Bạn đang ở đây

Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và An-giê-ri

16/11/2016 09:14:18

Thương mại

Kể từ năm 2013, Trung Quốc trở thành nước cung cấp hàng hóa số 1 cho An-giê-ri. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc lên tới 8,2 tỷ USD năm 2015, chiếm gần 16% tổng giá trị nhập khẩu của An-giê-ri. Ngược lại kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ An-giê-ri không đáng kể chỉ vài trăm triệu USD.

Trung Quốc có khoảng 1000 doanh nghiệp hoạt động tại An-giê-ri nhưng chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, xây dựng; trong khi đầu tư trực tiếp rất thấp.

Các mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu nhiều nhất sang An-giê-ri gồm xe ô tô các loại, máy kéo, săm lốp, điện thoại các loại, máy vi tính và linh kiện, máy điều hòa nhiệt độ, hàng dệt may… An-giê-ri xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là dầu thô, khí hóa lỏng, dầu nhờn chiếm tới 99,8%. Ngoài ra còn một số ít da thuộc và li-e (bần).

Nhận thầu

Từ hơn 10 năm nay, các doanh nghiệp Trung Quốc được hưởng lợi nhiều nhất từ những chương trình đầu tư công khổng lồ do Chính phủ An-giê-ri đưa ra như đường cao tốc, sân bay, các chương trình nhà ở, nhà thờ Hồi giáo…

Trên tổng số 500 tỷ USD đầu tư công cộng của An-giê-ri từ năm 1999, các công ty Trung Quốc đã dành được ít nhất là 80 tỷ USD. 80% các công trình xây dựng tại An-giê-ri do doanh nghiệp Trung Quốc tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp với các lý do nêu ra là chi phí thấp, tiến độ hoàn thành nhanh.

Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 50.000 lao động tại An-giê-ri trong đó 2000 người đã mang quốc tịch của quốc gia Bắc Phi này.

Sử dụng nhân dân tệ làm đồng tiền thanh toán XNK

Tháng 12/2015, ngay sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chính thức thêm đồng Nhân dân tệ vào giỏ các đồng tiền dự trữ (bên cạnh đồng USD, Euro, Bảng Anh và Yên),  Ngân hàng Trung ương An-giê-ri đã chỉ thị cho các ngân hàng trực thuộc và trung gian bắt đầu sử dụng đồng nhân dân tệ làm đồng tiền thanh toán nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo ông Bouchouareb, Bộ trưởng Công nghiệp và Mỏ An-giê-ri, đồng nhân dân tệ không chỉ được dùng trong giao dịch thương mại mà còn trong các hợp đồng thuộc các lĩnh vực xây dựng, các công trình công cộng và công nghiệp. Ngân hàng Trung ương An-giê-ri còn có kế hoạch đưa nhân dân tệ vào một phần trong dự trữ ngoại tệ của mình.

Tham gia sáng kiến “một vành đai, một con đường”

Theo Đại sứ An-giê-ri tại Trung Quốc, An-giê-ri đã và đang tham gia sáng kiến này. Một trong những hoạt động cụ thể là hai nước phối hợp xây dựng một cảng biển lớn ở miền Trung An-giê-ri, giúp mang lại lợi ích cho các nước châu Phi và khu vực châu Âu.

Theo ông Boudjema Talai, Bộ trưởng Công chính và Vận tải An-giê-ri, thì An-giê-ri sẽ khởi công xây dựng cảng biển thương mại mới Hamdania, tại Cherchell, thành phố Tipaza vào tháng 3/2017. Cảng biển này được xem là một trong những dự án lớn nhất của An-giê-ri, là một cực phát triển kinh tế quan trọng sau khi kết nối với mạng lưới đường sắt và đường cao tốc giúp thúc đẩy trao đổi thương mại với châu Phi.

Cảng biển được xây dựng trên cơ sở một thỏa thuận ký ngày 17/1/2016 giữa Tập đoàn nhà nước về dịch vụ cảng An-giê-ri và 02 công ty Trung Quốc. Dự án có chi phí ước tính 3,3 tỷ USD được tài trợ bằng khoản tín dụng dài hạn vay của Trung Quốc. Văn bản cũng quy định việc xây dựng cảng kéo dài 7 năm và song song với đó, trong 4 năm tới, công ty Trung Quốc Shanghai Ports sẽ tham gia hoạt động khai thác. Ước tính khối lượng hàng hóa qua cảng sẽ đạt 35 triệu tấn/năm và 2 triệu công-ten-nơ 20 feet vào năm 2050.

Thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện kiểu mới

Năm 2014, An-giê-ri và Trung Quốc đã nâng tầm quan hệ hợp tác lên mức “đối tác chiến lược toàn diện”.

Bộ trưởng Công nghiệp và Mỏ An-giê-ri, ông Bouchouareb phát biểu tại Diễn đàn hai nước năm 2015 rằng: “An-giê-ri muốn đa dạng hóa quan hệ kinh tế với Trung Quốc và khuyến khích hơn nữa các doanh nghiệp nước này thiết lập quan hệ đối tác trong các hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ”.

Tháng 8/2016, khi tham dự Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Châu Phi tại Bắc Kinh, ông Abdelkader Messahel, Bộ trưởng các vấn đề Magreb, Liên minh châu Phi và Liên đoàn Ả rập cho biết An-giê-ri muốn xây dựng cảng miền Trung tại Cherchell với Trung Quốc và muốn dựa vào cường quốc này để có được nguồn tiền tài trợ một số dự án về cơ cấu. Chính phủ An-giê-ri không loại trừ việc vay nợ nước ngoài từ Trung Quốc với lãi suất thấp.

Tháng 10/2016, tại thủ đô Alger, Bộ trưởng Công nghiệp và Mỏ An-giê-ri và Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc đã ký hiệp định khung về tăng cường quan hệ đối tác trong lĩnh vực công nghiệp nhằm tạo ra các dự án chung trong nhiều lĩnh vực và thu hút đầu tư của Trung Quốc vào An-giê-ri.

Hiệp định mang tên tăng cường năng lực sản xuất An-giê-ri - Trung Quốc với mục tiêu cấu trúc lại các mối quan hệ kinh tế chung hiện chủ yếu dựa vào trao đổi thương mại, các hợp đồng nhận thầu để hướng tới việc cùng đầu tư và sản xuất thông qua việc xây dựng một khuôn khổ thực hiện và thiết lập cơ sở cho quan hệ đối tác công nghiệp và công nghệ giữa hai nước.

Thỏa thuận chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế tạo, khai thác tài nguyên và năng lượng (dầu, khí), công nghiệp cơ khí, công nghiệp đường sắt, luyện kim, cơ sở hạ tầng, công nghiệp dầu khí, năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, chế biến sản phẩm mỏ, xây dựng, máy điện gia dụng cũng như hợp tác kỹ thuật.

 Hai bên sẽ thành lập một ủy ban theo dõi để xem xét các lĩnh vực quan hệ đối tác và hợp tác được xem là ưu tiên trong thời gian ngắn hạn. Thông qua hiệp định này, An-giê-ri và Trung Quốc mong muốn cải thiện và hiện đại hóa năng lực sản xuất của các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp An-giê-ri.                         

Tin liên quan