Bạn đang ở đây

Phát huy truyền thống 58 năm ngành Công thương Yên bái quyết tâm vượt qua khó khăn tiếp tục đổi mới và phát triển

31/08/2011 16:24:54
Ngày 14 tháng 5 năm 1951, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà ra Sắc lệnh số 21- SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công thương. Tại phiên họp lần thứ V, ngày 20 tháng 9 năm 1955, Quốc hội khoá I nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra nghị quyết tách Bộ Công thương thành hai bộ (Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp). Sau nhiều lần điều chỉnh tổ chức của Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp thành các bộ chuyên ngành với các tên gọi khác nhau, năm 2007, Bộ Công thương được tái lập trên cơ sở hợp nhất hai Bộ nêu trên, với chức năng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Để phát huy vai trò và truyền thống của ngành công thương Việt Nam, nhằm động viên cán bộ, công nhân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Ngày 02 tháng 10 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1418/ QĐ- TTg, lấy ngày 14 tháng 5 hàng năm là "Ngày truyền thống của ngành công thương Việt Nam".
Nhìn lại chặng đường hơn nửa thế kỷ đã đi qua, với bao khó khăn thử thách và những bước ngoặt lịch sử quan trọng của đất nước, dù trong hoàn cảnh nào, ngành công thương Việt Nam cũng luôn phát huy cao nhất tinh thần tự chủ, lao động sáng tạo, góp phần quan trọng vào thành công của cách mạng Việt Nam.
Nhà máy xi măng Yên Bình giải quyết việc làm, tạo khối lưọng sản phẩm lớn, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp quý I/2009 tăng 54,3% so với cùng kỳ năm 2008.
Xuất phát điểm từ một số cơ sở sản xuất phục vụ kháng chiến, đến nay chúng ta đã hình thành ngành công nghiệp với các tập đoàn và tổng công ty lớn, có năng lực làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến như: Tập đoàn điện lực, than và khoáng sản, dầu khí, dệt may; các tổng công ty: thép, hoá chất, điện tử - tin học…
Trong lĩnh vực thương mại, từ chỗ bị bao vây cấm vận, đến nay Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 200 nước và vùng lãnh thổ, là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ngành Công thương Việt Nam đóng vai trò là đầu tầu cho kinh tế đất nước phát triển, cùng với các ngành kinh tế khác, củng cố tiềm lực kinh tế, nâng cao vị thế chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cùng với cả nước, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND- UBND tỉnh; sự giúp đỡ có hiệu quả của các bộ, ngành trung ương; các cấp, ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, lao động sáng tạo, trong suốt chặng đường 58 năm qua, ngành công thương Yên Bái luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, từ chỗ chỉ có một số cơ sở sản xuất nhỏ, lao động thủ công, đến nay công nghiệp Yên Bái đã phát triển khá toàn diện, với trên 8.000 cơ sở sản xuất, thu hút trên 25 ngàn lao động. Đã hình thành các ngành sản xuất có quy mô và sức cạnh tranh, như: khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp gốm sứ và vật liệu xây dựng, công nghiệp điện nước…
Trong 3 năm trở lại đây ( 2006 -2008), giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng với tốc độ khá cao, cơ cấu có sự chuyển dịch đúng hướng. Năm 2006 đạt 1.198 tỷ đồng; năm 2007 đạt 1.319 tỷ đồng; năm 2008 đạt 1.784 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp từng bước được đầu tư đồng bộ.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành 5 khu và 19 cụm công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch gần 2.000 ha. Tuy đang trong giai đoạn đầu của quá trình hình thành, nhưng các cụm công nghiệp đã tạo nên sức hút đối với các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất xi măng, sắt thép, chế biến lâm nông sản, khoáng sản... Việc phát triển công nghiệp tập trung sẽ là điều kiện để địa phương quản lý tốt hơn vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.
Lĩnh vực thương mại ngày càng có bước phát triển: Từ một nền thương nghiệp tập trung bao cấp, đến nay đã phát triển được trên 13 ngàn cơ sở kinh doanh thương mại, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, thu hút gần 20 ngàn lao động. Trong đó, thương mại nhà nước vẫn đảm bảo các cân đối lớn về vật tư hàng hoá thiết yếu. Thương mại dân doanh có bước phát triển nhanh về số lượng, chi phối trên 80% tổng mức bán lẻ trên địa bàn. Cơ sở vật chất của ngành trong lĩnh vực thương mại những năm qua đã được đầu tư đổi mới.
Bên cạnh các cơ sở kinh doanh theo phương thức truyền thống, bước đầu đã hình thành các cơ sở kinh doanh thương mại với cơ sở vật chất khá hiện đại, phương thức mua bán văn minh, mang lại diện mạo mới cũng như đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng.
Đạt được những thành công trên, bên cạnh yếu tố tài nguyên, cơ chế chính sách... nguyên nhân quan trọng là do ngành công thương luôn chú trọng xây dựng, kiện toàn bộ máy tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ có năng lực, có phẩm chất chính trị và chăm lo phát triển đội ngũ công nhân và công chức viên chức.
Trong đó, tổ chức cơ sở Đảng luôn vững mạnh, phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo; tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, nữ công với các phong trào hoạt động có hiệu quả, đóng góp vào thành tích chung của ngành. Ghi nhận những đóng góp của ngành công thương trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có 1 danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và 7 huân chương lao động cho các doanh nghiệp; nhiều đơn vị cơ sở và cá nhân được tặng cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh và Bộ và của Chính phủ; hàng trăm cán bộ, công chức viên chức đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua…
Nhân kỷ niệm ngày truyền thống của ngành, ngành công thương xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND - UBND tỉnh, các bộ ngành trung ương, các cấp các ngành, các thương nhân, những cống hiến hy sinh của thế hệ cán bộ đi trước và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đóng góp công sức xây dựng ngành lớn mạnh trong suốt 58 năm qua.
Thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ngành công thương đề ra mục tiêu phấn đấu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.350 tỷ đồng, 2010 đạt 3.000 tỷ đồng (gấp gần 2 lần so với năm 2008); mạng lưới điện quốc gia sẽ phủ tới 100% số xã; tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2009 đạt 3.500 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt 4.000 tỷ đồng; xuất khẩu năm 2009 đạt 17 triệu USD, đến năm 2010 đạt 20 triệu USD; phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần củng cố an ninh trật tự và an toàn xã hội...
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới được dự báo là tiếp tục khó khăn, ngành công thương sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp, đó là: triển khai tốt các chính sách chống suy giảm kinh tế của Chính phủ và của tỉnh đã ban hành. Bám sát hoạt động sản xuất kinh doanh, kịp thời xử lý những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, triển khai các dự án đảm bảo tiến độ. Tiếp tục rà soát bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại, hoàn thiện các quy hoạch chi tiết ngành hành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu.
Tranh thủ các nguồn vốn, tập trung xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng trong các khu cụm đã được quy hoạch. Tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho tỉnh, ban hành chính sách thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ nhân lực, cả khu vực sản xuất và quản lý. Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và thành tựu khoa học, công nghệ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Phát triển các dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp, như xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về thị trường, trợ giúp các doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh. Đổi mới nội dung công tác khuyến công, tư vấn công nghiệp và xúc tiến thương mại. Tăng cường các hoạt động kiểm soát thị trường, chống buôn lậu gian lận thương mại, đảm bảo môi trường kinh doanh công khai và minh bạch.
Bên cạnh các giải pháp về chuyên môn, ngành cũng sẽ tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, thực hiện cải cách hành chính. Thực hiện tốt cuộc vận động: " Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"...
Tiếp bước truyền thống vẻ vang, thế hệ cán bộ Công thương hôm nay quyết tâm phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra, góp phần xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng giàu mạnh.
Cù Đức Đua (Ủy viên BCH Tỉnh ủy - Giám đốc Sở Công thương)

Tin liên quan