Bạn đang ở đây

Những thông tin tài chính, kinh tế, thương mại nổi bật tuần đến ngày 22/11/2014

24/11/2014 10:50:14

Tuần qua, giá vàng trong nước chủ yếu đi ngang mặc dù thị trường thế giới biến động mạnh. Theo đó, giá vàng SJC dao động chủ yếu trong khoảng 35,3 – 35,45 triệu đồng/lượng (bán ra). Diễn biến không theo kịp thế giới khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới xuống dưới 5 triệu đồng.

Tỷ giá USD tại các ngân hàng giảm

Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại sau khi tăng mạnh đã quay đầu giảm khi NHNN phát đi thông điệp sẽ không điều chỉnh tỷ giá cho đến hết năm nay. Ngày 21/11, tỷ giá tại Vietcombank niêm yết ở mức 21.340 - 21.395 đồng/USD (mua – bán).

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều đợt sóng tỷ giá và việc tỷ giá tăng vừa qua không có gì bất thường. Tỷ giá có thể sẽ có lúc tăng kịch trần nhưng sẽ không có sự điều chỉnh bởi dự trữ ngoại tệ của NHNN rất dồi dào, NHNN đã chuẩn bị sẵn sàng để can thiệp thị trường.

Quốc hội tiếp tục tuần làm việc thứ 5 kỳ họp thứ 8

Tuần làm việc thứ 5 kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và 4 thành viên Chính phủ, gồm Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nội vụ, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải đã trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

Tại phiên họp ngày 20/11 của Quốc hội, với đa số phiếu tán thành, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật tổ chức Quốc hội, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) (từ 1/1/2018, mức lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng của lao động nữ và 16 năm của lao động nam), Luật Căn cước công dân (quy định cấp thẻ căn cước công dân cho người từ 14 tuổi trở lên) và Luật Hộ tịch.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tại hai thành phố giảm so với tháng trước

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hà Nội và TP.HCM tháng 11 đều giảm so với tháng trước. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của giá xăng, dầu giảm liên tiếp trong thời gian qua. Tại Hà Nội, CPI giảm 0,3%. Đóng góp vào mức giảm chung của toàn thành phố trong tháng này là 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,11%; Nhóm hàng nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,84%; Nhóm giao thông giảm 2,93%. Tại TP.HCM, CPI giảm 0.36%. Đóng góp vào mức giảm này là 3/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, bao gồm: Nhóm giao thông giảm 2,98%; Nhóm nhà ở điện nước chất đốt giảm 1,12%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,08%. Tại Long An, CPI tháng 11 cũng giảm 0,24% so tháng trước.

Nửa đầu tháng 11, kim ngạch XNK của cả nước giảm so với nửa đầu tháng 10

Theo TCHQ, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam nửa đầu tháng 11 đạt 12,66 tỷ USD, giảm 17,9% so với nửa đầu tháng 10/2014, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2014 đạt 257,85 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó, xuất khẩu đạt 130,02 tỷ USD, tăng 13,8% và nhập khẩu là 127,83 tỷ USD, tăng 11,7%. 15 ngày đầu tháng 11/2014 cả nước nhập siêu khoảng 200 triệu USD đưa cán cân thương mại giảm xuống còn 2,19 tỷ USD.

13 ngày đầu tháng 11, cả nước đã xuất khẩu được 131.525 tấn gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 13 ngày đầu tháng 11, cả nước đã xuất khẩu thêm được 131.525 tấn gạo, trị giá FOB 58,104 triệu USD, trị giá CIF 62,663 triệu USD. Trong những ngày đầu tháng 11, giá gạo xuất khẩu giảm nhẹ, chỉ đạt bình quân 441,77 USD/tấn FOB, thấp hơn mức giá xuất khẩu bình quân trong tháng 10 là 468,32 USD/tấn. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 13/11/2014, xuất khẩu gạo đạt 5,490 triệu tấn, trị giá FOB 2,395 tỷ USD, trị giá CIF 2,528 tỷ USD.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam trong quý III/2014 tăng điểm

Theo báo cáo mới nhất về niềm tin của người tiêu dùng do Nielsen - công ty thông tin và đo lường toàn cầu thực hiện thì chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam trong quý 3 năm 2014 đạt một bước tiến vượt bậc, đạt 102 điểm, tăng bốn điểm so với quý 2 năm 2014 và 3 điểm so với kết quả của đầu năm. Người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cho các đợt nghỉ, mua áo quần mới, mua các sản phẩm công nghệ mới, thay đổi vật dụng trong nhà và chi phí cho việc vui chơi ở bên ngoài đang tăng lên. Đây là một dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế trong dịp cuối năm.

Việt Nam và EU ký kết Nghị định thư PCA

Việt Nam và EU đã chính thức ký Nghị định thư Hiệp định khung về Đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên (PCA) tại Brussels, Bỉ với sự chứng kiến của đại diện của Cộng hòa Croatia, quốc gia sắp gia nhập EU. Hiệp định khung PCA Việt Nam – EU là bước đi quan trọng trong việc thắt chặt và mở rộng hơn nữa mối quan hệ giữa 2 bên trong nhiều lĩnh vực. Đây cũng là động lực thúc đẩy việc hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (FTA).

Cơ chế tài chính hỗ trợ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 171/2014/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia. Thông tư có hiệu lực từ ngày 5/1/2015.

Về chi hỗ trợ Thông tin thương mại, nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu các thị trường xuất khẩu trọng điểm theo ngành hàng, ngân sách hỗ trợ 70% khoản hci phí mua tư liệu; chi phí điều tra, khảo sát và tổng hợp tư liệu; chi phí xuất bản và phát hành.

Mức hỗ trợ tối đa nội dung này là 1,5 triệu đồng/1 đơn vị đăng ký và nhận thông tin. Về chi hỗ trợ Thuê chuyên gia trong và ngoài nước để tư vấn phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển xuất khẩu, thâm nhập thị trường nước ngoài; hợp đồng trọn gói với chuyên gia tư vấn được hỗ trợ 70% chi phí sản phẩm tư vấn; tổ chức chuyên gia phổ biến kiến thức và tư vấn cho DN được hỗ trợ 100% chi phí thuê hội trường….

Thuế thuốc lá sẽ tăng đến 145%

Văn phòng Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) đưa ra ba phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Theo đó, chậm nhất đến năm 2019 sẽ tăng thuế mặt hàng này lên các mức 75%, 105% hoặc 145%.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet tổng hợp

 

Tin liên quan