Bạn đang ở đây

Phát triển cụm công nghiệp các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc: Tháo gỡ điểm nghẽn

15/11/2017 16:26:48

Khó thu hút đầu tư

Theo thống kê từ Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), tổng số CCN theo quy hoạch của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 813 cụm. Hiện 353 cụm đã đi vào hoạt động, thu hút 7.487 dự án đầu tư sản xuất, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân trên 58%. Hầu hết các tỉnh, thành phố đã ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với CCN để phân công trách nhiệm giữa các cấp, ngành ở địa phương. Đồng thời, lồng ghép cơ chế hỗ trợ CCN trong các chính sách hỗ trợ chung của tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển cũng như quản lý CCN của các tỉnh, thành phố trong khu vực còn nhiều hạn chế, đặc biệt thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng rất khó khăn.

Hải Dương là một điển hình, trên địa bàn tỉnh hiện có 33 CCN đã được thành lập, tuy nhiên chỉ có 2 cụm Lương Điền và Ba Hàng có chủ đầu tư hạ tầng và cũng mới đầu tư xây dựng xong hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước. Điều đáng nói là cả 31 CCN đang hoạt động đều chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung nên doanh nghiệp phải tự xử lý tại cơ sở và thải ra nguồn tiếp nhận chung của địa phương.

Thanh Hóa cũng gặp phải những khó khăn tương tự, toàn tỉnh chưa có CCN nào được đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh. Hạ tầng giao thông ngoài CCN chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là cụm có doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động... gây nên tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Theo ghi nhận chung, những khó khăn trong thu hút đầu tư hạ tầng CCN của các địa phương hầu hết do chưa có cơ quan đầu mối xúc tiến doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng; nhu cầu vốn đầu tư lớn trong khi ngân sách địa phương, vốn của chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật hạn hẹp, thời gian hoàn vốn chậm; cơ chế thu hút đầu tư hạ tầng cũng như sản xuất, kinh doanh vào CCN chưa hấp dẫn. Cùng với đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cũng chưa xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trong quản lý, phát triển CCN. Đề xuất giải pháp

Từ những bất cập trên, đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đề xuất: Các đơn vị có thẩm quyền sớm xây dựng và ban hành đồng bộ các quy định mới, tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác quản lý nhà nước, cũng như hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh tại CCN. Về lâu dài, cần ban hành nghị định quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương về quản lý, phát triển CCN; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Sở Công Thương trong lĩnh vực thu hút đầu tư hạ tầng, các dự án đầu tư thứ cấp trong CCN…

Đồng quan điểm, đại diện Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho rằng: Theo Nghị định 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phát triển CCN (Nghị định 68), Sở Công Thương được giao là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với CCN. Vì vậy, Bộ Công Thương sớm có hướng dẫn cụ thể việc giao đầu mối quản lý nhà nước về CCN theo hướng các thủ tục liên quan đến đầu tư trong cụm cho Sở Công Thương quản lý và cấp phép cho doanh nghiệp; ưu đãi tín dụng cho các đối tượng đầu tư xây dựng hạ tầng CCN ở địa bàn miền núi khó khăn…

Trước đề xuất của các địa phương, đại diện Cục Công Thương địa phương cho hay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như: Nghị định 68; Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”... Theo đó, các địa phương huy động thêm nguồn lực từ các chương trình này cho phát triển CCN. Cục cũng sớm hoàn thành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 68 làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện.

Cụm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã thu hút 7.487 dự án đầu tư sản xuất, tạo việc làm và ổn định thu nhập cho nhiều lao động nông thôn.

 

Tin liên quan