽ - hiệu quả. Hy vọng chúng tôi cùng về đích cho kế hoạch chung đã định trong năm 2015.

Nhân dịp năm mới, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể lãnh đạo, phóng viên, cán bộ, công nhân viên và bạn đọc Báo Công Thương. Chúc Quý báo ngày càng phát triển và luôn giữ được sự tin yêu của đông đảo độc giả, xứng đáng là Cơ quan ngôn luận của một Bộ kinh tế đa ngành cũng như là Diễn đàn của giới Công Thương Việt Nam!

Trân trọng cảm ơn Đại sứ và mong rằng hoạt động đầu tư - thương mại song phương Việt Nam – Lào sẽ khởi sắc hơn trong năm 2015 dưới vai trò “cầu nối” của Đại sứ quán nói chung và Cơ quanThương vụ nói riêng!

Nguon: Baocongthuong

Tin liên quan