Bạn đang ở đây

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra, đôn đốc ứng phó bão

25/12/2017 09:15:21
 

Tập trung toàn diện ứng phó bão

Trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 667 tàu, thuyền vào bờ an toàn; có 167 tàu, thuyền đã neo đậu tại Côn Đảo; công tác di dời dân cơ bản đã hoàn thành theo kế hoạch. Chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để triển khai các hoạt động ứng phó.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện, đối với các điểm xung yếu, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó với bão số 16 (Tembin). Hiện nay, công tác sẵn sàng ứng cứu phải được coi là nhiệm vụ số một của các lực lượng chức năng.

Để công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả cao, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng trách nhiệm của người dân; lực lượng cứu hộ tại chỗ là quyết định nhưng cũng cần phải có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang cũng như các địa phương trên địa bàn. 

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu nhấn mạnh, hiện các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở cần phải tập trung toàn diện cho công tác ứng phó với bão số 16 (Tembin); không chủ quan, lơ là; làm phải quyết liệt, hết sức mình.

Bí thư Sóc Trăng yêu cầu tập trung di dời dân, khi di dời thì cần phải bảo vệ người dân và tài sản của bà con; chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cứu hộ; công tác hậu cần, y tế… tránh thiệt hại đến mức thấp nhất.

Dự báo vị trí và đường đi của bão. Ảnh Hải quân Mỹ

Tin mới nhất về bão số 16

Trong tối và đêm qua, bão số 16 đã đi qua khu vực đảo Trường Sa và Huyền Trân. Tại đảo Trường Sa và Huyền Trân đã quan trắc được gió mạnh cấp 11, gió giật cấp 14, ở trạm DKI/19 quan trắc được gió mạnh cấp 13, giật cấp 15.

Vị trí tâm bão lúc 5 giờ: 8,3N-109,9E; cách Huyền Trân khoảng 110km, cách Côn Đảo khoảng 330km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/h), giật cấp 14.

Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ nhanh 20-25km/h.

Hồi 4 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,3 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực Huyền Trân, cách Côn Đảo khoảng 410km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14.

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km về phía Tây Bắc, khoảng 150km về phía Đông Nam tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 70km tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h), khoảng tối và đêm nay (25/12) bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 12-13.

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 50km tính từ vùng tâm bão.

Đến 4 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,9 độ Vĩ Bắc; 104,9 độ Kinh Đông, trên khu vực Tây Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12-13.

Từ sáng nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc bão số 16 kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12; sóng biển cao từ 5-7m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Từ trưa nay (25/12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 13-14. Cấp độ rủi ro thiên tai (bao gồm cả huyện đảo Côn Đảo): Cấp 4.

Trên đất liền các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.

Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang có gió cấp 8-9, giật cấp 11. Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ và các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Ven biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có khả năng nước biển dâng do bão từ 0,5-1,0m.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h).

Đến 16 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,4 độ Vĩ Bắc; 102,7 độ Kinh Đông, cách Thổ Chu khoảng 100km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11, sóng biển cao 3-5 mét. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 100km tính từ vùng tâm bão.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h) và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 4 giờ ngày 27/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,7 độ Vĩ Bắc; 100,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Vịnh Thái Lan, cách đảo Thổ Chu khoảng 300km về phía Tây Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8, sóng biển cao 2-4 mét. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 70km tính từ vùng tâm bão và áp thấp nhiệt đới. Vùng nguy hiểm trên Vịnh Thái Lan trong 36 đến 48 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,5 đến 12,0 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 105,0 độ Kinh Đông.

Cảnh báo mưa lớn: Trong ngày và đêm nay (25/12), do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ có mưa to; từ đêm 25/12 ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.

Trắng đêm gồng mình ứng phó bão

Tính đến 21 giờ ngày 24/12, tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc (Cà Mau), đơn vị đã kêu gọi được 1.360 phương tiện/9.419 người vào bờ neo đậu an toàn. Hiện còn 476 phương tiện đang trên đường vào các cửa biển gần nhất để tránh trú.

Tại đảo Hòn Chuối, Đồn Biên phòng đã giúp bà con cư dân chằng néo nhà cửa, di dời tài sản có giá trị lên vị trí an toàn; tổ chức dời bè cá lồng và bao lưới chống sóng để cá không thoát ra ngoài. Khi có gió mạnh và sóng lớn, Đồn Biên phòng Hòn Chuối sẽ di dời cư dân lên đồn tránh trú.

Hiện lực lượng Bộ đội Biên phòng Cà Mau đang khẩn trương phối hợp với các địa phương tiếp tục kêu gọi số phương tiện còn lại trên biển nhanh chóng vào bờ tránh bão; hỗ trợ những gia đình chính sách, gia đình neo đơn chằng chống nhà cửa và di dời dân ở các khu vực xung yếu vào nơi toàn. Tổ chức lực lượng phối hợp với công an tuần tra bảo vệ địa bàn, bảo vệ tài sản Nhân dân. 

Đồn Biên phòng Sông Đốc duy trì 2 tổ công tác cơ động suốt đêm trên sông để nhắc nhở ngư dân neo đậu đúng nới quy định và ra cửa biển kêu gọi những chủ phương tiện còn neo ngoài cửa nhanh chóng vào bờ.

Trong ngày 24/12, Cà Mau đã tập trung tăng cường tuyên truyền thông tin di chuyển của bão và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, địa phương. Hướng dẫn Nhân dân chằng chống nhà, đặc biệt tại các khu dân cư ven biển, trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ vật liệu để thực hiện. Kiên quyết yêu cầu tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn. Di dời những tài sản có giá trị, người già, trẻ em đến nơi an toàn ở một số vùng xung yếu. Cho học sinh nghỉ học, các nhà máy xí nghiệp cho công nhân nghỉ làm việc từ ngày 25 đến hết ngày 26/12. Yêu cầu dừng ngay các cuộc họp không cần thiết để tập trung công tác phòng, chống bão.

Trong sáng 25/12 Cà Mau tiếp tục tập trung di dời người già, người bệnh, trẻ em đến nơi an toàn. Di dời hết dân ở cụm dân cư phía đông và khu vực Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân). Phải thực hiện quyết liệt, ai không di dời thì có biện pháp cưỡng chế. Khi di dời dân thì lực lượng bộ đội, công an phải có kế hoạch bảo vệ an toàn.

Tàu bè đã vào bờ mà neo đậu không đúng nơi đã hướng dẫn thì yêu cầu đến đậu nơi theo quy định. Yêu cầu ngư dân không ở lại trên tàu. Việc chằng chống nhà cửa tiếp tục làm quyết liệt, ai không thực hiện thì phải lập biên bản và cưỡng chế thực hiện. Lực lượng y tế trên tinh thần sẵn sàng tham gia ứng cứu, cơ sở y tế chuẩn bị hóa chất đầy đủ, đảm bảo an vệ sinh toàn thực phẩm, phòng chống dịch. Sở Công thương đảm bảo quản lý giá cả, lương thực, tránh tình trạng tăng giá do khan hiếm hàng…

Người dân còn chủ quan, lơ là phòng chống bão

Chiều 24/12, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương cùng Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung và Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TT&TKCN) tỉnh đã kiểm tra tình hình thực tế ứng phó bão số 16 tại huyện Đông Hải và TP. Bạc Liêu.

Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương và Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung kiểm tra kè Gành Hào và gặp gỡ một số hộ dân ở ấp 1 (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải); kiểm tra khu vực kè Nhà Mát và các hộ dân sinh sống mua bán xung quanh kè Nhà Mát.

Sau khi kiểm tra thực tế, lãnh đạo tỉnh có buổi làm việc với Ban chỉ huy phòng chống TT&TKCN huyện Đông Hải và TP. Bạc Liêu; nghe các địa phương báo cáo tình hình triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 16.

Đến chiều 24/12, toàn huyện có 81 tàu thuyền và 165 thuyền viên còn hoạt động trên biển. Ngành chức năng đã liên lạc và kêu gọi tàu thuyền vào trú bão, chỉ còn 1 tàu chưa liên lạc được. Bộ đội Biên phòng đang phối hợp với gia đình để liên lạc với phương tiện này. Huyện đã triển khai phương án sơ tán dân sống ven kè Gành Hào vào TX. Giá Rai, ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh tật… Còn tại TP. Bạc Liêu, đã thông tin bão số 16 cho các hộ dân sống ven biển Nhà Mát. Bộ đội Biên phòng vận động các hộ kinh doanh mua bán tại bờ kè Nhà Mát tạm nghỉ kinh doanh. Thành phố cũng đã triển khai phương án sơ tán dân vào trú bão ở các điểm an toàn…

Phát biểu chỉ đạo tại chuyến kiểm tra thực tế ở huyện Đông Hải và TP. Bạc Liêu, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương khẳng định, người dân các nơi này còn chủ quan trong công tác ứng phó bão số 16. Các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân biết sự nguy hiểm của bão số 16 để chủ động phòng tránh. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các địa phương cần quyết liệt hơn trong công tác di dân, không để thiệt hại về người khi bão vào.

Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có buổi họp khẩn, các đồng chí trong Ban Thường vụ được phân công cụ thể phụ trách từng địa bàn các huyện, thị, thành phố. Sau khi được phân công, các đồng chí trong Ban Thường vụ đã xuống địa bàn chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các huyện, thị, thành phố triển khai các giải pháp ứng phó bão số 16.

Lực lượng Biên phòng Rạch Gốc kêu gọi tàu thuyền và người dân thực hiện các biện pháp an toàn phòng tránh bão. Ảnh báo Cà Mau

Tập trung quyết liệt ứng phó bão

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan chủ động đối phó với bão số 16. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách sau:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng:

- Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, diễn biến của bão, tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; không để tàu thuyền ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để hướng dẫn di chuyển hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

- Rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển, trên cù lao đang có nguy cơ sạt lở mạnh, vùng thấp trũng do ảnh hưởng của triều cường. Kiên quyết sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm không đảm bảo an toàn; trong đó đặc biệt đối với huyện đảo, xã đảo như Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu),…

- Kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến (kể cả các tàu vận tải; tàu vãng lai trên sông, trên biển; các bến phà,…), khu vực neo đậu quanh các đảo, khu lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trên biển và đất liền nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

- Tổng rà soát các phương án, kịch bản ứng phó. Đặc biệt cần tăng cường trang thiết bị, nguồn lực để kịp thời chỉ đạo điều hành được thông suốt trong các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó hiệu quả với bão.

- Kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, các trọng điểm sạt lở bờ sông, bờ biển xung yếu, các công trình đang thi công, chống ngập đô thị do ảnh hưởng của nước dâng, triều cường và gió mạnh.

- Kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, hệ thống lưới điện, thông tin, cơ sở dịch vụ du lịch, chặt tỉa cành cây và các công trình công cộng, dân sinh khác để đảm bảo an toàn.

- Khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản theo phương châm xanh nhà hơn già đồng.

- Phân công các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN trực tiếp đến địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”; đặc biệt cần tăng cường các hình thức thông tin truyền thông ứng phó với bão đến cộng đồng;

2. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát phương án, sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện việc sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đê điều, công trình thuỷ lợi; hướng dẫn, kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền, gia cố khu nuôi trồng thuỷ sản, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.

4. Bộ Công Thương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện; chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phù hợp để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.

5. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo sẵn sàng biện pháp bảo đảm giao thông trên các tuyến giao thông chính; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, tăng dày các bản tin dự báo, cảnh báo, cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời truyền tải đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.

7. Bộ Ngoại giao có công hàm gửi Đại sứ quán các nước trong khu vực đề nghị giúp đỡ các ngư dân, tàu cá Việt Nam vào tránh trú bão và đảm bảo an toàn.

8. Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ lên kế hoạch cụ thể phối hợp với chính quyền địa phương tổng rà soát các phương án cụ thể để chủ động xử lý trong các tình huống trước, trong và sau bão; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

9. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí nhất là các đài phường, xã tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và phổ biến các kỹ năng ứng phó để người dân biết chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại nhất là các vùng trên đảo, trên sông, trên biển, ven biển, khu nuôi trồng thủy sản, vùng sâu, vùng xa.

10. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó; chủ động thành lập các đoàn công tác liên ngành trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với địa phương xử lý trong các tình huống cấp bách; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan